Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 20:13 (GMT +7)
Quản lý hoạt động các tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội
Thứ 6, 17/06/2022 | 11:04:36 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý thu, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trong đó, quan trọng nhất là quy chế mới quản lý hoạt động của tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT, được ban hành theo Quyết định số 1155/QĐ-BHXH ngày 12.5.2022 của BHXH Việt Nam (thay thế Quyết định số 1599/QĐ-BHXH ngày 28.10.2016).
Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) lưu ý, về việc thực hiện chuyển tiếp thực hiện giữa quy chế cũ và mới, tại Quyết định số 1155/QĐ-BHXH có nội dung chấm dứt, thanh lý hợp đồng và ký hợp đồng ủy quyền đối với tổ chức dịch vụ, nhân viên thu BHXH, BHYT. Theo đó, việc chấm dứt, thanh lý hợp đồng và ký hợp đồng ủy quyền mới cần thực hiện có tính liên tục, tránh gián đoạn về mặt thời gian. Đồng thời, phải xây dựng kế hoạch chi tiết, làm việc cụ thể với các tổ chức dịch vụ đã ký hợp đồng ủy quyền; đề nghị các tổ chức lập và xác nhận danh sách nhân viên nhận chuyển giao; xây dựng quy chế chi trả thù lao, chi phí thu đối với những nhân viên để tránh tranh chấp trong quá trình tổ chức thực hiện.
Về tổ chức hội nghị khách hàng, thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1108/BHXH-TST ngày 28.4.2022 của BHXH Việt Nam, cơ quan BHXH sẽ đóng vai trò là chủ thể tổ chức thực hiện (khác với trước đây, do cơ quan bưu điện thực hiện). Dù vậy, với điều kiện nhân lực hiện nay, cơ quan BHXH cần phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức dịch vụ thu để triển khai; lập kế hoạch hàng tháng, hàng quý, phân công cán bộ thực hiện hiệu quả.
Ông Dương Văn Hào đề nghị, BHXH các tỉnh, thành phố chỉ đạo các BHXH cấp huyện, các bộ phận nghiệp vụ, cán bộ chuyên trách nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu kỹ nội dung các văn bản hướng dẫn mới để thực hiện hiệu quả công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Khẳng định quyết tâm triển khai các nội dung quy định mới một cách hiệu quả, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Giang cho biết, sẽ tham mưu để Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành chỉ đạo nội dung này, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường thị trấn, các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn để bảo đảm quá trình chuyển giao nhịp nhàng.
Từ thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH thành phố đề nghị, BHXH Việt Nam xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện quá trình chuyển tiếp giữa quy chế cũ và mới. Bởi, hiện tại, TP. Hồ Chí Minh có hơn 300 đại lý thu của phường, xã trên tổng số khoảng 500 đại lý thu, do đó, quá trình chuẩn bị chuyển tiếp cần nhiều thời gian hơn, kỹ lưỡng hơn.
"BHXH thành phố sẽ báo cáo Thành ủy, UBND thành phố, có sự chỉ đạo chung với UBND các quận, huyện, thành phố trên địa bàn, từ đó bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ khi triển khai. Ngoài ra, sẽ chủ động làm việc với các tổ chức dịch vụ thu (bao gồm Bưu điện, Viettel, PVI) để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể" - ông Mến nói.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, về tổ chức dịch vụ thu, điều kiện quan trọng nhất là phải có sự bảo lãnh từ ngân hàng đều có thể tham gia ký hợp đồng thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trên tinh thần này, ngừng ký hợp đồng với các tổ chức không bảo đảm đủ điều kiện, đồng thời, mở rộng hơn nữa hệ thống tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn; tích cực bồi dưỡng đào tạo để tăng số lượng nhân viên thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Theo Báo Đại biểu Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()