Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:14 (GMT +7)
Quảng Ninh: Đẩy nhanh cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân
Thứ 4, 27/04/2022 | 07:48:30 [GMT +7] A A
Tích cực triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án 06), hiện các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh, trong đó nòng cốt là lực lượng công an các đơn vị, địa phương đang tập trung, khẩn trương cấp tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) cho công dân và thu thập, cập nhật, chỉnh sửa dữ liệu dân cư.
Quảng Ninh là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước được Bộ Công an cho phép triển khai thí điểm cấp TKĐDĐT cho công dân thay thế cho tất cả các loại giấy tờ tùy thân để thực hiện các giao dịch tài chính hay các dịch vụ công trên môi trường mạng. Để triển khai cấp TKĐDĐT cho công dân thuận lợi, tiết kiệm thời gian và đảm bảo chính xác, từ khi bắt đầu thực hiện, cơ quan Công an đã thực hiện cấp TKĐDĐT song song với việc cấp đổi căn cước công dân (CCCD).
Ngay khi thực hiện cấp mới hoặc đổi CMND sang CCCD, công dân sẽ được hướng dẫn đăng ký TKĐDĐT và tích hợp ngay nhiều loại giấy tờ cá nhân như giấy phép lái xe, tài khoản ngân hàng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an sẽ tự động xác thực và tích hợp hiển thị thông qua ứng dụng VN-eID với các tính năng bảo mật tuyệt đối trên điện thoại thông minh của công dân. Cùng với đó, công an các đơn vị, địa phương cũng đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và cấp TKĐDĐT cho các công dân đã có CCCD gắn chíp.
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, cho biết: Trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và việc triển khai cấp, quản lý CCCD gắn chíp cho công dân được Bộ Công an triển khai từ năm 2021, Công an tỉnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an hướng dẫn cho Công an 13 địa phương thực hiện triển khai việc cấp TKĐDĐT cho công dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho công dân hiểu về tính ưu việt và lợi ích của việc cấp mã số định danh điện tử.
Với TKĐDĐT, khi công dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công, hệ thống sẽ tự động điền thông tin đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin bằng tay như trước đây. Không chỉ rút ngắn thời gian mà còn giúp công dân, doanh nghiệp tiết giảm các chi phí kèm theo. Đặc biệt, không ai có thể mạo danh cá nhân, tổ chức trong thực hiện các giao dịch do thông tin được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc được Bộ Công an quản lý.
Anh Phan Văn Huy, khu 2, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, chia sẻ: Tôi thấy TKĐDĐT mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân. Sau khi có TKĐDĐT, toàn bộ các công việc liên quan đến dịch vụ công đều có thể thực hiện trên môi trường mạng, từ việc giải quyết các thủ tục hành chính đến thanh toán các hóa đơn giao dịch, đóng tiền điện, tiền nước… Trước đây, tôi thấy CCCD gắn chíp điện tử đã có nhiều tiện ích rồi, bây giờ ứng dụng TKĐDĐT lại càng ưu việt hơn…
Theo số liệu báo cáo sơ bộ, tính đến tháng 4/2022, Công an tỉnh - cơ quan thường trực Tổ công tác thực hiện Đề án 06 tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thiện gần 1,1 triệu hồ sơ cấp CCCD (đạt gần 98%) và tiếp nhận hơn 23.000 hồ sơ cấp TKĐDĐT cho công dân. Đồng thời, công an các đơn vị, địa phương cũng đã thu thập, cập nhật, chỉnh sửa gần 1,5 triệu dữ liệu dân cư của tỉnh để đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thông báo 100% số định danh cá nhân cho công dân trên địa bàn; cập nhật hơn 131.000 trường hợp chưa có dữ liệu CMND 9 số trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (đạt gần 72%)… từng bước đảm bảo dữ liệu dân cư đúng, đủ, sạch để thực hiện Đề án 06.
Dự kiến đến hết tháng 4 này, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành việc tích hợp, kết nối dữ liệu hệ thống định danh điện tử, tiến hành cung cấp dịch vụ định danh, tài khoản định danh để công dân sử dụng các dịch vụ, tiện ích số và hoàn thành tích hợp các dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đồng thời, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh cũng đang nhanh chóng hoàn thành việc rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng về hạ tầng, dữ liệu dịch vụ kết nối, an toàn thông tin, cơ sở dữ liệu các ngành: Bảo hiểm, thuế, hồ sơ sức khỏe điện tử, giấy phép lái xe, hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội… Qua đó, quyết tâm thực hiện tốt Đề án 06, nhanh chóng đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()