Tất cả chuyên mục

Ngày 7/12, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố kết quả điều tra sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) tỉnh Quảng Ninh năm 2017. Đây là lần đầu tiên tỉnh thực hiện điều tra, đánh giá Chỉ số SIPAS. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh hội nghị. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong hai tháng 10,11/2017, Sở Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành điều tra Chỉ số SIPAS trên địa bàn tỉnh tại 7 địa phương, gồm: Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều, Hoành Bồ, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà; và 37 xã thuộc 7 địa phương trên.
Quá trình điều tra về Chỉ số SIPAS tỉnh, các cơ quan chức năng đã làm rõ 6 nội dung cơ bản, gồm: Tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; sự phục vụ của công chức; kết quả giải quyết TTHC; sự hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết TTHC; gợi ý của người dân về các nội dung ưu tiên cần cải tiến trong giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước. |
Việc điều tra được tiến hành trên 6 thủ tục hành chính (TTHC). Cụ thể, gồm: 3 mẫu phiếu điều tra thực hiện ở cấp huyện: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, cấp mới, cấp đổi lại sổ hộ khẩu; 3 mẫu phiếu điều tra thực hiện ở cấp xã: Cấp giấy đăng ký kết hôn, cấp giấy khai sinh và dịch vụ chứng thực. Tổng số phiếu thực hiện khảo sát là 3.960 phiếu, số phiếu thu về hợp lệ là 3.013 phiếu. Người dân tham gia khảo sát từ 18 đến 60 tuổi.
Phần lớn người dân đánh giá các thông tin về việc giải quyết TTHC của cơ quan hành chính nhà nước mà họ tiếp cận là đầy đủ, chính xác và rất đầy đủ, chính xác chiếm tỷ lệ từ 67,25% đến 94,49%.
Mặc dù, đánh giá về tiếp cận thông tin trong việc giải quyết TTHC và trang thiết bị tại nơi giải quyết TTHC còn ở mức trung bình nhưng người dân cũng hài lòng với việc tiếp cận dịch vụ. Số người được hỏi trả lời hài lòng về tiếp cận dịch vụ chiếm từ 69,32% đến 94,21% ở 6 dịch vụ được khảo sát.
Biểu đồ: Sự hài lòng của người dân trong giải quyết các TTHC. |
Việc công khai đầy đủ các quy định về TTHC được người dân đánh giá tương đối cao, đạt từ 67,25% đến 95,59%. Người dân đánh giá mức độ thuận tiện trong thực hiện quy trình giải quyết TTHC ở cấp huyện thấp hơn so với quy trình giải quyết TTHC ở cấp xã.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, TP Hạ Long được người dân đánh giá hài lòng về TTHC, thái độ giao tiếp, ứng xử của công chức cấp huyện và mức độ công khai TTHC đầy đủ và rất đầy đủ thấp nhất, chỉ đạt 60,87%; cao nhất ở các nội dung này là huyện Tiên Yên, chiếm 89,77%.
Trong tổng số người dân được hỏi, tỷ lệ người dân trả lời vẫn phải chi trả thêm khoản chi phí khác ngoài phí, lệ phí theo quy định chiếm tỷ lệ khá nhỏ. Trong đó thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở có tỷ lệ người dân đánh giá vẫn phải chi trả thêm ngoài phí, lệ phí theo quy định là cao nhất.
Biểu đồ: Sự hài lòng của người dân về giải quyết TTHC tại cấp xã. |
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương và đại diện một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã cơ bản đồng tình, nhất trí với kết quả điều tra; đồng thời, báo cáo, làm rõ và đánh giá các nội dung thành phần một số nội dung trong quá trình điều tra. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến công tác cán bộ tại địa phương, công tác tuyên truyền…
Chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến công tác cải cách hành chính, trong đó đặc biệt là công tác giải quyết TTHC. Mục tiêu lớn nhất là nâng cao hiệu quả trong công tác giải quyết TTHC, tạo sự thuận tiện, hài lòng nhất cho người dân.
Qua điều tra cho thấy sự hài lòng của người dân đối với sự phục phụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2017 có chuyển biến tích cực, song vẫn chưa đạt được như mong muốn, chưa hoàn toàn ứng được yêu cầu của người dân.
Biểu đồ: Sự hài lòng của người dân về giải quyết TTHC tại cấp huyện. |
Đồng chí Nguyễn Đức Long đánh giá: Qua điều tra, khảo sát có thể thấy trong một số lĩnh vực giải quyết TTHC như cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang được người dân đánh giá rất thấp. Do vậy, ngành Xây dựng, ngành TN&MT phối hợp với các địa phương cần chủ động vào cuộc, nhằm làm rõ những khó khăn trong giải quyết TTHC cho người dân.
Tỉnh đang tích cực xây dựng kế hoạch triển khai giai đoạn 2 của đề án Chính quyền điện tử, trong đó có nội dung hoàn thiện cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh trong giải quyết TTHC, nhằm tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để thời gian tới, việc giải quyết TTHC từ cấp tỉnh đến địa phương được thông suốt, hiệu quả hơn. Qua đó, tiếp tục nâng cao sự thuận tiện, hài lòng của nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Đối với các địa phương, cũng cần tìm hiểu nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân để có cách tuyên truyền hiệu quả, vì hiện kênh tìm hiểu thông tin về giải quyết TTHC của người dân nhiều nhất là qua chính quyền cấp xã. Từ đó, phân tích, khảo sát để tiếp tục có cải tiến trong giải quyết TTHC; nâng cao tính công khai, minh bạch trong TTHC tới người dân.
“Đội ngũ công chức giải quyết TTHC cần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như thái độ làm việc với người dân. Cùng với đó, đội ngũ cấp xã cần nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ thông tin để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Tỉnh sẽ xử lý nghiêm cán bộ công chức có thái độ nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà cho người dân” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Biểu đồ: Thái độ giao tiếp, ứng xử của công chức cấp huyện. |
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Năm 2018 sẽ thực hiện điều tra, đánh giá Chỉ số SIPAS tại 14/14 địa phương trong toàn tỉnh. Do đó, các cấp, ngành, địa phương cần khẩn trương rút kinh nghiệm những tồn tại hạn chế trong công tác giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Các sở, ngành liên quan cần tham mưu ngay với tỉnh để đưa quy trình cụ thể liên quan đến cấp quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng nhà ở, chứng sinh, chứng tử… tại cấp huyện đảm bảo tính thuận tiện, công khai, minh bạch đến người dân; nghiên cứu rút ngắn thời gian, quy trình thực hiện TTHC cho người dân.
Đối với MTTQ và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, cần tiếp tục tham gia tích cực trong giám sát, phản biện về công tác giải quyết TTHC các cấp. Các cơ quan thông tin đại chúng tập trung thông tin TTHC; lấy ý kiến của người dân về hoạt động giải quyết TTHC các cấp.
![]() |
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Kết luận hội nghị, đồng chí Đặng Huy Hậu đánh giá cao quá trình điều tra, rà soát của các đơn vị chức năng để có kết quả điều tra sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước một cách khách quan, chính xác nhất. Bản báo cáo điều tra đã thể hiện rõ bức tranh về công tác giải quyết TTHC cấp huyện, xã của tỉnh. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho tất cả các địa phương trong toàn tỉnh trong việc giải quyết TTHC. Trên cơ sở đó, các địa phương, cấp, ngành cần triển khai ngay các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết TTHC.
Biểu đồ: Thái độ giao tiếp, ứng xử của công chức cấp xã. |
Qua điều tra cho thấy, tỷ lệ người dân tiếp cận dịch vụ từ chính quyền địa phương là cao nhất, do đó, địa phương cần có giải pháp để người dân tiếp cận dịch vụ tốt hơn. Các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát bộ TTHC, tham mưu với tỉnh về các giải pháp rút ngắn quy trình trong thực hiện TTHC đảm bảo đúng quy định, tạo thuận tiện tối đa cho người dân. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ chuyên môn, nghiệp vụ đến quán triệt tư tưởng phục vụ nhân dân.
Về việc điều tra Chỉ số SIPAS năm 2018 triển khai trên toàn quốc, Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan cần chú trọng đến các nội dung về: Thời điểm phát phiếu điều tra, số lượng phiếu, thời điểm, hình thức phát phiếu… để đảm bảo tính chủ động, công khai, hiệu quả.
Hồng Nhung
[links()]
Ý kiến ()