Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 09/11/2024 02:27 (GMT +7)
Quan tâm bảo tồn nét văn hoá làng chài Hạ Long
Thứ 2, 11/03/2024 | 07:31:09 [GMT +7] A A
Chèo thuyền nan vốn là một nghề truyền thống, mang đậm nét văn hóa làng chài cổ trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, nghề truyền thống này đã dừng hoạt động trong 10 năm qua. Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm, tiếp tục tổ chức lại mô hình làng chài mới vừa mang bản sắc làng chài xưa, vừa mang tính chất bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của Vịnh Hạ Long.
Sau khi di dời dân làng chài lên bờ sinh sống, với mục đích bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá làng chài, UBND TP Hạ Long đã phối hợp với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tiếp nhận 69 nhà bè bảo tồn, sắp xếp, chỉnh trang và phát huy tối đa một số giá trị văn hoá làng chài xưa tại khu vực Cửa Vạn và Vung Viêng trên Vịnh Hạ Long, tạo thành sản phẩm du lịch văn hoá độc đáo phục vụ du khách tham quan.
Năm 2018, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện bảo tồn và phát huy đối với một số giá trị văn hoá tiêu biểu của cư dân làng chài. Theo đó, đã sắp xếp 20 nhà bè bảo tồn, tái hiện mô hình lớp học nổi; biên tập dàn dựng 2 kịch bản hát giao duyên và truyền dạy 23 học viên là thế hệ trẻ của ngư dân làng chài, hướng dẫn viên, các doanh nghiệp chèo đò trên vịnh; truyền dạy đan ngư cụ, chế tạo ngư cụ truyền thống cho 10 viên chức, người lao động của Ban Quản lý vịnh. Cùng với đó, thành phố đã xây dựng phim tài liệu “Văn hoá làng chài - Di sản giữa lòng di sản”; sưu tầm bổ sung trên 50 hiện vật, hàng trăm bức ảnh về đời sống sinh hoạt của cộng đồng ngư dân làng chài.
Điều này không chỉ tạo nên một không gian văn hóa sinh động, tạo ra những dịch vụ, sản phẩm du lịch hấp dẫn từ những giá trị văn hóa phi vật thể lâu đời của Vịnh Hạ Long; bước đầu nhận được đánh giá tích cực của các sở, ngành về hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của người dân chài trên vịnh.
Năm 2021, để tiếp tục bảo tồn các nhà bè nhằm gìn giữ phát huy giá trị văn hoá làng chài, TP Hạ Long đã báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương xin cấp kinh phí sửa chữa 25 nhà bè bảo tồn có khả năng cải tạo, sửa chữa phát triển sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long và được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương. Theo đó, thành phố đã khảo sát, thiết kế, khái toán kinh phí đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhà bè xây dựng sản phẩm du lịch và phương án quản lý, vận hành sau đầu tư; đồng thời có văn bản báo cáo UBND tỉnh bổ sung dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các nhà bè bảo tồn tại Cửa Vạn, Vung Viêng vào danh mục dự án đầu tư năm 2023 bằng nguồn kinh phí tham quan Vịnh Hạ Long được điều tiết cho ngân sách TP Hạ Long.
Tuy nhiên, hiện nay tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn nhiều công trình xuống cấp nên đơn vị phải chăng dây, cắm biển những khu vực nguy hiểm, hạn chế việc tham quan, tìm hiểu các nét văn hóa độc đáo tại đây. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cảm nhận và cách nhìn của du khách trong việc phát triển du lịch tại Trung tâm Văn hoá nổi Cửa Vạn nói riêng và của Vịnh Hạ Long nói chung. Bên cạnh đó, các nhà bè chủ yếu làm bằng gỗ tạp trên hệ thống phao xốp, qua thời gian sử dụng đã cũ hỏng, mất mỹ quan, không đảm bảo an toàn cho hoạt động tham quan của du khách.
Lãnh đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: Hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với UBND TP Hạ Long và các ngành chức năng liên quan làm hồ sơ đấu thầu sửa chữa, phục hồi các nhà bè bảo tồn để triển khai trong thời gian sớm nhất nhằm mục đích bảo tồn không gian văn hóa làng chài xưa và phát triển sản phẩm du lịch sau này. Đồng thời, phân loại những công trình, xây dựng kế hoạch sửa chữa, phục dựng các công trình kiến trúc liên quan đến giá trị văn hóa làng chài.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()