Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đặt tên cho tỉnh Quảng Ninh nói: “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng ví “Quảng Ninh giống như một Việt Nam thu nhỏ”.

Giáo sư Vũ Khiêu trong lời nói đầu cho cuốn Địa chí Quảng Ninh viết: “Quảng Ninh có thể coi là một trong những mảnh đất kỳ lạ của hành tinh, một sản phẩm có một không hai, vừa là của tạo hóa, vừa là của chính con người. Dưới khoảng trời xanh tĩnh lặng, những đảo đá vừa uy nghi, trầm mặc, vừa mộng mơ, lãng mạn là những di sản văn hóa vật chất và tinh thần từ cuộc sống hiện thực của biết bao thế hệ con người, miệt mài trong lao động, đấu tranh để vươn tới những gì tốt đẹp nhất. Nơi đây, mỗi bờ cát, mỗi con sóng đều thấm đượm những hạnh lạc và ưu tư, những nước mắt và nụ cười, những giọt mồ hôi và cả máu đỏ của bao nhiêu con người… Tất cả cứ lắng đọng lại cùng thời gian, trầm tích trong những lớp đất đá, cỏ cây, trời mây, sóng nước, mỗi góc phó, con đường, xóm thôn, bến bãi… làm lay động lòng người.”


Bài 1: Thiên tạo – Nhân tạo và Kỳ quan của đất trời

Tạo hoá ưu ái ban tặng cho Quảng Ninh – vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, một vịnh Hạ Long là “Kỳ quan đất dựng giữa trời cao”, một Bái Tử Long như ngàn vạn con rồng chầu vào vùng than, một Cô Tô xanh màu xanh của ngọc bích, xanh như một niềm hy vọng trên cửa biển…

Bài 2: Yên Tử trường tồn dưới ngàn mây trắng 

Lắng đọng trong huyết mạch địa linh đất Việt, Bạch Vân Sơn (núi mây trắng) – Yên Tử được coi là “phúc địa thứ 4 của Giao Châu” - vùng đất của “địa linh - nhân kiệt”. Giá trị của Yên Tử là tổng hòa của: Tâm linh, thiên nhiên, văn hóa - lịch sử. Các giá trị cốt lõi này hòa quyện vào nhau, nâng tầm cho nhau tạo nên những giá trị tinh thần bất diệt của dân tộc.

Bài 3: Đường về miền Đông… 

Mỗi lần trên hành trình ra các huyện miền Đông, dù trước đây là những khúc cua theo tuyến đường 18A, hay giờ là bon bon tăm tắp trên cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái thì trước mắt tôi bất kể thời khắc nào cũng là:

“Đường về miền Đông
Mù trôi như sông
Vừng dương lữ thứ
Ngủ mê trên đồng
Nửa mắt là rừng
Nửa mày là bể….
…Vành khăn soóng cọ
Mắt dài đuôi lau
Phố núi làng sâu
Rượu bầu trám muối”
(Ngô Mai Phong)

Từ điểm đầu tiên đặt nét bút vẽ hình chữ S thân yêu - mũi Sa Vĩ nơi thành phố địa đầu của Tổ quốc đến những cột mốc biên giới nơi miền sơn cước Bình Liêu, giữa bao là trùng điệp của núi non, trong bạt ngàn lau trắng hay tím lịm hoa sim là những tấc đấc quê hương trong hành trình dặm dài đất nước.