Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 11:09 (GMT +7)
Xây dựng Hồ sơ Di sản thế giới Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Quần thể di sản liên tỉnh được quản lý như thế nào?
Chủ nhật, 01/10/2023 | 09:00:15 [GMT +7] A A
Nằm trong bộ hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới, có một phần không thể thiếu là Kế hoạch quản lý di sản. Đây là yêu cầu của UNESCO, để đảm bảo cho việc bảo tồn lâu dài di sản. Vậy với quần thể di sản liên tỉnh này, việc quản lý sẽ được thực hiện như thế nào?
Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc với 32 địa điểm được lựa chọn trong Hồ sơ đề cử, tập trung ở 5 khu di tích, điểm di tích trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương.
Tại các khu di tích, điểm di tích này hiện đã có các Ban quản lý di tích là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gồm: Khu di tích nhà Trần Đông Triều, Khu di tích, danh thắng Yên Tử, Khu di tích lịch sử Bạch Đằng, các di tích chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm và Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương.
Đối với Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc do Ban quản lý di tích là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Dương quản lý. Riêng chùa Thanh Mai, theo quy định về phân cấp quản lý di tích, hiện do Ban quản lý di tích chùa trực thuộc xã Hoàng Hoa Thám quản lý.
Trên cơ sở phân tích hiện trạng và đề xuất kế hoạch quản lý của từng địa điểm trong danh mục đề cử, Kế hoạch quản lý tổng thể tập trung vào việc xem xét thống nhất và tích hợp kế hoạch quản lý của từng điểm thành chuỗi tổng thể. Việc lập kế hoạch quản lý tổng thể đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ của từng địa điểm cũng như đáp ứng mục tiêu chung trong công tác quản lý, bảo vệ các giá trị nổi bật của di sản đề cử, đưa ra được các chính sách quản lý và các kế hoạch hành động liên quan được thiết lập để đạt được mục tiêu chung.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Tân Văn, Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, đại diện đơn vị tư vấn xây dựng Hồ sơ di sản, cho biết: Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là một di sản thế giới liên tỉnh, dạng chuỗi thì tất nhiên di sản ở địa phương nào sẽ điều phối, quản lý theo cách của địa phương đó như hiện nay.
Tuy nhiên, về mặt cơ cấu tổ chức thì chúng ta cần phải có một ban quản lý chung, thống nhất, kể cả là ban quản lý đó không hoạt động thường xuyên, hàng ngày thì cũng sẽ phải định kỳ hoạt động hàng tháng, hàng quý. Và ban quản lý đó có trách nhiệm đưa ra một kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản chung cho 3 tỉnh. Trên cơ sở đó thì mỗi tỉnh sẽ xây dựng một kế hoạch quản lý riêng, cụ thể cho địa phương mình liên quan tới việc cấp kinh phí trong dài hạn, về mặt con người, trang thiết bị phải rất đồng bộ với nhau…
Theo đó, các đơn vị tư vấn đề xuất việc thành lập “Hội đồng quản lý quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”, gồm: Chủ tịch và các Phó Chủ tịch (tối thiểu có 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND các tỉnh phụ trách khối văn hóa - xã hội tham gia) làm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý. Chủ tịch Hội đồng sẽ luân phiên giữa 3 tỉnh theo nhiệm kỳ tối thiểu là 3 năm.
Hội đồng quản lý hoạt động theo “Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc”. Sở VHTT/Sở VH,TT&DL các địa phương là cơ quan thường trực của Hội đồng quản lý, có tổ công tác giúp việc. Các địa phương sẽ xây dựng quy chế phối hợp giữa 3 tỉnh trong việc quản lý quần thể di sản…
Đối với bộ máy quản lý hiện có của 3 địa phương vẫn tiếp tục sử dụng, giao nhiệm vụ quản lý đối với từng di tích, danh thắng trong Quần thể di sản. Đồng thời, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân lực phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()