Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:58 (GMT +7)
Quảng Ninh là điểm sáng, điển hình về phòng, chống dịch và thực hiện “mục tiêu kép”
Thứ 4, 10/11/2021 | 18:55:59 [GMT +7] A A
Ngày 10/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, thảo luận phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Là địa phương có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, từ năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt KT-XH của tỉnh. Trong bối cảnh vô vàn khó khăn, thách thức, Quảng Ninh luôn ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển” - điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công “mục tiêu kép” vừa chăm lo, bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dân, vừa ổn định, phục hồi sản xuất - kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng. GRDP năm 2020 đạt 10,05%, đứng thứ 3 cả nước, tổng thu NSNN đạt 49.500 tỷ đồng, vượt 10% so với dự toán.
Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của năm 2020, Quảng Ninh bước vào thực hiện 2021 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với năm 2020 do các biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, nhưng đến nay Quảng Ninh thực hiện thành công, hiệu quả nhiệm vụ cả năm.
Nổi bật là tỉnh đã kiên cường vượt qua các đợt dịch, giữ địa bàn an toàn; là tỉnh có tỷ lệ tiêm vắc - xin phòng Covid-19 thuộc tốp đầu và nhanh nhất cả nước. Đến nay, độ bao phủ mũi 1 đạt 95,5%, mũi 2 đạt 77,5% cho người từ 12 tuổi trở lên bảo đảm tuyệt đối an toàn, tạo nền tảng rất căn bản để chuyển hướng thực hiện Chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" với lộ trình từng bước, chặt chẽ, khả thi.
KT-XH tiếp có nhiều dấu ấn nổi bật. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 ước tăng 10,01%, là mức tăng trưởng cao trong tình hình bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Trong đó, động lực tăng trưởng chính là công nghiệp chế biến, chế tạo với tốc độ tăng trưởng đạt 31,94%, cao hơn 9,12 điểm % so với cùng kỳ, đóng góp 3,3 điểm % trong tốc độ tăng GRDP. Ngành Than dù gặp nhiều khó khăn nhưng cũng tạo được nhiều dấu ấn. Sản lượng than sạch ước thực hiện đạt trên 47 triệu tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ, đạt 100,03% kịch bản, đóng góp được 1,1 điểm % trong tốc độ tăng GRDP của tỉnh. Không chỉ đóng góp cho tăng trường, ngành Than còn tạo việc làm ổn định cho rất nhiều lao động trong tỉnh và ngoài tỉnh. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng đạt 4,21%, bằng 100% so kịch bản tăng trưởng. Tổng thu NSNN ước thực hiện cả năm đạt trên 51.000 tỷ đồng, bằng 115% dự toán Trung ương giao, bằng 104% cùng kỳ. CCHC, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện và phát huy hiệu quả vị trí dẫn đầu các tỉnh, thành phố về các chỉ số PCI, Par Index, Sipas, Papi. Thu hút đầu tư ngoài ngân sách của tỉnh tăng cao, đạt 360.774 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 93.938 tỷ đồng, tăng trên 10% so cùng kỳ.
Với việc giữ được địa bàn an toàn, học sinh toàn tỉnh đã được dự khai giảng và đi học trực tiếp trong môi trường kiểm soát được dịch bệnh. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức thành công, an toàn. Công tác an sinh, xã hội phúc lợi được đảm bảo.
Những kết quả đạt được trong cả 2 năm 2020 và 2021 đã khẳng định Quảng Ninh thực sự là điểm sáng, là điển hình trong phòng, chống dịch và thực hiện mục tiêu kép. Tốc độ tăng trưởng trong cả 2 năm cũng như cả giai đoạn 2015-2020 đều đạt trên 2 con số đã cho thấy sự phát triển bền vững, toàn diện của tỉnh, tiếp tục giữ vững vai trò cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc, một trong những trọng điểm kinh tế lớn của cả nước.
Thảo luận tại hội nghị, từ những thành quả đạt được, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung đánh giá sâu về vai trò đóng góp của cấp ủy, chính quyền, các địa phương và sở, ngành. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh khi vừa phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH vừa chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch Covid-19 với cương vị là trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cấp tỉnh. Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn của địa phương trong từng thời điểm, tỉnh đã vận hành cao nhất cơ chế trong phòng chống dịch Covid-19 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương với các kịch bản, quy trình phù hợp với tình hình mới; chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống nảy sinh theo Chiến lược "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Nhận định những khó khăn của dịch bệnh tác động đến những ngành kinh tế chủ lực, tỉnh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, chuyển đổi nhanh nhạy kịp thời khi chuyển hướng trọng tâm phát triển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh, giá trị gia tăng lớn; thường xuyên chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, nhất là đối với ngành Than, một trong những trụ cột an ninh năng lượng quốc gia; triển khai nhanh chóng, kịp thời các đề án, chương trình trọng điểm đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV....
Thống nhất với các ý kiến tham gia phân tích, đánh giá rất trách nhiệm tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2021 – một năm rất nhiều thách thức đối với tỉnh nhưng Quảng Ninh vẫn tạo được nhiều dấn ấn, nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đạt được các mục tiêu đề ra, khẳng định là điểm sáng về phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Chỉ ra những bài học kinh nghiệm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Mọi chủ trương, quyết sách luôn phải lấy người dân là trung tâm; phát huy dân chủ, không ngừng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Chú trọng đúng mức công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên gắn với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; coi trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra; chú trọng khâu then chốt của then chốt. Nêu cao vai trò trách nhiệm và sự nêu gương của người đứng đầu; càng trong khó khăn, thách thức càng phải tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm, nhất quán ý chí vươn lên, tự lực, tự cường, khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của khối đại đoàn kết toàn dân. Đổi mới tư duy phát triển, quản trị địa phương; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phá phát triển, tổ chức thực hiện dứt điểm, đo lường được kết quả, hiệu quả, nói đi đôi với làm, làm đến cùng.
Trên cơ sở nhận diện tình hình và thống nhất mục tiêu trong năm 2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh cơ hội để Quảng Ninh phát triển còn rất nhiều. Lớn nhất là lợi thế của 1 điểm trung chuyển chiến lược giữa Trung Quốc, ASEAN và Việt Nam; giữa các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Đặc biệt là điểm trung chuyển chiến lược trong hợp tác "2 hành lang, 1 vành đai kinh tế Việt – Trung", hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ; điểm trung chuyển chiến lược khi Quảng Ninh có sân bay Vân Đồn, tới đây hoàn thành cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Từ những lợi thế đó, các cấp, ngành, địa phương phải nghiên cứu, chủ động tìm kiếm cơ hội mới để đặt ra những mục tiêu phấn đấu và lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực thực sự có ý nghĩa là động lực tăng trưởng.
Những trụ cột tăng trưởng cho năm 2022 vẫn được xác định là các ngành, lĩnh vực: Công nghiệp (than, công nghiệp chế biến, chế tạo, FDI thế hệ mới); xây dựng; dịch vụ, du lịch trên cơ sở tận dụng thị trường, giao thông; phát triển kinh tế biển, vận tải đa phương thức, logistic.
Về các giải pháp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh điều kiện tiên quyết vẫn là ưu tiên tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch, trong đó, Quảng Ninh phấn đấu tiếp tục đi đầu trong tiêm mũi vắc xin phòng Covid-19 tăng cường; tăng cường năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công, tập trung vào khâu yếu. Tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Trong đó, phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; chú trọng vấn đề nhà ở công nhân, lao động, chuyên gia để tạo đột phá trong thu hút nguồn nhân lực. Cùng với đó, tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch, quản lý mỏ vật liệu san lấp các dự án, đặc biệt là vật liệu san lấp đối với các dự án giao thông động lực và tuyến phía Tây.
Chăm lo đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại gắn liền với Nghị quyết 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để chăm lo đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc, miền núi, hải đảo; đề án “Đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025”.
Cũng trong ngày hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về Chương trình công tác và Chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra của Tỉnh ủy năm 2022.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()