Tất cả chuyên mục

Phải khẳng định rằng thời gian qua hầu hết các chủ rừng (bao gồm các doanh nghiệp, ban quản lý rừng, cá nhân, hộ gia đình) đều quản lý, sử dụng tương đối tốt diện tích đất rừng đã được giao. Qua đó đã góp phần phát triển vốn rừng, tăng độ phủ cho rừng, mang lại thu nhập và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân cũng như thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận hoạt động này vẫn còn không ít những bất cập cần phải khắc phục, đặc biệt là tình trạng kém hiệu quả trong tổ chức quản lý, sử dụng rừng và đất rừng.
Diện tích đất rừng chưa giao quá lớn
Quảng Ninh có tổng số 428.370ha đất lâm nghiệp (cả có rừng và không có rừng), khá lớn so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó 2/3 là diện tích rừng sản xuất, 1/3 diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng. Với đặc trưng này, rừng và đất rừng có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bởi ngoài chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường, làm đẹp cảnh quan... còn cung cấp một nguồn lâm sản rất lớn cho các ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản... |
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm này tỉnh đã giao, cho thuê rừng và đất rừng đối với các hộ gia đình, cá nhân tổng diện tích trên 135.976ha; đối với các tổ chức tổng diện tích 206.118ha. Riêng diện tích đất rừng của tổ chức lại chia nhỏ cho 8 công ty TNHH MTV lâm nghiệp (vốn trước đây là các lâm trường) quản lý trên 63.000ha; 10 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý trên 93.876ha; các tổ chức, doanh nghiệp khác quản lý 49.238ha. Thế nhưng tổng quỹ đất rừng còn lại chưa giao cũng không nhỏ. Sau khi rà soát, kiểm tra lại cho thấy tổng diện tích đất rừng chưa giao, đang được các địa phương quản lý là trên 83.553ha. Trong đó gần một nửa số địa phương (Ba Chẽ, Vân Đồn, Tiên Yên, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Móng Cái, Bình Liêu) có diện tích đất rừng chưa giao chiếm từ 5.000 đến hơn 10.000ha. Điều đáng nói là không ít địa phương sau khi rà soát, kiểm đếm diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn lại xảy ra tình trạng sai lệch về số liệu thực tế so với số liệu quản lý của đơn vị chức năng tỉnh. Đơn cử như huyện Ba Chẽ, theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng diện tích đất lâm nghiệp chưa giao là 12.696ha, thế nhưng con số cuối cùng địa phương báo cáo là trên 8.500ha. Tương tự ở huyện Hải Hà, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường còn 4.481ha, nhưng thực tế chỉ còn 1.900ha... Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do điều kiện đo đạc trước kia chưa hiện đại, phương pháp và thiết bị đo vẽ bản đồ, xác định vị trí thiếu chính xác, dẫn đến có sai số nhất định giữa thực tế và trong sổ sách. Tuy nhiên, qua đây cũng phải thấy rằng việc quản lý diện tích rừng và đất rừng của một số địa phương chưa thật sự chặt chẽ, không ít phần diện tích trong đó mặc dù chưa được giao thế nhưng vẫn được người dân đã và đang sử dụng.
![]() |
Các đơn vị chức năng huyện Hoành Bồ kiểm tra thực địa đất lâm nghiệp trên địa bàn. |
Ngoài ra thì cũng phải thấy rằng hầu hết các địa phương mới chỉ thống kê diện tích rừng và đất rừng trên số liệu cơ học, đến thời điểm này vẫn chưa rà soát, xác định rõ được vị trí, diện tích, hiện trạng rừng, loại rừng theo thực tế, diện tích có khả năng trồng rừng và không thể trồng rừng. Cùng với đó thì các địa phương cũng chưa xác định được nhu cầu thực sự của các hộ dân về đất rừng để phục vụ phát triển sản xuất. Điều này đương nhiên dẫn tới khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng theo chỉ đạo của tỉnh, nhất là trong tình trạng phần nhiều diện tích đất lâm nghiệp còn lại thực sự không thuận lợi, thậm chí xa dân cư, nghèo kiệt, chất đất xấu, dốc cao… Thực tế đến cuối tháng 7 vừa qua, mới chỉ có huyện Hoành Bồ và Ba Chẽ đã xây dựng được phương án giao đất giao rừng và đang triển khai giao cho dân, còn các địa phương khác chưa có cải thiện nào đáng kể.
Rừng và đất rừng đã giao cũng “có vấn đề”
Tại nhiều cuộc họp liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp của UBND tỉnh gần đây, nhiều đại diện các sở, ngành đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý và sử dụng diện tích rừng và đất rừng đã giao cho các cá nhân, tổ chức. Trong đó đối với cá nhân, hộ gia đình thì vẫn còn hiện tượng quản lý chồng chéo; người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, tranh chấp, lấn chiếm đất rừng, nhất là với diện tích chưa giao… Thực tế trong tổng số 2.147ha rừng phòng hộ thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Lập thì hiện có tới 1.878ha là của trên 250 hộ dân sinh sống trong khu vực đầu tư trồng, chăm sóc rừng, trong đó 126 hộ đã được huyện Hoành Bồ giao đất rừng để sản xuất từ cách đây vài chục năm về trước. Như vậy đến thời điểm này diện tích thực do Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Lập quản lý và sử dụng, có thể chủ động đầu tư triển khai các hoạt động liên quan chỉ còn gần 270ha, con số quả thật vô lý. Hay như trong tổng thể diện tích rừng đặc dụng của Ban Quản lý rừng đặc dụng cảnh quan môi trường TP Hạ Long đang lẫn vào hơn 933ha diện tích rừng sản xuất và diện tích này cũng đã được giao khoán cho người dân đầu tư sản xuất từ lâu. Đáng nói là thực trạng trên không chỉ tồn tại ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Lập hay Ban Quản lý rừng đặc dụng cảnh quan môi trường TP Hạ Long mà còn ở nhiều đơn vị khác. Bên cạnh đó, thời gian qua hàng loạt các vụ xây dựng nhà ở trái phép trên đất rừng, mua bán, lấn chiếm diện tích đất rừng… đã được cơ quan chức năng phát hiện và làm rõ tại một số địa phương.
Một bất cập lớn trong quản lý sử dụng rừng và đất rừng hiện nay chính là một số đơn vị, doanh nghiệp đã không đầu tư hiệu quả, chậm đầu tư hoặc bỏ hoang đất. Theo thông tin mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan này đã chính thức đề nghị và đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh thu hồi trên 10.600ha của 11 doanh nghiệp, tổ chức, trong đó nhiều đơn vị có diện tích bị đề xuất thu hồi lên đến hàng ngàn ha. Đơn cử như Công ty TNHH Phát triển trang trại Thành Tín trên 4.700ha, Công ty TNHH Innogreen gần 1.600ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên gần 3.000ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều trên 1.100ha… Nguyên nhân do các đơn vị này trong quá trình quản lý đã giao khoán sai đối tượng; để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm nhiều năm mà không xử lý được; hoặc không tổ chức trồng rừng, chăm sóc rừng đúng tiến độ dự án đã được phê duyệt. Thực tế trong tổng số gần 33.000ha đất trống chưa có rừng đang giao cho 36 doanh nghiệp để phát triển rừng từ năm 2003 đến nay thì hiện mới thực hiện được trên 18.000ha, còn lại 15.000ha vẫn trong tình trạng đất trống, đồi núi trọc. Một lần nữa khẳng định tác dụng to lớn của việc gìn giữ và phát triển rừng, đất rừng. Bởi vậy thiết nghĩ những bất cập tồn tại trong công tác quản lý và sử dụng rừng, đất rừng kể trên cần phải được khắc phục hiệu quả. Có như vậy rừng và đất rừng mới phát huy hết vai trò của mình: Thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan tự nhiên và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Việt Hoa
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng rừng và đất rừng Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Việc đo đạc bản đồ địa chính và cắm mốc ranh giới đất lâm nghiệp cần được tỉnh hỗ trợ, bố trí kinh phí Để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, trước tiên đối với các công ty lâm nghiệp sau khi được giao đất, cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đã bàn giao cho địa phương một số diện tích đất lâm nghiệp để giao cho nhân dân; hoặc bị thu hồi một phần chuyển sang mục đích khác, bắt buộc phải lập lại bản đồ, hồ sơ thuê đất, cắm lại mốc ranh giới tại thực địa và trình UBND tỉnh điều chỉnh lại ranh giới thuê đất và cấp giấy CNQSDĐ. Đối với việc quản lý đất lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân thì các địa phương cần tiến hành ngay việc rà soát lại quỹ đất lâm nghiệp chưa giao cho hộ gia đình, cá nhân; đồng thời lập đề án giao đất cho các hộ gia đình. Một nội dung nữa chúng tôi muốn đề nghị UBND tỉnh bố trí đủ kinh phí để hoàn thành việc đo đạc bản đồ địa chính và cắm mốc ranh giới đất lâm nghiệp để việc quản lý sau này thuận lợi hơn. Ông Triệu Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoành Bồ: Cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng Tôi cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng rừng, đất rừng không gì hơn hết là công tác quản lý nhà nước phải chặt chẽ, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể với thực tế của Hoành Bồ, chúng tôi đang đặc biệt tránh tối đa tác động có thể không tốt cho rừng phòng hộ và đặc dụng, thay vào đó chỉ tập trung khoanh nuôi, bảo vệ, xúc tiến tái sinh rừng. Với loại rừng này, ở vị trí ít xung yếu, lại nằm xen kẽ khu dân cư thì rà soát và đề xuất tỉnh cho chuyển sang rừng sản xuất, nhằm thuận lợi hơn trong quản lý bảo vệ rừng, đồng thời tạo thêm quỹ đất để giao cho dân sản xuất, cải thiện đời sống. Ngoài ra thì trong kế hoạch phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện, thời gian qua huyện đã và đang vận động người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng thâm canh trên đất rừng, đặc biệt quan tâm một số cây lâm sản ngoài gỗ thế mạnh của địa phương; khai thác cây trồng đúng độ tuổi; tiến tới trồng cây gỗ lớn thay thế cây keo. Riêng các xã vùng cao, với ưu thế về vị trí, thời tiết, Hoành Bồ đang thí điểm trồng cây đặc sản, cây dược liệu trên đất lâm nghiệp, nếu thành công sẽ tạo ra các vùng sản xuất tập trung, rộng lớn. Ông Nguyễn Trung Hải, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử: Dành sự quan tâm cao nhất cho người dân sinh sống gần khu vực giáp ranh Có thể nói rừng Quốc gia Yên Tử ngày càng được quản lý, bảo vệ và phát triển hiệu quả. Nhiều năm qua ở đây không xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng, cháy rừng, đặc biệt công tác vệ sinh môi trường rừng, tạo cảnh quan phục vụ du khách đến Yên Tử được làm rất tốt. Có được kết quả trên, trước tiên tôi cho rằng chính là nhờ sự vào cuộc, hợp tác tích cực của các hộ dân sinh sống trong vùng giáp ranh và các vùng lân cận. Chúng tôi đã bằng nhiều cách giúp họ nâng cao nhận thức, hiểu được tầm quan trọng của vị trí và giá trị rừng Quốc gia Yên Tử, cũng như nhận thấy được lợi ích thiết thực khi rừng Quốc gia Yên Tử được bảo vệ và phát triển. Bên cạnh đó tỉnh và TP Uông Bí cũng dành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Ông Dương Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp: Phải tái cơ cấu lại ngành Lâm nghiệp Theo tôi, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trồng rừng cũng như quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn cần tái cơ cấu lại ngành Lâm nghiệp. Có nghĩa là từng bước chuyển một số diện tích rừng sản xuất của người dân sang sản xuất, kinh doanh gỗ lớn với chu kỳ 15-20 năm mới khai thác. Trong điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư trồng rừng có hạn nên để thực hiện được việc tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng sản xuất, kinh doanh gỗ lớn, Nhà nước, tỉnh cần có một số chính sách hỗ trợ người dân. Cùng với đó, trồng rừng gỗ lớn kết hợp với trồng xen canh cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của lâm nghiệp cũng như quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. Theo tính toán, nếu sản xuất, kinh doanh gỗ nhỏ như hiện nay, sau 6-7 năm, giá trị thu được trên 1ha rừng bình quân chỉ đạt 30-40 triệu đồng (cây gỗ đứng). Nếu sản xuất, kinh doanh gỗ lớn, sau 15-20 năm thì giá trị cây đứng trên 1ha đạt từ 100-150 triệu đồng, trong khi đó chỉ phải một lần đầu tư trồng rừng. Nhóm PV kinh tế thực hiện |
Ý kiến ()