Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:16 (GMT +7)
Quản lý, giáo dục học sinh dịp hè: Phòng, chống đuối nước cho trẻ em
Thứ 6, 09/05/2014 | 14:10:45 [GMT +7] A A
Trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cho trẻ nhiều nhất hiện nay có thể kể đến tai nạn đuối nước. Theo thống kê của Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ,TB&XH), năm 2013 toàn tỉnh có 61 trẻ tử vong/323 trẻ bị tai nạn thương tích; trong đó có đến 34 trẻ tử vong do đuối nước, chiếm trên 55%. Như vậy, tai nạn đuối nước đã và đang là một vấn nạn gây nhiều lo lắng, bức xúc trong cộng đồng, đòi hỏi trách nhiệm, sự vào cuộc của toàn xã hội.
Một bãi tắm tự phát tại khu vực đường bao biển, phường Hồng Hải, TP Hạ Long. Ảnh: Tạ Quân |
Hàng năm mỗi dịp nghỉ hè, là thời điểm học sinh có nhiều thời gian vui chơi, lại ít được quản lý, giám sát chặt chẽ của người lớn. Tỉnh ta lại có biển, nhiều sông, suối, ao hồ, các bãi tắm tự phát mọc lên nhiều, nên nguy cơ đuối nước ở trẻ càng cao. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra các khu vực đồng, sông, suối vui chơi, phụ giúp gia đình chăn trâu bò, mò cua, bắt ốc… gần như thiếu sự quản lý của người lớn, nên nguy cơ đuối nước đối với trẻ khu vực này cao hơn khu vực đô thị - nơi còn có nhiều lớp học hè, có nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích được quan tâm tổ chức…
Nhiều vụ đuối nước đau lòng đã xảy ra, không những ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội, mà nghiêm trọng hơn là tước đi mạng sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, để lại những mất mát rất lớn đối với gia đình, người thân của các em. Như trường hợp của một học sinh lớp 4 Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) xảy ra trong năm 2013, khi đi bắt rạm, em bị trượt chân xuống suối và bị nước cuốn trôi. Hay vụ của 3 em nhỏ xã Quảng La (huyện Hoành Bồ), cũng xảy ra năm 2013, khi đi chơi qua một đoạn suối sâu, không may các em bị sảy chân ngã xuống suối, khiến cả 3 em tử vong.
Theo đánh giá của Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ,TB&XH) có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị tử vong do đuối nước như: Cơ sở hạ tầng, cầu đường tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh còn thiếu, không đảm bảo an toàn; nhiều gia đình thiếu sự quản lý, để con em tự ý đi chơi ra biển, ao hồ, sông suối tắm mà không có sự giám sát của người lớn; nhiều bãi tắm tự phát mọc lên; vùng ao, hồ, sông suối nguy hiểm chưa có rào chắn, biển cấm, những nơi như vậy thường xa khu dân cư, ít người qua lại, nên khi các em gặp nguy hiểm không có sự cứu trợ kịp thời.
Trước thực trạng này, thời gian qua, công tác phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ luôn được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Hiện toàn tỉnh đang triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2013-2015. Theo kế hoạch này, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 giảm 25% số trẻ bị tử vong do đuối nước so với năm 2012 (39 trẻ tử vong); hàng năm giảm số trẻ bị đuối nước, tăng số lượng trẻ biết bơi an toàn, biết cứu đuối thông qua các hoạt động dạy bơi, cứu đuối và giáo dục kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em; 100% số giáo viên thể dục, cán bộ y tế trường học cấp tiểu học và THCS được tập huấn dạy bơi và cứu đuối; 14/14 huyện, thị xã, thành phố mở lớp dạy bơi, cứu đuối cho trẻ em, đồng thời tổ chức, đánh giá và cắm biển dành cho khu vực bơi an toàn, cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm tại các khu vực sông nước…
Triển khai kế hoạch, thời gian qua, công tác tuyên truyền đã được thực hiện sâu rộng trong nhà trường, gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Nhiều lớp dạy bơi cho trẻ trong dịp hè được mở; trong năm qua, toàn tỉnh đã mở được 22 lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ, tăng 17 lớp so với năm 2012. Bên cạnh đó, các mô hình xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em như: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn” từng bước được triển khai; công tác xã hội hoá phòng, chống đuối nước trẻ em đã nhận được sự tham gia tích cực của các đơn vị, tổ chức. Qua đó, nhiều lớp học bơi được mở, hàng ngàn áo phao cứu sinh được trao tặng cho học sinh... góp phần phòng chống đuối nước, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
“Phòng chống đuối nước cho trẻ - trách nhiệm không của riêng ai”, để tạo môi trường sống, vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ em, nhất là trong dịp hè, cần tăng cường hơn nữa sự vào cuộc, phối hợp của các cấp, ngành, đoàn thể. Việc quan tâm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giáo dục ý thức, kỹ năng bơi lội và phòng chống đuối nước cho trẻ, nâng cao ý thức rèn luyện kỹ năng cứu hộ đuối nước của người lớn, chính là tạo môi trường sống an toàn nhất cho trẻ, để các em được phát triển một cách toàn diện.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()