Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:51 (GMT +7)
Năm 2021, dự kiến sản lượng tôm cả nước đạt 980.000 tấn
Thứ 6, 16/07/2021 | 14:09:02 [GMT +7] A A
Sáng 16/7, dưới sự chủ trì của Thứ Trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến, tỉnh Quảng Ninh cùng 27 địa phương ven biển đã tham dự hội nghị trực tuyến bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại hội nghị cho biết: 6 tháng đầu năm, trước nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh Covid-19, thời tiết thất thường, hạn hán, xâm ngập mặn... ngành nuôi tôm nước lợ của cả nước vẫn ghi nhận những kết quả khả quan với sản lượng đạt 371.000 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng tôm sú đạt 113.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đạt khoảng 1,5 tỷ USD. Sản xuất tôm giống nước lợ ước đạt 55 tỷ con.
Tại Quảng Ninh, toàn tỉnh có trên 5.700ha nuôi tôm với sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 5.470 tấn, chiếm 16,6% tổng sản lượng thủy sản nuôi. Cả tỉnh có 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống được cấp giấy chứng nhận, qua đó cung ứng ra thị trường trên 1,1 tỷ con tôm giống.
Dự báo tại hội nghị cho rằng những tháng cuối năm nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới sẽ tăng trở lại, ngành tôm Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu tôm sang các thị trường lớn. Theo tính toán cả năm 2021, sản lượng tôm các loại cả nước sẽ đạt 980.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,8 - 4 tỷ USD. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng đặt ra cho ngành tôm Việt Nam nhiều thách thức liên quan đến kiểm soát dịch bệnh, môi trường nuôi, chất lượng sản phẩm…
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp nhằm duy trì tốc độ phát triển ngành tôm, như: Đẩy mạnh ứng dụng KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm; quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản; kiểm soát chất lượng thức ăn cho tôm; tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ…
Nhấn mạnh về những giải pháp để phát triển ngành tôm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng các địa phương cần cố gắng duy trì tốt sản lượng, cung cấp nguyên liệu có chất lượng cao cho chế biến. Cùng với đó, xử lý dứt khoát các vấn đề tồn tại trong nuôi tôm như: Quy mô, sản lượng và giá thành; quản lý vùng nuôi, quan trắc môi trường, cảnh báo phòng dịch bệnh, nhất là việc kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe về ATTP; việc xây dựng chuỗi liên kết như tổ chức sản xuất, chế biến; chiến lược duy trì và phát triển thị trường, xúc tiến thương mại... Đồng thời, tiếp tục củng cố, phát triển ngành tôm, tạo đà phát triển, chuẩn bị những bước xa hơn, bứt phá nhanh hơn trong thời kỳ tới.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()