Tất cả chuyên mục

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến nay 8 công ty TNHH MTV lâm nghiệp gồm Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Kế Bào, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và 1 công ty có vốn Nhà nước (Công ty CP Thông Quảng Ninh) đang quản lý 65.932,0ha rừng và đất rừng, trong đó 21.354ha là rừng và đất rừng phòng hộ, còn 42.888ha rừng và đất rừng thuộc đối tượng rừng sản xuất, 2.520ha đất khác bao gồm đất giao thông, sông suối và xây dựng cơ bản. Đất chưa có rừng chỉ còn 6.569,7ha, trong đó trên 30% không có khả năng trồng rừng vì đá nhô, đá nổi, dốc cao.
![]() |
Được nhận diện tích đất giao khoán từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ, gia đình ông Hoàng Văn Định, thôn Đồng Thầm, xã Thanh Lâm yên tâm đầu tư phát triển nghề rừng. |
Hiện nay các công ty TNHH MTV lâm nghiệp đã và đang thực hiện việc giao khoán rừng và đất trồng rừng cho các hộ gia đình công nhân và các hộ dân sống gần rừng theo Nghị định số 01/NĐ-CP và Nghị định số 135/NĐ-CP ngày 8-11-2005 của Chính phủ, xây dựng cơ chế khoán và hưởng lợi, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng cây giống chất lượng, tổ chức công tác bảo vệ rừng và bao tiêu sản phẩm rừng trồng trên cơ sở giá cả thoả thuận theo từng thời điểm. Sau khi sắp xếp chuyển đổi, các đơn vị đã xây dựng phương án sử dụng đất tính đến năm 2015 sẽ trồng rừng hết phần đất trống chưa có rừng, bắt đầu kinh doanh khép kín trên đất được giao và cho thuê. Để tạo điều kiện cho các công ty lâm nghiệp khai thác, sử dụng hiệu quả đất rừng, tỉnh đã tiến hành thực hiện việc giao đất, thuê đất và thực hiện việc đổi sổ đỏ và đang đẩy nhanh việc thực hiện rà soát cấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định việc quản lý sử dụng rừng và đất rừng của các công ty lâm nghiệp đã thực hiện cơ bản đúng theo quy định của Luật Đất đai và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tuân thủ sử dụng rừng và đất rừng đúng mục đích và hiệu quả. Với sự thuận lợi về điều kiện tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai, cây giống, hỗ trợ sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động nên các công ty lâm nghiệp đã góp phần đáng kể vào phát triển nghề rừng của tỉnh. Công tác giao khoán đất lâm nghiệp đã được các công ty TNHH MTV lâm nghiệp thực hiện khá tốt. Ngoài các hộ là công nhân của đơn vị còn có các hộ dân sinh sống gần rừng trong phạm vi quản lý của các đơn vị. Thông qua việc khoán đất đã đưa được tư liệu sản xuất đến các hộ, huy động được mọi nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, nhất là những lao động làm nghề rừng.
Ông Phạm Đức Mậu, phường Mông Dương (TX Cẩm Phả) cho biết: Từ năm 1998, gia đình tôi nhận 12ha rừng theo hình thức giao khoán của Lâm trường Cẩm Phả (giờ là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cẩm Phả), gia đình tôi đã được Công ty hướng dẫn về kỹ thuật, lựa chọn loại cây trồng phù hợp, được hỗ trợ vốn vay trồng rừng ban đầu, cùng phối hợp với Công ty tổ chức quản lý bảo vệ rừng rất tốt nên đến nay đã được khai thác 2 chu kỳ, thu lợi hơn 500 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm từ rừng sau khi khai thác cũng được Công ty tổ chức thu mua nên không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm, không bị ép giá.
Đồng chí Hoàng Công Đãng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Có thể khẳng định việc quản lý rừng và sử dụng đất rừng của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đang rất hiệu quả. Cùng với đó việc thực thi hệ thống chính sách lâm nghiệp vào việc thực hiện chính sách khoán đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đã huy động được tổng lực các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, người dân có ý thức hơn trong việc quản lý bảo vệ rừng, tổ chức quản lý sử dụng đất đai tài nguyên một cách hiệu quả và bền vững. Đảm bảo hài hoà nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của bên giao khoán và bên nhận khoán. Tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo và góp phần gìn giữ an ninh quốc phòng. Nhận thức về rừng của các cấp chính quyền và người dân ngày càng được cải thiện. Vì vậy, các công ty lâm nghiệp có nhiều thuận lợi trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, trong quản lý sử dụng rừng và đất rừng của các công ty lâm nghiệp hiện nay cũng gặp một số khó khăn do chưa thực hiện điều tra đánh giá xác định tài nguyên rừng (vốn rừng) theo hiện trạng sử dụng rừng, xây dựng bảng giá quyền sử dụng rừng đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên và giá quyền sở hữu rừng trồng thực hiện theo hướng dẫn của liên Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính. Bởi vậy khó khăn cho việc xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển đổi theo Nghị định 200 của Chính phủ và bàn giao diện tích rừng từ các công ty TNHH MTV lâm nghiệp để giảm vốn và giao vốn cho các tổ chức, cá nhân khi nhận, thuê rừng. Công tác giao đất giai đoạn trước đây còn có một số nhỏ diện tích chồng chéo như tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cẩm Phả; Vườn Quốc gia Bái Tử Long; BQL rừng TP Hạ Long chưa giải quyết xong; rừng và đất rừng phân chia theo các tiểu khu nhưng không cắt rõ những diện tích đất ở, đất sản xuất của các hộ dân nằm rải rác trong rừng, dẫn đến việc giao đất giao rừng bao trùm.
Với những tồn tại này, Sở đã báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT và tham mưu các biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các công ty lâm nghiệp thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ sử dụng rừng, đất rừng.
Ngọc Lan
Ý kiến (0)