Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:29 (GMT +7)
Nghĩa cử tri ân từ trái tim
Thứ 6, 12/07/2024 | 09:02:43 [GMT +7] A A
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn có những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống cho đối tượng chính sách và người có công với cách mạng trên địa bàn.
Đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện toàn tỉnh có trên 48.600 người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và đối tượng thờ cúng liệt sĩ. Trong đó, trên 8.800 người có công với cách mạng (cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày); 1.459 thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp hằng tháng; 6.335 người thờ cúng liệt sĩ; trên 32.000 người có công với cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến đã hưởng trợ cấp một lần.
Những năm qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đã tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị 14-CT/TW (ngày 19/7/2017) của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị 13-CT/TU (ngày 19/1/2017) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân, nhất là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của người có công với cách mạng, từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm chung sức, chung lòng chăm lo, đáp đền bằng những hoạt động thiết thực. Trong đó, thực hiện kịp thời, đúng và đầy đủ, chu đáo chế độ ưu đãi đối với người có công; đẩy mạnh xã hội hóa việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ những người có công hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” và tích cực ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”...
Những năm qua, hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng. Vào các dịp lễ, Tết, ngày 27/7 hằng năm, tỉnh gửi quà tặng của Chủ tịch nước đến các đối tượng; tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà của tỉnh đến các gia đình chính sách; các tầng lớp nhân dân, tổ chức và cá nhân tích cực tham gia những hoạt động đền ơn, đáp nghĩa.
Cùng với việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, các cấp còn quan tâm tu bổ, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ. Hằng năm, tỉnh duy trì tổ chức đoàn cán bộ đi thăm, viếng nghĩa trang liệt sĩ, điểm di tích ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong và các tầng lớp nhân dân, như: Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9…
Theo Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH) Phạm Thị Vang, tỉnh đã rà soát, giải quyết dứt điểm các trường hợp đề nghị xác nhận người có công trong chiến tranh còn tồn đọng đúng đối tượng và không để sót, lọt; tăng cường công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh còn thất lạc. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng; phát huy vai trò người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo rà soát, hướng dẫn và thực hiện chính sách với người có công với cách mạng, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; đồng thời triển khai thực hiện các chính sách đối với người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế… Qua đó, việc chi trả trợ cấp theo quy định của Nhà nước với người có công được địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời. Sở LĐ-TB&XH đã tập trung hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ đề nghị xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công và thân nhân của họ theo đúng quy định hiện hành.
6 tháng đầu năm 2024, cùng với việc thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho hơn 12.000 đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng và đối tượng hưởng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo kịp thời, đúng, đủ, an toàn, Sở LĐ-TB&XH đã giải quyết trợ cấp mai táng phí cho 351 đối tượng là người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, thương, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... Giải quyết trợ cấp tuất cho 19 thân nhân của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên từ trần; quyết định điều dưỡng cho 3.999 người có công với cách mạng và thân nhân tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố.
Quyết định hưởng thêm chế độ trợ cấp ưu đãi cho 3 thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc đồng thời là mất sức lao động; giải quyết trợ cấp một lần cho 7 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến; giải quyết trợ cấp ưu đãi giáo dục và đào tạo cho 5 trường hợp là con thương, bệnh binh; tiếp nhận và di chuyển 63 hồ sơ người có công với cách mạng do đối tượng thay đổi nơi cư trú...
Nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa
Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và gia đình chính sách, công tác đền ơn, đáp nghĩa đã trở thành truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Ngoài việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách riêng cao hơn nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và gia đình chính sách.
Hỗ trợ cho người có công trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện theo Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Quy định mức điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh là 1,8 triệu đồng/người/lần; hỗ trợ tổ chức tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong nước theo chi phí thực tế, tối đa không quá 1,35 triệu đồng/người/lần (trước đây là 900.000 đồng/người/lần); người có công điều dưỡng tại nhà được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/người/lần (trước đây là 700.000 đồng/người/lần)…
Bên cạnh đó, phong trào vận động, ủng hộ xây dựng Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Qua đó, góp phần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, tặng quà cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ...
Công tác chăm sóc đời sống thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được chú trọng. Vào dịp lễ, Tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hằng năm, tỉnh, các địa phương, đơn vị đều tổ chức các đoàn đại biểu đến thăm, tặng quà, động viên các gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn. Dịp Tết Nguyên đán, để bảo đảm tất cả gia đình chính sách được đón Tết trong không khí vui tươi, đầm ấm, ngoài việc trao quà của Chủ tịch nước, của tỉnh cho các đối tượng chính sách theo đúng quy định, các địa phương trong tỉnh cũng chủ động tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng. Tỉnh tổ chức các đoàn đại biểu cán bộ và đối tượng chính sách tiêu biểu của tỉnh đi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ tại các tỉnh miền Trung, miền Nam để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc...
Không chỉ đảm bảo đầy đủ các chính sách, việc chăm lo cho người có công với cách mạng trên địa bàn Quảng Ninh còn được cụ thể hoá bằng nhiều phong trào, phần việc thiết thực của các cấp chính quyền, hội, đoàn thể, tổ chức và cả cộng đồng. Điển hình, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: Khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí; hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây mới nhà cho đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn; dọn vệ sinh, tu sửa, dâng hương, thắp nến tri ân tại nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; phối hợp với Hội CCB tổ chức các buổi nói chuyện ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân ta...
Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Phương Thảo cho biết: Các hoạt động tri ân người có công với cách mạng giúp cho đoàn viên, thanh niên tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Qua đó, nhận thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay, từ đó tích cực hơn nữa trong tham gia tình nguyện, quan tâm chăm lo cuộc sống; vận động cộng đồng giúp đỡ khó khăn với đối tượng chính sách, người có công tại địa phương.
Sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh là niềm động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc đối với người có công và người thân của họ. Nhiều gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()