Tất cả chuyên mục

Việc kinh doanh, mua bán thuốc BVTV không theo quy định, bể chứa rác thải thuốc BVTV “có mà như không”... là thực trạng đã diễn ra nhiều năm nay. Để đảm bảo người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng thuốc BVTV đạt hiệu quả và đẩy lùi được các vi phạm trong kinh doanh thuốc BVTV thì bài toán này cần được giải từ nhiều phía.
[links()]
![]() |
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) thanh, kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc BVTV tại phường Minh Thành (TX Quảng Yên). |
Siết chặt từ “gốc”
Để ngặn chặn, kiểm soát tình trạng vi phạm trong kinh doanh thuốc BVTV, xây dựng nền nông nghiệp sạch thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác hướng dẫn, thanh, kiểm tra. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), riêng trong năm 2014 và 2015, số lượng các đại lý, cửa hàng bị xử lý vi phạm trong buôn bán thuốc BVTV khá lớn (năm 2014 là 277 trường hợp, năm 2015 là 158 trường hợp); quý I-2016, trong số 37 cửa hàng, đại lý được Chi cục thanh tra, kiểm tra thì có tới 15 cửa hàng, đại lý vi phạm. Chi cục cũng đã tiến hành kiểm tra và nhắc nhở nhiều hộ dân sử dụng thuốc BVTV không theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng, đúng lúc, đúng cách).
Do Quảng Ninh là tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, mạng lưới cung cấp thuốc BVTV được phép sử dụng đến các khu vực vùng sâu, vùng xa còn thiếu… nên tình trạng nhập lậu thuốc BVTV vẫn diễn biến phức tạp, do đây là các mặt hàng có giá rẻ, tác dụng nhanh, vẫn không ít người tìm cách mua bán, sử dụng. Theo quy định của Bộ NN&PTNT, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, cửa hàng phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương và phải có giấy chứng nhận “đảm bảo môi trường”. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở cũng đã được phân cấp về các địa phương từ tháng 1-2015. Như vậy, chính quyền địa phương đóng vai trò chính trong việc quản lý, đánh giá các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Đối với những trường hợp đã vi phạm, vi phạm nhiều lần, cơ quan chức năng và địa phương cần xử lý nghiêm ngặt, như: Kiên quyết đóng cửa đối với các cơ sở không có giấy đăng ký kinh doanh; yêu cầu các cửa hàng cam kết không bán thuốc BVTV trái với quy định cho phép, nếu vi phạm sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh…
Trở lại câu chuyện bể chứa vỏ, bao bì thuốc BVTV, qua thực tế cho thấy, các bể được xây dựng đúng chuẩn (tại TP Hạ Long) có tác dụng tích cực trong việc phòng tránh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo giá trị nông sản và sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, các công trình có thiết kế đạt chuẩn như ở TP Hạ Long cần được triển khai nhân rộng, trước mắt đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các vùng trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đối với các bể có thể cải tạo được, ngành Nông nghiệp cần nhanh chóng xây dựng phương án cải tạo thành bể kín, đáp ứng được các tiêu chí đặt ra.
Phải chú trọng Giải pháp cốt lõi
Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, thời gian qua, các đơn vị chuyên môn đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng ngắn ngày về kiến thức sử dụng thuốc BVTV cho nông dân. Tuy nhiên do thời gian ngắn, chương trình chủ yếu là lý thuyết, trong khi nội dung chuyển tải nhiều, cần cụ thể, chặt chẽ, nên không phải nông dân nơi nào cũng tiếp thu được, nhất là nông dân các vùng sâu, xa, dân tộc, miền núi. Chính vì vậy, mặc dù ý thức về sản xuất an toàn, kỹ năng canh tác trong đó đặc biệt là kỹ năng sử dụng thuốc BVTV của đại bộ phận người nông dân đã được nâng lên, song chưa đạt được như mong muốn. Trong đó một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là ở vùng miền núi, sâu xa, dân tộc, còn “lơ mơ” về các đối tượng dịch gây hại, về việc sử dụng thuốc BVTV “4 đúng”.
Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện có đến 85% các hộ trồng rau phun thuốc dựa vào kinh nghiệm, trên 40% số hộ nông dân tăng nồng độ phun thuốc gấp đôi so với khuyến cáo. Điều này làm tăng chi phí sản xuất, hiệu quả lại thấp, nguy hại hơn là làm tăng nguy cơ tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí, giảm giá trị nông sản và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Để người dân, nhất là nông dân khu vực miền núi, biên giới nắm vững và hiểu rõ hơn các quy trình trong sử dụng thuốc BVTV thì cần phải có những biện pháp chuyển tải phù hợp hơn, giàu tính thực tiễn hơn, học đi đôi với hành và trải nghiệm thực tế. Một trong những biện pháp chuyển tải được người dân đánh giá rất cao là Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đã từng được Sở NN&PTNT triển khai từ năm 2002 trở về trước. Đây thực chất là chương trình giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV trên cây trồng, song vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất. Chương trình này đã được tổ chức tại các vùng trọng điểm nông nghiệp của tỉnh, như Đông Triều, Quảng Yên với cách thức thiên về thực hành trên đồng ruộng, cầm tay chỉ việc. Cùng với đó, IPM cũng giúp người nông dân xây dựng các mô hình điểm; hỗ trợ nông dân thời kỳ hậu IPM.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện Sở đang xây dựng các bước cần thiết để tái khởi động chương trình IPM. Tuy nhiên, giải pháp hiệu quả và bền vững nhất là người dân phải tự học hỏi, rèn luyện, nâng cao nhận thức bản thân. Đồng thời, các địa phương và cơ quan chức năng cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm chung để cùng với ngành Nông nghiệp đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất, của cộng đồng về công tác kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV.
Việt Hoa - Hoàng Nga
Ý kiến người trong cuộc
* Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đức: Hiện nay, có tới 4.100 loại thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, quá lớn, gây nhiều khó khăn cho người dân trong việc lựa chọn thuốc. Sở cũng đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát lại danh mục thuốc BVTV. Thời gian tới, Sở sẽ thành lập đoàn thẩm định cơ sở kinh doanh thuốc BVTV theo quy định tại Thông tư số 21/2015 của Bộ NN&PTNT. Đồng thời triển khai ký cam kết đối với các cơ sở buôn bán thuốc BVTV về việc không mua, bán các loại thuốc BVTV nhập lậu, thuốc ngoài danh mục, thuốc không rõ nguồn gốc, thời gian xong trước ngày 15-7-2016. Bên cạnh những giải pháp của ngành, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Hải quan… cùng vào cuộc với ngành Nông nghiệp trong việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra; ngăn chặn nhập lậu thuốc BVTV và quản lý chặt việc kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn. |
|
* Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vũ Thành Long: Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, tháng 4-2016, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành kế hoạch giám sát công tác quản lý, vật tư nông nghiệp năm 2016. Để công tác đạt hiệu quả, năm nay, quá trình triển khai giữa Hội Nông dân với Sở Công Thương, Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở NN&PTNT sẽ không đặt nặng về hướng thành lập nhiều đoàn giám sát, mà tập trung thu thập thông tin, coi trọng kênh giám sát của nông dân. Thực tế cho thấy, nếu chúng ta tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ cơ sở và hội viên nông dân để họ giám sát thường xuyên địa bàn, phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu, hành vi vi phạm, thì hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. |
|
* Bà Cao Thị Hải, chủ đại lý thuốc BVTV Thái Hải (xã Tiền An, TX Quảng Yên): Hiện nay, các loại thuốc BVTV được bán tại các cơ sở hợp pháp đều được quản lý chặt chẽ và được đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc thuốc; có hướng dẫn sử dụng rất rõ ràng bằng tiếng Việt trên bao bì. Nếu người dân làm đúng quy trình thì các loại thuốc BVTV đều vô hại, rau màu có sử dụng thuốc BVTV đều an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vấn đề là người dân có mua thuốc ở những cơ sở này không, có được hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách, đúng loại, đảm bảo thời gian cách ly hay không? Vì vậy, để đưa hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp từng bước đi vào nền nếp, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, hướng dẫn các cơ sở thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh đảm bảo theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, xử lý nghiêm khắc nếu phát hiện vi phạm. Có như vậy thì mới khuyến khích được các cơ sở làm ăn chân chính và người nông dân mới tiếp cận được các loại thuốc đạt chuẩn. |
|
* Ông Lê Đức Đông, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Song Hành (TX Quảng Yên): Theo tôi, nếu người nông dân “bắt tay” với doanh nghiệp cùng sản xuất an toàn thì chắc chắc mang lại kết quả tốt hơn, bền vững hơn. Bởi với những thế mạnh về vốn đầu tư, tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học cũng như hệ thống giám sát, quản lý chặt chẽ, doanh nghiệp sẽ định hướng sát nhất và hỗ trợ kịp thời nhất cho nông dân. Hiện nay TX Quảng Yên đang dành quỹ đất đến hàng nghìn ha để sản xuất rau màu theo hướng an toàn. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất rau an toàn, Công ty chúng tôi rất quan tâm đến định hướng này của Quảng Yên và sẵn sàng tham gia với sự chuẩn bị tốt nhất. |
Việt Hoa - Hoàng Nga (thực hiện)
Ý kiến (0)