Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 02:20 (GMT +7)
Quan điểm chủ đạo chỉ đạo đổi mới của Quảng Ninh (1986-1996)
Thứ 2, 11/09/2023 | 07:59:34 [GMT +7] A A
Giai đoạn 1986-2006, hệ thống quan điểm chủ đạo chỉ đạo quá trình đổi mới ở tỉnh Quảng Ninh bám sát các quan điểm đổi mới, sự chỉ đạo của Trung ương, từ Đại hội VI đến Đại hội XII của Đảng, đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo để có các quyết sách chính trị phù hợp với điều kiện cụ thể, đặc thù của tỉnh và bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế ở từng thời kỳ, tập trung chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết đúng, trúng những vấn đề trọng tâm, cấp thiết đặt ra trong mỗi giai đoạn.
Hệ thống quan điểm này luôn có sự kế thừa, phát triển không ngừng và được kết tinh trong các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đến đến lần thứ XIV, là kim chỉ nam định hướng việc thực thi tiến trình đổi mới trong thực tiễn tại Quảng Ninh.
Trong giai đoạn 1986-1996, tỉnh tập trung ổn định sản xuất và đời sống nhân dân sau những năm tháng khủng hoảng kinh tế, củng cố quan hệ sản xuất mới, thực hiện từng bước việc chuyển đổi cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, trong bối cảnh đang phải đứng trước những khó khăn, thách thức lớn.
Quán triệt quan điểm Đại hội VI của Đảng, tỉnh Quảng Ninh phát huy tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Toàn Đảng bộ tỉnh tập trung quán triệt, tuyên truyền đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân về đổi mới, bắt đầu từ đổi mới từng phần về kinh tế, kết hợp đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, tiến tới đổi mới toàn diện. Phải ổn định chính trị để đổi mới kinh tế, lấy đổi mới kinh tế là trọng tâm, mà nội dung là chuyển nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước. Công cuộc đổi mới toàn diện cần cụ thể hóa các quan điểm mới về cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư về công nghiệp hóa; thừa nhận sự tồn tại khách quan của cơ chế thị trường, quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động theo tinh thần: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý của Nhà nước là nhân tố quyết định.
Xuất phát từ một tỉnh công nghiệp khai thác mỏ, giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, có nhiều dân tộc anh em sinh sống, phân bố không đều tiềm năng kinh tế đa dạng. Tỉnh ủy quyết định các vấn đề trọng tâm trong phát triển, đó là: (1) Đẩy mạnh sản xuất than, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hoạt động xuất nhập khẩu; mở rộng giao lưu hàng hóa, lập lại trật tự trên lĩnh vực phân phối, lưu thông; phấn đấu sớm bình ổn giá cả, bảo đảm đồng lương thực tế của người lao động và lực lượng vũ trang; từng bước ổn định tài chính và tiền tệ; tăng cường hiệu lực của các cơ quan chỉ đạo và điều hành. (2) Thúc đẩy phát triển sản xuất công, nông, ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp bằng lao động vật tư, nguyên liệu hiện có, làm ra nhiều sản phẩm. Phải dồn sức vào kế hoạch sản xuất chính, vì mục tiêu chung, chống thiên về lợi ích cục bộ. Tỉnh lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn là cải tiến quản lý kinh tế trong hợp tác xã, hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm, thanh toán gọn đến hộ và người lao động, đổi mới cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, đổi mới và bổ sung một số chính sách với nông dân. (3) Về phân phối, lưu thông, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, nâng cao vai trò của kinh tế quốc doanh, phát huy tính tích cực của các thành phần kinh tế khác; tăng cường và củng cố thương nghiệp, coi trọng giao thương hàng hóa, tạo thương nghiệp tư doanh, quản lý chặt chẽ thị trường, giá cả, tạo nguồn hàng từ nhiều phía và tranh thủ tiếp nhận hàng do Trung ương điều phối, có chính sách thu mua hàng hóa từ các địa phương một cách linh hoạt. (4) Về giá, thực hiện chính sách một giá, quản lý chặt chẽ vật tư hàng hóa và chính sách một giá cơ bản được thực hiện thành công. Công bố rõ quyền duyệt và định giá một danh mục hàng trong phạm vi phân cấp cho các ngành và huyện, thị xã, cấm tùy tiện mua và bán với bất kỳ giá nào những hàng đối lưu gây hỗn loạn giá. Hàng thông thường bán đúng giá của Nhà nước, hàng nông sản, thực phẩm mua đúng khung giá chuẩn hoặc theo giá thỏa thuận. (5) Công tác tiền lương bảo đảm đồng lương thực tế, theo đó tỉnh giữ nguyên giá gạo, xà-phòng, đường, tiến tới tạo nguồn về thịt lợn để bán cho các đối tượng trong diện được hưởng chế độ. Các thang lương, bậc lương cũng như việc áp dụng khoán quỹ lương theo định biên được áp dụng sau khi đã giảm 20% biên chế trong các ngành hành chính, sự nghiệp. (6) Về tài chính và tiền tệ, tăng thêm các nguồn thu từ hiệu quả phát triển sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ các loại thuế và các khoản thu khác. Quản lý chặt chẽ việc lưu thông tiền tệ, triệt để sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm bằng thóc và tiền gửi tiết kiệm, ấn định mức vốn và tiền mặt cho các đơn vị.
Đồng thời, đối với sản xuất than, ngành kinh tế chủ lực của tỉnh và là “lương thực của cả nền kinh tế” cả nước nói chung, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết riêng để phát triển, quyết định bốn chủ trương lớn, gồm: (1) Tiến hành trong toàn Đảng bộ, trước hết là trong công nhân, mở đợt nghiên cứu, quán triệt làm cho mọi người thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa quan trọng của sản xuất than trong sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, truyền thống công nhân mỏ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ khu mỏ của Tổ quốc. (2) Phát huy ưu điểm và kiểm điểm sâu sắc những thiếu sót do nguyên nhân chủ quan từ tình hình sản xuất than những năm trước; đề ra biện pháp đưa ngành than phát triển mạnh mẽ hơn nữa. (3) Mở chiến dịch sản xuất và phục vụ sản xuất than “Quyết thắng”. (4) Kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và công nhân mỏ, cả chiến sĩ và đồng bào các dân tộc trong tỉnh phấn đấu hoàn thành thẳng lợi kế hoạch của Nhà nước năm 1986 và trong 5 năm 1986-1990…
Hoàng Nhi (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()