Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 03:20 (GMT +7)
Quản lý chất thải rắn tại Hải Hà
Thứ 5, 11/05/2023 | 14:00:00 [GMT +7] A A
Theo thống kê của cơ quan chức năng, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 35-40 tấn/ngày. Trong đó khu vực đô thị khoảng 20-25 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 15-20 tấn/ngày, chủ yếu là rác thải từ các hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị phụ trách thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại toàn bộ 9 xã, thị trấn của huyện là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại dịch vụ Bảo Linh.
Công tác thu gom rác thải được đảm bảo với hệ thống phương tiện chuyên dụng, thu gom từ 2-3 lần/ngày. Lượng chất thải rắn chủ yếu được xử lý theo hình thức đốt và chôn lấp ủ compost tại nhà máy của Công ty CP Xử lý chất thải miền Đông (địa chỉ thôn 5, xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái), công suất xử lý trung bình 150 tấn rác/ngày đêm. UBND huyện còn đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 2 lò đốt xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại xã đảo Cái Chiên và xã Đường Hoa.
Bên cạnh tổ chức chặt chẽ trong dịch vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, huyện chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Cụ thể, các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện kiểm tra đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đổ thải chất thải rắn không đúng nơi quy định. Công tác tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về hành vi gây ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng, đơn thư phản ánh... được chú trọng. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nòng cốt là Hội LHPN huyện, tăng cường triển khai mô hình vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải và ủ phân vi sinh tại hộ gia đình. Qua thực hiện điểm tại xã Quảng Long và xã Cái Chiên, đến nay có 250 hộ thực hiện có hiệu quả mô hình, đang tiếp tục được nhân rộng. Các phong trào, mô hình: “Ngày Chủ nhật xanh”, “5 không, 3 sạch”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng” được duy trì, nhân rộng trong cộng đồng dân cư, khuyến khích người dân xây dựng thói quen tốt về thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh chung... Các hoạt động, mô hình, phong trào nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo nhân dân, cho thấy nhận thức chung về phân loại, xử lý rác thải, chất thải rắn có sự chuyển biến tích cực.
Căn cứ Quy hoạch KKT của khẩu Móng Cái đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Hải Hà và TP Móng Cái thống nhất quy hoạch khu xử lý chất thải rắn của 2 địa phương được xác định dùng chung, khai thác phù hợp. Trong đó phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 30%. Huyện tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ môi trường; giám sát và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Những giải pháp mang ý nghĩa bền vững sẽ góp phần nâng cao chất lượng môi trường, chất lượng đời sống nhân dân.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu xử lý chất thải cấp vùng đi vào hoạt động; 26 lò đốt rác hoạt động, đang thử nghiệm tại 9 địa phương với tổng công suất xử lý theo thiết kế là 31.983kg/h. Ngoài ra còn có 7 lò đốt đang đầu tư; một số địa phương đang xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp… Qua đó, cơ bản giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Các địa phương cũng hiện đại hóa phương thức xử lý chất thải theo định hướng giảm dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp, tăng dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt. Đến nay, 72% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, 26% tổng lượng được xử lý bằng phương pháp đốt, 2% lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp tái chế thu hồi nhựa, chế biến phân compost...
|
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()