Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 04:43 (GMT +7)
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc áp dụng thành công Hệ thống ISO điện tử vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước
Thứ 7, 12/03/2022 | 12:05:44 [GMT +7] A A
Sáng 12/3, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị công bố áp dụng hệ thống phần mềm ISO điện tử theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN).
Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh có 227 cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã hoàn thành việc chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 sang phiên bản TCVN ISO 9001:2015, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trong toàn quốc hoàn thành chuyển đổi sang phiên bản TCVN 9001:2015 (bản giấy).
Tuy nhiên, việc quản lý, áp dụng TCVN 9001:2015 theo hình thức thủ công vẫn còn nhiều nhược điểm. Do đó, năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết hoạt động ứng dụng CNTT “Triển khai hệ thống phần mềm ISO điện tử theo TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là ISO điện tử).
Qua thời gian từ khi khảo sát năm 2020 và triển khai năm 2021, Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc áp dụng thành công Hệ thống ISO điện tử theo TCVN 9001:2015 vào 227 cơ quan hành chính nhà nước từ tuyến tỉnh đến cấp xã.
Theo đó, việc chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015 sang hình thức điện tử, thực hiện trên môi trường mạng sẽ đảm bảo cung cấp dịch vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và trao đổi văn bản điện tử của cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Quy trình công việc được tự động hóa, thống nhất, chuẩn hóa, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của những người tham gia quy trình. Đặc biệt, người dân có thể tham gia kiểm soát chất lượng và kết quả công việc chi tiết đến từng chuyên viên.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc chuẩn hóa và áp dụng ISO điện tử vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số của tỉnh. Và việc khai trương Hệ thống phần mềm ISO điện tử hôm nay là những bước đầu.
Trong thời gian tới, để đảm bảo công tác vận hành, duy trì, cải tiến và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hơn nữa, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc để thay đổi thói quen, cách làm trong xử lý công việc của cán bộ, công chức. Bởi lẽ chuyển đổi số phải đi cùng với chuyển đổi về tư duy, về văn hóa. Trong tháng 3/2022, các cơ quan hành chính nhà nước phải tập trung rà soát, quy trình, quy chế gắn với việc sử dụng hệ thống phần mềm để đảm bảo bộ máy ISO điện tử hoạt động thông suốt, phục vụ tốt cho chính quyền điện tử của tỉnh. Quá trình xây dựng, vận hành hệ thống, Sở KH&CN phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện để không ngừng theo dõi, nâng cấp phần mềm, tích hợp với các nguồn dữ liệu khác của quốc gia, của tỉnh; đánh giá được mức độ thực hiện, triển khai của 227 đơn vị. Đồng thời phải tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp triển khai áp dụng ISO điện tử.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ KH&CN bố trí các chuyên gia, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh trong việc đào tạo, tập huấn về xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống ISO điện tử trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước cũng như của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nếu như Bộ KH&CN có một trục ISO điện tử liên thông từ Trung ương đến tỉnh thì đề nghị để Quảng Ninh là cơ quan kết nối đầu tiên.
Tại hội nghị, Sở KH&CN cũng đã tổ chức công bố quy chế quản lý, vận hành và sử dụng phần mềm ISO điện tử của UBND tỉnh; Trường ĐH Cần Thơ tổ chức trao chứng nhận bản quyền phần mềm ISO điện tử cho tỉnh.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()