Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:57 (GMT +7)
Quảng Ninh chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ 6, 25/10/2024 | 08:38:01 [GMT +7] A A
Bão số 3 (Yagi) đã gây hậu quả nặng nề cho tỉnh, tác động tiêu cực đến SXKD và sinh kế của nhân dân. Bão cũng để lại những bài học lớn về công tác dự báo, ứng phó với thiên tai; những thách thức đặt ra trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) thời gian tới.
Bài học từ bão số 3
Bão số 3 đã để lại những tổn thất nặng nề cho Quảng Ninh. Ngay sau bão, công tác khắc phục hậu quả được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương triển khai đồng loạt, đồng bộ và nhanh chóng. Các mặt hàng, dịch vụ, sản xuất thiết yếu cơ bản được khắc phục; một số lĩnh vực có chuyển biến nhanh hơn dự kiến như giáo dục, y tế, điện, viễn thông, du lịch... Công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống được chủ động, kịp thời. Đến nay cơ bản cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường.
Thực tế từ ứng phó với bão số 3, muốn giảm thiểu thiệt hại cần phải giành “thế chủ động”- đây được coi là yếu tố tiên quyết. Điều đó được thể hiện rõ qua sự lãnh đạo quyết liệt từ trung ương đến địa phương. Tại Quảng Ninh, các cấp, ngành liên quan đã tập trung theo sát tình hình, triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp trước, trong và sau bão. Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, Tỉnh ủy đã ban hành 7 văn bản chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục bão số 3; UBND tỉnh ban hành 26 văn bản về công tác ứng phó, khắc phục bão số 3; khẩn trương rà soát, cập nhật bổ sung và chủ động triển khai phương án cụ thể ứng phó với bão số 3 của địa phương, đơn vị; triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão.
Tỉnh thành lập, tổ chức 26 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục bão số 3 tại các địa phương; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó, khắc phục bão số 3 trên địa bàn được phân công; lãnh đạo các địa phương cấp huyện, cấp xã chủ động tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, rà soát các địa điểm, vị trí xung yếu, chỉ đạo phòng chống mưa bão trên địa bàn, bố trí các lực lượng ứng trực tại các ngầm tràn, khu vực xung yếu; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền vào khu vực tránh, trú, tổ chức di dân ra khỏi vùng xung yếu, có nguy cơ sạt trượt, ngập úng.
Tỉnh quán triệt phương châm phòng chống thiên tai phải liên tục đảm bảo từ sớm, từ xa, phòng từ khi chưa có nguy cơ, phải luôn rà soát, phát hiện các khâu cần quan tâm củng cố; đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan; không mất bình tĩnh trước các tình huống; quán triệt và tổ chức phòng, chống, ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết”. Tỉnh tổ chức di dời 3.155 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, mất an toàn; tìm kiếm và cứu hộ thành công 111 người bị trôi dạt trên biển, trú ẩn, bị kẹt trên các đảo về bờ; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời những gia đình có người thiệt mạng.
Khắc phục hậu quả sau bão, tỉnh huy động được sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp; đề cao yếu tố tinh thần, phát huy truyền thống cao đẹp của người Quảng Ninh, đoàn kết thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn, thách thức. Trong đó huy động mọi lực lượng để tìm kiếm cứu nạn và giúp đỡ người dân dọn dẹp sau bão; gần 71.000 lượt CBCS, 1.580 lượt ô tô, 110 lượt máy xúc, 465 lượt tàu, xuồng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn và giúp đỡ người dân dọn dẹp sau bão.
Đặc biệt, công tác khắc phục thiệt hại được thực hiện đồng bộ cả khẩn cấp, trước mắt cũng như tổng thể, lâu dài, có giải pháp khẩn cấp, giải pháp ngắn hạn và dài hạn, bố trí nguồn lực phù hợp. Tỉnh dành 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động SXKD; tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh để ban hành các cơ chế, chính sách cấp bách hỗ trợ nhân dân khắc phục bão số 3: Hỗ trợ học phí; nâng mức bảo trợ xã hội; hỗ trợ sửa chữa nhà; hỗ trợ trục vớt tàu. Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cấp bách, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền quyết định để kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại nhằm sớm khôi phục sản xuất. Về lâu dài tiếp tục nghiên cứu các chính sách đủ mạnh; nghiên cứu xây dựng các chương trình phục hồi kinh tế xã - hội sau thiên tai.
TP Hạ Long, nơi cơn bão trực tiếp đổ bộ, ngày 9/9 triển khai Chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, nhằm khôi phục lại hình ảnh của thành phố di sản, đưa cuộc sống của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp sớm trở lại bình thường. Trong 7 ngày Chiến dịch, thành phố đã huy động gần 65.000 lượt người tham gia; khoảng 2.000 phương tiện vận chuyển và máy móc phục vụ công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường; thành lập 541 tổ tình nguyện tại các thôn, khu phố với hàng nghìn người tham gia để thực hiện công tác dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả thiên tai. Từ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp, Hạ Long đã thực hiện thắng lợi Chiến dịch một cách thần tốc, nhanh chóng đưa mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn dần trở lại bình thường như trước khi bão số 3 đổ bộ.
Cần giải pháp lâu dài
Bão số 3 thêm chứng tỏ BĐKH đi liền với thời tiết cực đoan đã trở thành xu hướng rõ rệt. Làm thế nào để ứng phó với các hình thái thiên tai cực đoan, giảm thiểu thiệt hại là câu hỏi cấp bách cần lời giải. Nhận thức được nguy cơ, thách thức của BĐKH tới mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”. Trong đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 5535/QĐ-UBND (ngày 30/12/2019) về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đánh giá tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực để có giải pháp thích ứng, đảm bảo cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Trong đó tập trung 3 nhóm giải pháp ứng phó BĐKH. Nhóm giải pháp thích ứng với BĐKH, bao gồm các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực: Tài nguyên nước; nông nghiệp; quy hoạch và đô thị; khí tượng - thủy văn; KH&CN; y tế và sức khỏe cộng đồng; VH,TT&DL. Nhóm giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, gồm các giải pháp: Kiểm kê khí nhà kính và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon; thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; phát triển và sử dụng năng lượng mới; năng lượng tái tạo trong công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải. Nhóm giải pháp hỗ trợ ứng phó BĐKH gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐKH; tăng cường cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo lực lượng chuyên nghiệp trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai và BĐKH.
Những năm qua, tỉnh có nhiều biện pháp nâng cao năng lực phòng tránh, giảm thiệt hại khi có mưa lớn trong lĩnh vực nông nghiệp; rà soát năng lực của các hồ chứa, các công trình thủy lợi và 400km đê các loại trên địa bàn. Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban PCTT-TKCN & PTDS tỉnh, cho biết: Từ năm 2021-2024, tỉnh đã dành hơn 1.895 tỷ đồng để triển khai 156 nhiệm vụ, dự án phục vụ công tác PCTT, tập trung chủ yếu xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước, duy tu bảo dưỡng đê điều, xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão, cải tạo, nâng cấp tuyến kênh tiêu thoát nước, trồng, chăm sóc bảo vệ rừng...
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN & PTDS tỉnh đầu tư trọng điểm cho công tác dự phòng, cảnh báo thiên tai sớm, như: Lắp đặt 75 điểm đo mưa tự động tại các khu vực xung yếu thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai và thượng lưu các hồ chứa lớn; 11 trạm khí tượng thủy, hải văn kết nối với các trang thông tin của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ NN&PTNT, để phát ra các cảnh báo chất lượng, nhất là mỗi khi có mưa lớn, kéo dài.
Về lâu dài, tỉnh đưa ra những giải pháp PCTT phù hợp với từng khu vực, từng loại địa hình thiên tai, xây dựng nguyên tắc, cơ chế phối hợp thực hiện biện pháp quản lý rủi ro thiên tai, lồng ghép vào các chương trình phát triển ngành, lĩnh vực vào trong PCTT…
Bên cạnh đó giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55%; cải tạo hạ tầng kỹ thuật các đô thị hiện hữu; củng cố hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, các công trình PCTT, thích ứng với BĐKH; nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH của hệ thống cơ sở hạ tầng; thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá các hoạt động thích ứng với BĐKH; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu phòng PCTT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời triển khai các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; có lộ trình thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí bằng năng lượng tái tạo, hướng tới phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.
Tỉnh cũng thực hiện các hành động phục hồi thiên nhiên: Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng, phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị; chú trọng thực hiện các dự án về quản lý rác thải nhựa đô thị; trồng rừng, phục hồi, tái sinh rừng; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực ô nhiễm tồn lưu; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư… Đồng thời xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách xúc tiến đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài cho các hoạt động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()