Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 18:18 (GMT +7)
Quảng Ninh-Ngành Than: Sự gắn kết "máu thịt"
Thứ 7, 12/11/2016 | 04:04:43 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, ngành Than đã có nhiều đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và là một phần không thể thiếu của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, hoạt động của ngành Than còn là động lực thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc thăm lò chợ khai thác cơ giới hóa đồng bộ công suất 600.000 tấn/năm của Công ty Than Hà Lầm. |
Ngành Than - một phần quan trọng
Xác định khai thác, chế biến, kinh doanh than là ngành kinh tế công nghiệp trọng yếu của tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các địa phương trên địa bàn Quảng Ninh đã chủ động phối hợp, hỗ trợ ngành Than và các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục công ty, đơn vị đang hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than và các dịch vụ khác liên quan đến than, khoáng sản cùng trên 8 vạn thợ mỏ đang sinh sống, làm việc... Hàng năm, TKV đóng góp trên 1/3 GDP và trên 40% cho ngân sách tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là một ngành quan trọng của đất nước, đồng thời gắn liền an ninh năng lượng quốc gia. Quan điểm phát triển của tỉnh dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của vùng, đó là phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” một cách hài hoà, hợp lý, tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế, tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hoá, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người... để phát triển. Do đó, để phát triển bền vững, tỉnh đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế để tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ và ngành công nghiệp phi khai khoáng. Đồng thời phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường. Vì thế, mọi bài toán về mô hình phát triển kinh tế - xã hội tất yếu phải tính đến sự phát triển của ngành Than. Và sự phát triển của ngành Than phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Nói về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: Ngành Than luôn gắn bó mật thiết với tỉnh và đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu trở thành một mô hình có tính đột phá, kiểu mẫu về “tăng trưởng xanh” đồng nghĩa với việc khai thác than và phát triển du lịch phải song hành bền vững. Là một phần quan trọng của tỉnh, ngành Than cũng đã chung tay cùng tỉnh thực hiện mục tiêu này, nỗ lực xây dựng và thực hiện các giải pháp phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường. Cùng với đó, ngành Than đã tăng cường các biện pháp bảo vệ tài nguyên than, quản lý chống thất thoát than trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh...
Cùng ngành Than vượt khó bằng sự tận tâm, tận lòng
Thực tế, sự ổn định, phát triển của ngành Than có tác động lớn và trực tiếp đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Trong những năm qua, tỉnh và ngành Than luôn gắn bó mật thiết, những khó khăn của ngành Than đều là khó khăn của tỉnh và đều được hợp lực giải quyết. Định kỳ hàng quý, lãnh đạo tỉnh đều có buổi làm việc để trao đổi, gỡ khó cho ngành Than. Các ý kiến, đề xuất của ngành đều được lãnh đạo tỉnh đặc biệt chú trọng và đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Chính điều này đã tạo sự liên kết bền chặt, sự đồng hành của tỉnh và ngành Than trong cả chặng đường phát triển, tạo động lực để ngành Than vượt qua khó khăn, ổn định việc làm và thu nhập cho trên 8 vạn thợ mỏ. Chính vì vậy, trải qua nhiều thăng trầm, thợ mỏ ngành Than đã đồng tâm, vững vàng vượt qua khó khăn cùng với sự trợ lực của các cấp, ngành và nhân dân Quảng Ninh. Hiện nay, ngành Than cũng đang gặp phải một số khó khăn kép trong sản xuất và tiêu thụ. Điều kiện địa chất các vỉa than ngày càng xuống sâu hơn, để sản xuất phải đầu tư nhiều chi phí hơn, nhưng chính sách thuế, phí của Nhà nước lại tăng cao, từ đó làm cho giá thành sản xuất than trong nước tăng nhanh. Giá thành của than nước ta tăng cao còn do mức thuế và phí chiếm 25% giá thành, làm cho sức cạnh tranh của ngành Than càng thêm kém, than không tiêu thụ được. Đến thời điểm này, lượng than tồn kho của TKV gần 11 triệu tấn, đang ở ngưỡng kịch trần, ảnh hưởng đến lượng vốn quay vòng và đầu tư sản xuất. Tổng Công ty Đông Bắc cũng tồn trên 700.000 tấn than. Trước những diễn biến bất lợi này, ngay từ đầu năm, TKV đã áp dụng nhiều giải pháp, như: Tiếp tục tiết giảm chi phí, sắp xếp lại tổ chức sản xuất, điều hành sản xuất than theo nhu cầu thị trường và thậm chí cả giải pháp được coi là “cực đoan”, buộc phải cắt giảm sản lượng... Điều này đã phá vỡ kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, đẩy ngành Than vào giai đoạn khó khăn nhất trong khoảng 20 năm gần đây.
Để đồng hành giúp ngành Than vượt khó khăn, tại buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ với ngành Than, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc khẳng định: Ngành Than luôn gắn với phát triển của tỉnh. Trong quá trình phát triển bao giờ cũng có thăng trầm, nhưng giai đoạn này có thể coi là giai đoạn khó khăn nhất của ngành Than trong 80 năm phát triển. Do đó, đồng chí khẳng định: Hơn lúc nào hết càng khó khăn càng gần nhau hơn, chia sẻ giúp nhau nhiều hơn bằng những việc làm thiết thực nhất, bằng sự tận tâm, tận lòng. Đồng chí cũng cơ bản thống nhất với một số đề xuất khác của Tập đoàn và Tổng Công ty Đông Bắc, đồng thời đề nghị 2 đơn vị khẩn trương có văn bản cùng tỉnh Quảng Ninh kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chính sách, chiến lược phát triển ngành Than để đảm bảo ngành Than ổn định sản xuất ở mức cao nhất, ổn định đời sống của 11 vạn công nhân lao động, giữ vững an ninh trật tự xã hội... Chúng ta tin rằng, với ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh sẽ cùng ngành Than thực hiện tốt lời căn dặn của Bác: “Xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu” và “Tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”.
Thanh Phong
Những danh hiệu cao quý (Từ 1958-2016) I. Huân chương Sao Vàng Tổng Công ty Than Việt Nam, năm 1996. II. Những tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND 1. Lực lượng tự vệ nhà sàng Cửa Ông, Xí nghiệp bến Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông), năm 1966. 2. Tiểu đoàn Tự vệ Xí nghiệp bến Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai), năm 1972. 3. Lực lượng tự vệ Mỏ than Đèo Nai (nay là Công ty CP Than Đèo Nai), năm 1998. 4. Lực lượng tự vệ Mỏ than Hà Tu (nay là Công ty CP Than Hà Tu), năm 2000. 5. Mỏ than Cọc Sáu (nay là Công ty CP Than Cọc Sáu), năm 2001. 6. Mỏ than Hà Lầm (nay là Công ty CP Than Hà Lầm), năm 2004. 7. Công ty Tuyển than Cửa Ông, năm 2004. 8. Mỏ than Mạo Khê (nay là Công ty Than Mạo Khê), năm 2004. 9. Mỏ than Thống Nhất (nay là Công ty Than Thống Nhất), năm 2004. 10. Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả (nay là Công ty CP Công nghiệp Ô tô - Vinacomin), năm 2005. 11. Xí nghiệp Than Na Dương (nay là Công ty Than Na Dương thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc), năm 2005. 12. Xí nghiệp Than Khánh Hoà (nay là Công ty Than Khánh Hoà thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc), năm 2005. 13. Công ty CP Cơ khí Hòn Gai, năm 2010. III. Những tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động 1. Đoàn Địa chất 906 (nay là Xí nghiệp Địa chất Đông Triều), năm 1986. 2. Mỏ than Cọc Sáu (nay là Công ty CP Than Cọc Sáu), năm 1996. 3. Mỏ than Hà Lầm (nay là Công ty CP Than Hà Lầm), năm 1996. 4. Xí nghiệp Tuyển than Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông), năm 2000. 5. Mỏ than Đèo Nai (nay là Công ty CP Than Đèo Nai), năm 2000. 6. Tổng Công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ, năm 2000. 7. Công ty CP Than Hà Tu, năm 2003. 8. Mỏ than Vàng Danh (nay là Công ty CP Than Vàng Danh), năm 2003. 9. Tổng Công ty Than Việt Nam, năm 2005. 10. Công ty Than Nội địa (nay là Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc), năm 2005. 11. Công ty CP Than Cao Sơn, năm 2005. 12. Phân xưởng Đào lò đá số 5 - Công ty Than Mạo Khê, năm 2005. 13. Công ty CP Than Núi Béo, năm 2005. 14. Công ty Tuyển than Hòn Gai, năm 2010. 15. Công ty Địa chất mỏ, năm 2011. 16. Công ty Than Nam Mẫu, năm 2014. 17. Tổng Công ty Đông Bắc, năm 2014. IV. Những cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động 1. Anh hùng Lao động Hồ Xây Dậu, Mỏ than Cọc Sáu, năm 1958. 2. Anh hùng Lao động Lê Văn Hiển, Xí nghiệp bến Cửa Ông, năm 1958. 3. Anh hùng Lao động Voòng Nải Hoài, Xí nghiệp Vận tải ô tô Hòn Gai cũ, năm 1962. 4. Anh hùng Lao động Vũ Xuân Thuỷ, Mỏ than Cọc Sáu, năm 1962. 5. Anh hùng Lao động Hoàng Văn Tiến, Mỏ than Thống Nhất, năm 1962. 6. Anh hùng Lao động Vũ Hữu Sơn, Mỏ than Đèo Nai, năm 1967. 7. Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Vỡi, Mỏ than Mạo Khê, năm 1967. 8. Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Vụ, Mỏ than Hà Lầm, năm 1986. 9. Anh hùng Lao động Trịnh Văn Nghinh, Mỏ than Hà Tu, năm 1986. 10. Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Sên, Phó Giám đốc Xí nghiệp ô tô Cẩm Phả cũ, năm 1986. 11. Anh hùng Lao động Hà Văn Hồng, Xí nghiệp Xây lắp Mông Dương cũ, năm 1986. 12. Anh hùng Lao động Lều Vũ Điều, Mỏ than Mạo Khê, năm 1986. 13. Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Nguyễn Xuân Việt, Mỏ than Hà Lầm, năm 1995. 14. Anh hùng Lực lượng vũ trang, liệt sĩ Đặng Bá Hát, Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai, năm 1997. 15. Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Dự, Mỏ than Hà Lầm, năm 2000. 16. Anh hùng Lao động Lê Khắc Vừng, Mỏ than Cọc Sáu, năm 2000. 17. Anh hùng Lao động Nguyễn Xuân Quý, Xí nghiệp Địa chất 906, năm 2000. 18. Anh hùng Lao động Đặng Văn Bình, Giám đốc Mỏ than Đèo Nai, năm 2001. 19. Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Tía, Quản đốc Phân xưởng Mỏ than Mạo Khê, năm 2006. 20. Anh hùng Lao động Lê Đình Trưởng, Giám đốc Mỏ than Cao Sơn, năm 2008. 21. Anh hùng Lao động Phạm Minh Thảo, Giám đốc Mỏ than Núi Béo, năm 2008. 22. Anh hùng Lao động Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đông Bắc, năm 2015. Nguồn: Vinacomin |
Liên kết website
Ý kiến ()