Tất cả chuyên mục

Quảng Lâm những ngày này ai cũng bận rộn vì vào rừng thu hoạch quế. Trên các trục đường xuyên xã, liên thôn đâu đâu cũng ngào ngạt hương quế. Người có ít rừng khi thu hoạch hết quế nhà mình còn tranh thủ đi bóc vỏ quế thuê; thậm chí, cả người xã khác cũng đến Quảng Lâm bóc vỏ quế thuê với thu nhập bình quân từ 200-300.000 đồng/người/ngày.
Ông Nình A Tắc ở bản Lý Tài Sáy, vừa ở rừng quế về, gạt giọt mồ hôi còn vương trên trán ông bảo: “Gia đình tôi có 6ha quế, ước tính thu hoạch được khoảng 13 tấn vỏ quế tươi. Nhà tôi ít người nên phải thuê thêm 20 lao động để bóc vỏ quế. Quế năm nay được giá khoảng 10.000 đồng/kg vỏ quế tươi, 23.000 đồng/kg vỏ quế khô. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi cũng lãi được gần trăm triệu đồng”.
Hiện, Quảng Lâm có hơn 150 hộ trồng quế, với diện tích khoảng 800ha. Nhà trồng nhiều quế khoảng 15ha, còn nhà trồng ít cũng phải vài ba ha. Sản lượng quế hàng năm của Quảng Lâm từ 200-300 tấn vỏ quế khô, đem lại nguồn thu nhập không hề nhỏ cho bà con. Từ trồng quế cuộc sống của người dân trở lên ấm no, nhiều hộ đã xây được nhà tầng, lại còn mua sắm các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền trong gia đình.
![]() |
Mùa quế năm 2013 ở Quảng Lâm, nhiều hộ thu hoạch được hàng chục tấn vỏ quế. |
Ông Chìu Sáng Hiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm hồ hởi đưa ra nhận định: “Cây quế là của để dành của người dân Quảng Lâm đấy”. Sở dĩ Chủ tịch Hiến nói như vậy, là bởi bà con phải trồng 10-15 năm, cây quế mới cho thu hoạch. Vậy mà đã có thời gian người dân Quảng Lâm chán nản với việc trồng quế, vì quế không tiêu thụ được. Lái buôn đến xã lấy cớ đường xa khó vận chuyển, đánh tụt giá quế xuống chỉ còn khoảng 7.000 đồng/kg vỏ quế khô. Người trồng quế chán nản vì đầu tư nhiều mà thu lại không được bao nhiêu. Nhiều hộ đã tính chuyện chặt cây quế đi rồi chuyển sang trồng keo. Cán bộ xã phải tích cực vào cuộc, cùng chụm đầu lại họp bàn tìm ra lối thoát cho cây quế. Điều đặt ra là cây quế phải trồng trong thời gian dài mới được thu hoạch, trong thời gian chờ đợi này người dân lấy gì để sinh sống. Khi cuộc sống thiếu thốn, nhiều người lại tính chuyện bán quế non để có tiền, khiến số lãi càng kém đi. Như thế, bà con cần phải có nguồn thu trang trải cuộc sống hàng ngày để chờ quế được thu hoạch. Nhờ có sự giúp sức của nhiều ban, ngành trong huyện, lãnh đạo xã Quảng Lâm đã giúp bà con vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện, rồi phát động bà con chăn nuôi, tăng thêm đàn gia súc gia cầm để “lấy ngắn nuôi dài”. Để giải quyết “đầu ra” cho bà con, nhiều trưởng thôn đứng ra vận động người dân trong xã tiêu thụ luôn sản phẩm chăn nuôi cho bà con thôn mình khi gia đình có các công việc đám giỗ, đám tang, cưới hỏi mà phải dùng nhiều thực phẩm. Hoặc những hộ có điều kiện kinh tế, có năng lực kinh doanh đứng ra bao tiêu hàng cho bà con.
Bây giờ, ngoài việc các hộ tự tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, xã đã có 5 hộ đứng ra thu mua quế cho người dân trong xã với giá ổn định, giúp bà con yên tâm hơn với việc trồng quế. Quế được thu mua khô tại xã và đem qua các cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Hải Hà), Hoành Mô (Bình Liêu) tiêu thụ. Nổi bật trong xã là chị Chìu Xám Múi ở bản Lý Tài Sáy, mở cửa hàng bao tiêu sản phẩm nông, lâm cho bà con trong xã với giá ổn định. Chị Múi còn cho các hộ khó khăn về vốn mua chịu thời gian dài cây quế giống, phân bón, giúp họ trồng quế đúng mùa vụ, rồi lại hứa đứng ra bao tiêu sản phẩm cho họ. Ngoài chị Múi còn có chị Lại Thị Moi ở bản Mào Liềng, cũng giúp đỡ bà con trong xã rất nhiều. Gia đình chị có lò gạch mỗi năm sản xuất được từ 30-40 vạn viên gạch. Chị Moi cho nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn trong xã vay gạch xây nhà, rồi trả tiền dần hoặc trả một lần khi gia đình đó được thu hoạch keo, quế.
Nhờ biết giúp nhau làm ăn phát triển kinh tế mà nhiều hộ trồng quế khó khăn về vốn không phải bán quế non để thu hồi vốn như trước đây. Mùa quế năm 2013 thực sự đem lại niềm vui cho các hộ trồng quế ở Quảng Lâm.
Anh Vũ
Ý kiến (0)