Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:00 (GMT +7)
Xây dựng các khu công nghiệp xanh
Thứ 5, 23/02/2023 | 14:37:04 [GMT +7] A A
Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm kiểm soát, bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp (KCN), đồng thời khuyến khích phát triển các KCN xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.
Giám sát chặt chẽ quá trình xả thải
Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích 4.632,22 ha, gồm các KCN: Cái Lân, Việt Hưng, Hoành Bồ (TP Hạ Long); Hải Yên (TP Móng Cái); Cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà); Đông Mai, Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Bạch Đằng (TX Quảng Yên). Trong đó, có 8 dự án hạ tầng KCN đã được cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất để thực hiện dự án đầu tư; 1 dự án đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng (KCN Bạch Đằng, diện tích 176,45 ha); 1 dự án đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (KCN Hoành Bồ, diện tích 681 ha).
Nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động xử lý nước thải tại các KCN, tỉnh yêu cầu tất cả các chủ đầu tư hạ tầng lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, đảm bảo truyền dữ liệu 24/24h về Sở TN&MT. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các địa phương cũng tăng cường kiểm tra đối với hoạt động xả thải, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, chủ đầu tư hạ tầng các KCN cũng như các nhà đầu tư thứ cấp đã tuân thủ nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sợi dệt, may mặc được xác định có nhiều yếu tố dễ gây ảnh hưởng cho môi trường, Công ty TNHH KCN Texhong Hải Hà (KCN Cảng biển Hải Hà) đã lựa chọn những công nghệ hiện đại để thu dung, xử lý nguồn nước thải đối với các nhà máy. Ông Wuxian Hong, Phó Tổng giám đốc Công ty, cho biết: Để đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, Công ty đã đầu tư 3 module xử lý nước thải công nghiệp, tổng công suất 36.000 m³/ngày đêm. Hiện cả 3 module của Công ty đã được Bộ TN&MT cấp phép hoạt động, đảm bảo điều kiện tiếp nhận và xử lý toàn bộ nước thải công nghiệp của những nhà đầu tư thứ cấp đang hoạt động trong KCN. Dự kiến thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu thu hút thêm các nhà đầu tư thứ cấp, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1 module công suất xử lý 20.000 m³/ngày đêm.
Các KCN khác trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định; đồng thời chủ đầu tư hạ tầng các KCN phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư thứ cấp trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Đại diện chủ đầu tư KCN Đông Mai cho biết: Xác định sản xuất phải đi đôi với đảm bảo an toàn cho môi trường, từ khi đưa vào hoạt động đón các nhà đầu tư thứ cấp, chủ đầu tư và địa phương đã nỗ lực hoàn thiện, vận hành hiệu quả các hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động và hệ thống xử lý nước thải.
Đến nay, Trạm xử lý nước thải của KCN Đông Mai được đầu tư đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ xử lý hóa học, vật lý, kết hợp với vi sinh, đảm bảo nguồn nước đầu ra tuân thủ đúng quy chuẩn các bộ, ngành chức năng quy định. Các doanh nghiệp thứ cấp đều có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ trước khi đưa về trạm xử lý chung của KCN. Để đáp ứng đầy đủ các quy định về xử lý nước thải đối với quản lý vận hành KCN Đông Mai, giai đoạn 2 của nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 3.200 m³/ngày đêm đang được đơn vị này đầu tư. Dự kiến sau khi hoàn thành vào năm 2023 sẽ đưa tổng công suất xử lý lên hơn 6.000 m³/ngày đêm.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh, cho biết: Tỉnh duy trì tỷ lệ 100% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Hiện có 7 KCN hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, quan trắc nước thải tự động; trong đó, 6 KCN đã có dự án đầu tư thứ cấp đang hoạt động (Hải Yên, Cảng biển Hải Hà, Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Sông Khoai).
Phát triển bền vững các khu công nghiệp
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư nước ngoài khoảng 2,5-3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 3-4,5 tỷ USD; vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 1,5-2 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 2-3 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng trên 50%; đến năm 2030 tăng 100% so với năm 2018.
Tỉnh cũng xác định phát triển các KKT, KCN lên một đẳng cấp mới, hiện đại, công nghệ cao, đảm bảo tính cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của thời đại, đảm bảo hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng mới và chuyển đổi các KKT, KCN hiện có theo mô hình KKT, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái; hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, tham gia sâu vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp của cả nước, vùng, tỉnh, khu vực và quốc tế. Các KCN, tổ hợp cụm công nghiệp (CCN) chuyên ngành là hạt nhân trong sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của tỉnh; các CCN khác hướng đến phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông thôn.
Để đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh xác định không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. Đồng thời, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao, công nghiệp điện, điện tử, vật liệu mới… Lựa chọn và phát triển một số KCN, KKT theo hướng chuyên sâu, hiện đại hóa, phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; trọng tâm là phát triển và phát huy hiệu quả các KCN nằm trong KKT Cửa khẩu Móng Cái, KKT Vân Đồn, KKT ven biển Quảng Yên...
Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển bền vững các KCN, KKT, CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến 2040 với sự tham gia tư vấn của Viện Nghiên cứu phát triển bền vững (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam). Đề án sẽ đề ra được các giải pháp mang tính chiến lược liên quan tới tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong xây dựng và phát triển các KKT, KCN, CCN; hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển các KKT, KCN, CCN; huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội; phát triển, quản lý nguồn nhân lực; xây dựng và thực thi một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch các KKT, KCN, CCN; tăng cường liên kết vùng, khu vực, quốc tế và bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Đối với công tác quản lý về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh sản xuất của các nhà máy tại các KCN, theo BQL Khu kinh tế tỉnh, sẽ được triển khai theo hướng tập trung, chủ động phòng ngừa, kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm để có giải pháp quản lý phù hợp, kịp thời.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh, cho biết: Ban đã xây dựng kế hoạch trong năm 2023 sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quy hoạch, môi trường và lao động, đầu tư đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất kinh doanh tại KCN, KKT trên địa bàn. Đồng thời, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp trong KCN thực hiện khắc phục, hoàn thiện các nội dung tồn tại sau kiểm tra, thanh tra, giám sát thuộc địa bàn quản lý.
Ngọc Ánh - Thu Hoài
Liên kết website
Ý kiến ()