Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:24 (GMT +7)
Quan tâm phát triển, nâng cao nguồn nhân lực y tế
Thứ 4, 08/05/2024 | 13:33:03 [GMT +7] A A
Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Ninh nói chung và các bệnh viện, trung tâm y tế (TTYT) nói riêng đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó giúp các y, bác sĩ nâng cao tay nghề, thực hiện thành công nhiều ca bệnh khó, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Toàn ngành Y tế Quảng Ninh hiện có trên 9.800 nhân viên y tế, trong đó có gần 2.000 bác sĩ. Tuy nhiên, số lượng bác sĩ hiện vẫn còn thiếu hụt nhiều, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở. Do đó, ngành Y tế Quảng Ninh nói chung và các bệnh viện, TTYT nói riêng đã triển khai nhiều giải pháp thu hút nguồn nhân lực. Các đơn vị y tế trong tỉnh đã tăng cường liên hệ và tham dự ngày hội việc làm tại các trường đại học như: Y Hà Nội, Y dược Hải Phòng, Y dược Thái Nguyên, Y dược Thái Bình... để phổ biến các chính sách, quảng bá hình ảnh của đơn vị.
Các đơn vị y tế tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách hiện có của tỉnh, trọng tâm là Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh quy định chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại một số đơn vị thuộc tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Theo đó sẽ thu hút tối thiểu 298 người (10 tiến sĩ y khoa, bác sĩ CK II; 39 thạc sĩ, bác sĩ CKI; 249 bác sĩ). Mức hỗ trợ tùy đơn vị, khu vực và trình độ, từ 200-750 triệu đồng; tăng gấp 1,2 lần đối với bác sĩ nữ hoặc người DTTS.
Sau khi Nghị quyết số 28 ban hành được 4 tháng, các đơn vị đã thu hút được 19 bác sĩ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách. Ngoài ra, một số đơn vị y tế còn bổ sung trong quy chế chi tiêu nội bộ các chính sách ưu đãi riêng đối với nguồn nhân lực bác sĩ; tạo môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp để nhân viên y tế yên tâm cống hiến.
Ngành y tế liên tục rà soát nhu cầu, liên hệ, phối hợp với các trường đại học y dược để mở các lớp đại học và sau đại học nhằm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho viên chức, người lao động, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế. Năm 2023, toàn ngành đã cử 42 viên chức, người lao động đi học đại học và sau đại học (5 bác sĩ CKII, 11 bác sĩ CKI, 7 thạc sĩ, 19 đại học). Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Y tế đã cử 7 viên chức tại các đơn vị trực thuộc đi đào tạo đại học và sau đại học (5 bác sĩ CK II, 1 bác sĩ CKI, 1 đại học).
Chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực y tế cũng được tỉnh quan tâm. Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực y tế tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, từ năm 2023 đến nay, toàn ngành y tế có 50 đối tượng được đề nghị xem xét thụ hưởng chính sách. Trong đó có 15 bác sĩ thuộc các đơn vị tuyến tỉnh đi đào tạo tiến sĩ, bác sĩ CKII; 35 bác sĩ tại các trung tâm y tế tuyến huyện đi đào tạo thạc sĩ, bác sĩ CKI.
Sau 10 năm đi vào hoạt động, nhờ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ở mỗi lĩnh vực chuyên khoa, chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đều có các bác sĩ, kỹ thuật viên có tay nghề cao. Trong đó đã triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, vượt tuyến, như: Hỗ trợ sinh sản, phẫu thuật - can thiệp tim mạch, hồi sức tích cực nhi - sơ sinh; ngoại - thần kinh; chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sản - phụ khoa, ngân hàng sữa mẹ…
Bác sĩ CKII Bùi Minh Cường, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết: Nhằm sớm đưa Bệnh viện Sản Nhi trở thành bệnh viện chuyên khoa hạng I, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, bệnh viện đã không ngừng đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ. Đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh có 111 bác sĩ; trong đó có 8 bác sĩ CKII, 49 bác sĩ CKI, 8 bác sĩ nội trú, 5 thạc sĩ bác sĩ, 41 bác sĩ định hướng đa khoa, 1 thạc sĩ công nghệ sinh học. Bệnh viện đang tiếp tục cử đi đào tạo 14 bác sĩ CKII, 17 bác sĩ CKI, 2 bác sĩ nội trú, 9 điều dưỡng CKI. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên ngành, mời các chuyên gia bệnh viện tuyến trên chuyển giao các kỹ thuật…
Cùng với Bệnh viện Sản Nhi, tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh luôn chú trọng đến công tác thu hút, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó, các đơn vị y tế ngày càng thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Đến nay, tuyến tỉnh đã thực hiện được gần 50% kỹ thuật của tuyến Trung ương, chiếm 85% danh mục kỹ thuật của Trung ương; tuyến huyện thực hiện được hầu hết các kỹ thuật theo phân tuyến. Tỷ lệ chuyển tuyến giảm dần theo các năm, tuyến huyện chuyển tuyến tỉnh chỉ còn 3,17%; tuyến tỉnh chuyển Trung ương chỉ còn 0,85%.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()