Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:33 (GMT +7)
Quảng Ninh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Thứ 2, 22/04/2024 | 16:55:09 [GMT +7] A A
Là một vùng đất giàu bản sắc văn hoá với 3 không gian văn hoá gồm núi đồi, đồng bằng và biển đảo, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mang thương hiệu Quảng Ninh. Nhờ nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh này, thời gian qua, những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh đã được chọn lọc, sáng tạo hình thành nên ngành công nghiệp văn hóa Quảng Ninh và bước đầu đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Sau khi Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trong đó xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với các lợi thế của Quảng Ninh về: biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; mua sắm; tham quan du lịch đêm; văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm; xây dựng Quảng Ninh trở thành một điểm đến sôi động, hấp dẫn, đặc sắc, tạo thêm các động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội.
Với bề dày lịch sử, Quảng Ninh tự hào có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ gồm 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trong đó có 08 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 56 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh, 465 di tích kiểm kê. Ngoài những di sản văn hoá vật thể nổi bật, tỉnh còn có 362 di sản văn hóa phi vật thể. Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền, quảng bá, đầu tư về cơ sở hạ tầng để kết nối và phát huy các giá trị di sản văn hoá của tỉnh nói riêng và của Việt Nam nói chung thành các sản phẩm du lịch văn hoá thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, công tác tôn vinh công lao của các nghệ nhân đóng góp trong việc bảo tồn, truyền dạy, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc cũng được quan tâm.
Quảng Ninh cũng đã thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các sản phẩm du lịch, không gian phát triển du lịch đã được mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, phát triển theo 04 vùng: Hạ Long - Uông Bí, Đông Triều - Vân Đồn, Cô Tô và Móng Cái, gắn liền với 4 dòng sản phẩm chính gồm: du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng sinh thái; du lịch biên giới. Đến nay, toàn tỉnh có 12/13 địa phương được công nhận khu, điểm du lịch với 01 khu du lịch cấp quốc gia; 05 khu du lịch cấp tỉnh, 91 điểm du lịch.
Một số sản phẩm và loại hình du lịch mới đã được đưa vào khai thác thu hút được lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Các lễ hội văn hoá, lịch sử truyền thống được tổ chức hiệu quả tại các địa phương đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị và các trung tâm du lịch Quảng Ninh thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo ấn tượng mới cho thương hiệu du lịch Hạ Long - Quảng Ninh. Năm 2023, tổng khách du lịch đạt 15,5 triệu lượt (tăng 11% so với năm 2019), trong đó khách quốc tế đạt 2,1 triệu lượt; đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh đạt xấp xỉ 10%.
Cùng với đó, lĩnh vực điện ảnh cũng có nhiều khởi sắc khi thời gian qua, nhiều đoàn phim trong và ngoài nước đã đến Quảng Ninh lấy bối cảnh và cốt chuyện văn hóa, con người, đời sống lao động sản xuất nơi đây làm tư liệu để sáng tạo ra các tác phẩm điện ảnh ở nhiều thể loại như phim truyện, phim tư liệu, phim khoa học... Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Vịnh Hạ Long đã xuất hiện trong các phim quốc tế nổi tiếng như Indochine (Đông Dương), 1992 được xem là tác phẩm kinh điển của Pháp, từng thắng giải Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 1993; Pan (2015); Đảo đầu lâu (Kong: Skull Island) năm 2017; bộ phim khoa học viễn tưởng The Creator (Kẻ kiến tạo) của Mĩ công chiếu trong năm 2023.
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có thể kể đến các sự kiện lớn như: Liên hoan Xiếc 3 miền, Festival Âm nhạc Quốc tế, Festival Áo dài, liveshow âm nhạc của các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước, quốc tế, show trình diễn thời trang của những nhà thiết kế có tên tuổi như Adrian Anh Tuấn, Minh Hạnh, Đỗ Trịnh Hoài Nam… Các chuỗi sự kiện, hoạt động này đã thu hút hàng vạn lượt du khách, người dân đến thưởng thức. Điều này thể hiện tư duy đổi mới của tỉnh trong việc xây dựng chuỗi sự kiện văn hóa điểm nhấn để tạo dấu ấn khác biệt, qua đó quảng bá, định vị thương hiệu địa phương, xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển công nghiệp văn hóa. Đối với lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo, tỉnh đã tạo được sự nổi bật khác biệt với các công trình tiêu biểu về kiến trúc và mĩ thuật như: Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh….Bên cạnh đó là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch được quan tâm đầu tư đã tạo điều kiện để các sự kiện văn hóa, thể thao cấp khu vực, quốc tế được tổ chức ngày càng nhiều trên địa bàn. Ở các lĩnh vực khác như thủ công mỹ nghệ, xúc tiến thương mại cũng đang được tỉnh quan tâm, chú trọng và dành nhiều nguồn lực để phát triển.
Tuy nhiên, cũng như cả nước, các ngành công nghiệp văn hóa tại Quảng Ninh tuy giàu tiềm năng, lợi thế và đã có những bước phát triển ban đầu nhưng chưa thực sự bứt phá. Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp văn hóa, Quảng Ninh sẽ tập trung các nguồn lực, tiếp tục đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn. Trong đó, quan tâm, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp với từng nhóm ngành công nghiệp văn hoá như: chính sách thuế thu hút, khuyến khích đầu tư, ưu đãi cho các sản phẩm văn hoá. Thời gian tới, tỉnh cũng có kế hoạch xây dựng hồ sơ ứng cử thành phố Hạ Long nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm hình thành và phát triển Khu công nghiệp văn hóa ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Hạ Long nhằm tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho công nghiệp văn hóa phát triển; xây dựng Đề án thí điểm thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa Quảng Ninh nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường và doanh nghiệp, dự án về phát triển công nghiệp văn hóa, hướng tới xuất khẩu văn hóa.
Bên cạnh đó là nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy phát triển thị trường công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh; thu hút đầu tư dàn dựng, tổ chức các chương trình sản xuất phim điện ảnh, âm nhạc, giải trí, biểu diễn thực cảnh gắn với văn hóa biển, đảo, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Xây dựng Đề án phát triển các làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm văn hóa du lịch; phát triển văn hóa ẩm thực Quảng Ninh thông qua việc lựa chọn, hoàn thiện các món ăn địa phương, nâng tầm thành nghệ thuật từ khâu sản xuất đến thưởng thức kết nối thành điểm đến của khách du lịch, hướng tới xuất khẩu ẩm thực truyền thống; từng bước hình thành các cơ sở dịch vụ ăn uống đạt chuẩn xếp hạng quốc tế.
Đặc biệt, Quảng Ninh xác định sẽ phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của từng địa phương qua mô hình OCOP; xác định sản phẩm OCOP là sản phẩm văn hóa và quan tâm đầu tư nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp cho từng sản phẩm, mang đậm giá trị văn hóa bản địa. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng thực hiện đồng thời với hoạt động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế tiến tới định vị thương hiệu du lịch Quảng Ninh không chỉ là điểm đến của di sản mà còn là điểm đến của văn hóa, âm nhạc, lễ hội, ánh sáng và giải trí có thương hiệu quốc tế.
Ngọc Khôi
Liên kết website
Ý kiến ()