Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 14:00 (GMT +7)
Quảng Ninh bảo vệ tài nguyên biển bền vững
Thứ 6, 26/06/2020 | 08:09:52 [GMT +7] A A
Địa bàn tỉnh Quảng Ninh sở hữu hơn 250km bờ biển, rộng trên 6.000km2 mặt biển, trên 1.000km2 diện tích hải đảo, cùng với phong cảnh thiên nhiên biển đảo độc đáo. Để bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng này, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp.
Đoàn viên, thanh niên TP Hạ Long tham gia dọn vệ sinh môi trường bãi biển trên địa bàn. |
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của tỉnh hiện đạt khoảng 82.000 tấn (ven bờ khoảng 38.000 tấn, còn lại là ở vùng lộng). Những năm gần đây, hoạt động khai thác thuỷ sản ngày càng tăng, khiến cho nguồn lợi này đang bị suy giảm. Qua thống kê, năm 2019, năng suất khai thác thủy sản bình quân của các tàu đánh cá trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 0,5 xuống 0,26 tấn/năm/CV. Cùng với đó, khu vực vùng ven biển của tỉnh đang chịu một sức ép khá lớn về ô nhiễm môi trường do tác động của các nguồn thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt... Những nguyên nhân này là mối nguy lớn khiến nhiều loài thủy sản ở vùng biển của tỉnh đang dần bị cạn kiệt, trong đó có không ít loài có giá trị kinh tế cao, như: Ghẹ Trà Cổ, ngán, sá sùng, cá vược, cá giò...
Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, có nhiều giải pháp quyết liệt, cấp thiết. Trong đó, từ năm 2014, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2418/2014/QĐ-UBND về việc ban hành quy định quản lý nhà nước về hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh... Trên cơ sở này Quảng Ninh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố siết chặt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn có hiệu quả, xử lý nghiêm việc khai thác tận diệt bằng các hình thức như: Sử dụng nghề kéo giã có sử dụng kích điện, nghề cào ven bờ, đánh bắt bằng lồng bát quái, sử dụng chất độc hại… làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Được biết, hàng năm, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến các hộ dân về tầm quan trọng của việc thả giống. Đến nay, toàn tỉnh đã thả trên 11,3 triệu con giống tôm, cua, cá... các loại về môi trường tự nhiên, thả 43 triệu con giống thủy sản các loại tái tạo, bổ sung nguồn lợi cho Vịnh Bắc Bộ. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc giữ cân bằng sinh thái môi trường biển.
Cùng với các giải pháp trên, để bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học biển một cách bền vững, tỉnh ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát, bảo vệ các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, nhất là ở các vùng xung yếu rủi ro cao trước tác động của biến đổi khí hậu... Bên cạnh đó, các địa phương ven biển trong tỉnh cũng triển khai những biện pháp bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học gắn với đặc thù địa bàn.
Điển hình như huyện Vân Đồn tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm về môi trường; yêu cầu các đơn vị, nhà hàng khách sạn, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cam kết có giải pháp xử lý rác, nước thải; vận động các hộ nuôi trồng thuỷ sản trên biển sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường. Hay như tại huyện Cô Tô, đã triển khai tích cực Đề án của huyện về “Hạn chế việc sử dụng túi nilon trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2017-2020”. Bên cạnh đó ngày 19/5/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1614/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần, tỉnh Quảng Ninh. Khu bảo tồn với diện tích 18.414ha sẽ là khu vực bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đặc thù và quan trọng như: Rạn san hô, rừng ngập mặn, bãi triều rạn đá; bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể các loài sinh vật biển quý hiếm... Đến nay, tại khu vực đã thiết lập được 8.700m2 rạn san hô nhân tạo.
Để nhân lên trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển các địa phương, đoàn thể trong tỉnh thường xuyên tổ chức và duy trì các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng. Trong đó, điển hình là Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Tỉnh Đoàn và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp phát động. Đến nay, hoạt động này đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, duy trì đều đặn tại các địa phương vùng ven biển trên địa bàn như Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái...
Với cách làm quyết liệt, đồng bộ trong việc tái tạo, bảo tồn nguồn tài nguyên biển, Quảng Ninh đã thể hiện quyết tâm hướng đến mục tiêu phát triển hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sống bền vững.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()