Tất cả chuyên mục

Cách mạng tháng Tám vừa giành được thắng lợi, quân và dân ta lại đứng trước những khó khăn chồng chất, đặc biệt là chống giặc ngoại xâm. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp được sự giúp sức của quân Anh và quân Nhật đã trắng trợn nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang và nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng lên, quyết chiến với quân xâm lược, mở đầu thời kỳ “Nam Bộ kháng chiến”. Ngay từ những ngày đầu, quân và dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Nhiều nhà máy, kho tàng của địch bị đánh phá, điện, nước bị cắt. Các đội tự vệ cùng nhân dân thực hiện trong đánh, ngoài vây, chặn đứng các mũi tiến công của chúng ra vùng ven, giam chân và tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nổi bật là các trận đánh ở cầu Thị Nghè, cầu Muối, cầu Lái Thiêu, cầu Bến Phân, đánh phá Khám Lớn…
![]() |
Một đơn vị Quân giải phóng miền Nam hoạt động trong khu vực Đồng Tháp Mười. (Ảnh minh hoạ) |
Tiếng súng kháng chiến anh dũng của nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ vang dội khắp cả nước. Hướng về miền Nam, nhiều chi đội Giải phóng quân từ các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ đã xung phong lên đường vào Nam Bộ chiến đấu. Một số chi đội được thành lập ở nước ngoài cũng tình nguyện về nước sát cánh cùng quân dân Nam Bộ kháng chiến. Mặc dù chưa có thời gian chuẩn bị, nhưng được cả nước tiếp sức và cổ vũ, quân và dân Sài Gòn đã vây địch trong thành phố hơn bốn tuần lễ, bước đầu làm thất bại âm mưu đánh nhanh, giải quyết nhanh của chúng, tạo điều kiện cho các nơi khác có thời gian chuẩn bị kháng chiến.
Cùng với việc đánh chiếm Nam Bộ, quân Pháp đánh rộng ra các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hòng thôn tính miền Nam nước ta từ vĩ tuyến 16 trở vào. Ở những nơi địch đến, quân và dân ta đã chiến đấu rất anh dũng, tiêu hao sinh lực địch, ngăn chặn bước tiến của chúng. Âm mưu và kế hoạch của chúng định đánh chiếm Nam Trung Bộ cho tới vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) bị thất bại. Lực lượng của ta được bảo toàn.
Tại Bắc Bộ và Trung Bộ, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 10 năm 1945, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đóng hầu hết các thành phố từ vĩ tuyến 16 trở ra. Ở thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn, bọn Việt Nam quốc dân đảng được quân Tưởng che chở đã có mặt khắp nơi trong thành phố, chúng ra sức tuyên truyền xuyên tạc, bắt cóc, tống tiền… Bộ đội ta đã giữ nghiêm kỷ luật, tránh xung đột với quân Tưởng, đồng thời hoà vào nhân dân, bảo vệ và làm nòng cốt trong các cuộc đấu tranh của quần chúng; cùng với nhân dân vạch mặt, cô lập bọn phản động, kiên quyết và khôn khéo đập tan các hoạt động phá hoại của chúng, trừng trị những tên nguy hiểm ngay trước mũi súng của quân Tưởng. Các cơ quan của Đảng và Chính phủ được bảo vệ. Hoạt động phá hoại của bọn phản động bị ngăn chặn. Trật tự, trị an ở Thủ đô và các thành phố được giữ vững.
Theo Sắc lệnh số 71 ngày 25 tháng 5 năm 1946, Vệ quốc quân chính thức trở thành Quân đội quốc gia của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, biên chế thống nhất thành trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội. Cùng với 25 chi đội ở Nam Bộ, lúc này ở Bắc Bộ và Trung Bộ có 30 trung đoàn, tổng quân số lên tới 8 vạn người. Toàn quốc chia thành 12 chiến khu.
Hệ thống tổ chức Đảng trong Quân đội được thành lập từ Trung ương Quân uỷ đến chi bộ. Công tác phát triển đảng viên mới được tiến hành tích cực. Đến cuối năm 1946, đã có gần 8.000 đảng viên. Hệ thống cơ quan công tác chính trị và đội ngũ chính trị viên được xây dựng từ trên xuống dưới, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Trung ương Đảng đối với Quân đội. Công tác huấn luyện quân sự ở các đơn vị được tiến hành rất khẩn trương. Các đơn vị đều có chương trình huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật. Việc đào tạo cán bộ được gấp rút tiến hành. Tháng 3 năm 1946, Trung ương Đảng mở Trường quân chính Bắc Sơn. Tháng 5 năm 1946, Bộ Quốc phòng khai giảng Trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Tháng 6 năm 1946, Uỷ ban kháng chiến miền Nam mở Trường lục quân trung học Quảng Ngãi… Đến cuối năm 1946, đã đào tạo được hàng nghìn cán bộ, kịp thời đưa về các đơn vị cơ sở trước khi kháng chiến toàn quốc bắt đầu.
Vừa xây dựng, vừa chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, Vệ quốc quân và lực lượng tự vệ đã anh dũng trong đấu tranh vũ trang, vững vàng trong đấu tranh chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ chống giặc ngoài, thù trong, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền nhân dân, xứng đáng là công cụ bạo lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong những năm đầu của chính quyền cách mạng.
(Còn nữa)
Theo Tổng cục Chính trị - Quân đội Nhân dân Việt Nam
Ý kiến ()