Tất cả chuyên mục

Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa lực lượng chiến đấu của Mỹ vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam (số quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam từ 23.000 (1-1965) lên 60.000 (6-1965) và tăng vọt lên 184.000 (12-1965), cùng một khối lượng lớn phương tiện chiến tranh đã được huy động vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Theo sau quân Mỹ là 20.000 quân đồng minh (Nam Triều Tiên, Ô-xtrây-lia, Niu-di-lân, Philippin, Thái Lan). Hỗ trợ cho nỗ lực quân sự ở miền Nam, Mỹ dùng không quân, hải quân mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Toàn bộ mục tiêu chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh này là để “tìm và diệt” chủ lực Quân giải phóng và cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam, “bình định” miền Nam, uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân Việt Nam, buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà phải ngồi vào bàn đàm phán theo những điều kiện áp đặt của Mỹ.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Trước tình hình đó, ngày 24-4-1965, Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho các lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam tăng cường xây dựng lực lượng, đẩy mạnh tác chiến của bộ đội chủ lực, mở những đợt hoạt động quy mô chiến dịch cùng lúc trên nhiều hướng, kết hợp tiến công quân sự với khởi nghĩa của quần chúng ở từng khu vực, thúc đẩy nhanh quá trình sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền, chuẩn bị đối phó và quyết thắng địch nếu chúng mở rộng thành chiến tranh cục bộ. Ngày 2-9-1965, Sư đoàn 9 bộ binh được thành lập tại vùng căn cứ tỉnh Bình Long (miền Đông Nam Bộ). Cùng ngày, trên chiến trường đồng bằng Khu 5, Sư đoàn 3 bộ binh được thành lập tại vùng căn cứ tỉnh Bình Định. Ngày 20-10-1965, Sư đoàn 2 bộ binh được thành lập tại vùng căn cứ tỉnh Quảng Nam. Ngày 23-11-1965, Sư đoàn 5 bộ binh được thành lập tại căn cứ tỉnh Bà Rịa. Ngày 20-12-1965, Sư đoàn 1 bộ binh được thành lập tại Tây Nguyên. Đoàn 80 pháo binh thuộc Bộ Tư lệnh Miền được bổ sung thêm quân số, vũ khí, trang bị tổ chức thành một đơn vị tương đương cấp sư đoàn mang phiên hiệu Đoàn 69 pháo binh (15-10-1965). Vừa xây dựng, vừa chiến đấu và phát triển lực lượng, bộ đội ta trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các trận tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - quân đội Sài Gòn, mở ra phong trào “tìm Mỹ mà diệt”, “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”. Điển hình là các trận đánh phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành (5-1965), Vạn Tường (8-1965), Plâyme (10-1965), Bàu Bàng - Dầu Tiếng (11-1965). Tiếp đó, trong mùa khô 1965-1966, đế quốc Mỹ huy động toàn bộ lực lượng quân Mỹ, quân đội Sài Gòn và quân đồng minh mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất trên chiến trường miền Nam. Qua nửa năm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, quân và dân ta ở miền Nam đã đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục nghìn tên địch, phá huỷ nhiều máy bay, xe tăng, xe bọc thép.
Bị thất bại trong cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng quân, ráo riết chuẩn bị mở cuộc phản công lần thứ hai trong mùa khô 1966-1967. Mùa hè năm 1966, chúng điều gấp sang chiến trường Việt Nam thêm 10 vạn quân. Tháng 8-1966, số quân Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên đến gần 30 vạn và đến cuối năm là gần 37 vạn. Với lực lượng đông đảo, tháng 10-1966, đế quốc Mỹ quyết định mở cuộc phản công chiến lược lần thứ hai nhằm tiêu diệt chủ lực và cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam bằng ba cuộc hành quân quy mô lớn Át-tơn-bo-rơ, Xê-đa-phôn và Gian-xơn Xi-ti, tập trung trên một hướng miền Đông Nam Bộ. Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao, lực lượng vũ trang tại chỗ của ta đã trụ bám trận địa, quần lộn với địch, tiến công rộng khắp bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực Quân giải phóng mở các cuộc tiến công vào chỗ sơ hở, gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Bị thất bại nặng nề, buộc quân Mỹ phải chấm dứt cuộc phản công chiến lược lần thứ hai mùa khô 1966-1967.
Giữa lúc cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ đến đỉnh cao nhất, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), nhằm tạo bước ngoặt lớn, chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Chỉ trong một thời gian ngắn, quân và dân ta đã tiến công vào hàng loạt mục tiêu nằm sâu trong các đô thị trên toàn miền Nam, gây cho địch những thương vong rất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh, làm đảo lộn thế trận chiến lược của địch. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn chiến trường miền Nam, cùng với việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc đã đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt nam, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ về nước. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari.
(còn nữa)
Theo Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
Ý kiến (0)