Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:19 (GMT +7)
Quảng Ninh dẫn đầu chỉ số PAR INDEX và SIPAS
Thứ 4, 19/04/2023 | 09:01:23 [GMT +7] A A
Sáng 19/4, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Phiên họp thứ tư theo hình thức trực tuyến toàn quốc về cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số và công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo Bộ Nội vụ, công tác cải cách hành chính đã đạt được những kết quả tích cực, tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân theo chủ trương, đường lối của Đảng.
Năm 2022 là năm thứ 11 liên tiếp Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số PAR INDEX của các bộ, các tỉnh, thành phố; là năm thứ 6 triển khai đo lường sự hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính SIPAS tại tất cả 63 tỉnh, thành phố.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số SIPAS năm 2022. Kết quả tỉnh Quảng Ninh xếp thứ nhất với mức độ hài lòng đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước là 87,59%, đây là lần thứ 4 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đứng thứ nhất chỉ số SIPAS. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương, Thanh Hóa. Đứng tốp cuối bảng chỉ số SIPAS là các tỉnh: Bình Thuận, Cao Bằng, Quảng Nam, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Đối với Chỉ số PAR INDEX năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ở ngôi vị dẫn đầu đối với cấp tỉnh với 90,1 điểm. Tiếp đó là Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng. 5 tỉnh đứng cuối bảng là Phú Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bình Thuận, Bắc Ninh.
Phát biểu tại phiên họp đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc thực hiện các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững của Quảng Ninh. Các chỉ số đã trở thành thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh về “Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”.
Hiện nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.240/1.591 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt 78% cao nhất toàn quốc), trong đó 77% là dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 70% hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến 5 bước trên môi trường điện tử; số hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,8%; thực hiện số hóa 100% thủ tục hành chính trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện…
Đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian qua, Quảng Ninh tập trung phát triển là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, với các đặc trưng: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.
Đồng chí nêu rõ: tỉnh Quảng Ninh đang tập trung nhiều nguồn lực, nỗ lực trong xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số, xây dựng văn hóa giàu bản sắc. Mặt khác, xây dựng nền hành chính tỉnh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả là mục tiêu, động lực để phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương và cảm ơn người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng, đạt kết quả quan trọng, tích cực trong thời gian qua.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thấm nhuần quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển; là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân, tập thể có liên quan. Đồng thời, luôn bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC. Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo đảm "trên, dưới, dọc, ngang thông suốt" vì lợi ích chung.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và phân cấp giải quyết TTHC. Thực hiện tham vấn, tương tác nhiều hơn với đối tượng tác động, các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn đối với các quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng.
Khẩn trương đề xuất đầu tư hạ tầng số; hệ thống thông tin giải quyết TTHC; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong tháng 5 năm 2023. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nội bộ; khẩn trương xử lý các văn bản phối hợp giữa các cơ quan.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, Chỉ số CCHC năm 2022 xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; có giải pháp khắc phục hiệu quả. Mặt khác, tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền. Thúc đẩy tiến độ chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành trong tháng 6/2023. Sau cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội năm 2023.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()