Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:57 (GMT +7)
Quảng Ninh quyết tâm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục
Thứ 6, 16/12/2022 | 08:10:00 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri TX Quảng Yên, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Nga, thuộc Tổ đại biểu Thị xã Quảng Yên chất vấn:
Hiện nay, công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục tại một số địa phương trên cả nước diễn biến phức tạp, đã có cơ sở giáo dục không đảm bảo an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn cho học sinh gây hậu quả nghiêm trọng, nhận được sự quan tâm của phụ huynh học sinh. Trong khi toàn tỉnh Quảng Ninh mới có 418/645 cơ sở giáo dục có nhân viên y tế chuyên trách, còn 164 nhân viên y tế chưa đạt chuẩn.
Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết giải pháp của ngành để thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các trường học trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như thế nào?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thúy trả lời:
I. Thực trạng mạng lưới trường lớp, nhân viên y tế trường học:
Tính đến tháng 12/2022 trên địa bàn tỉnh có: 645 cơ sở giáo dục. Trong đó, số trường có tổ chức ăn bán trú, nội trú là 378/645 trường, chiếm 58,6%; có 330/378 trường học thực hiện thuê nhân viên nấu ăn cho học sinh tại trường, trong đó có 100% trường mầm non do liên quan đến chức năng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ theo chương trình, nhiệm vụ giáo dục của bậc mầm non; còn lại 48/378 trường cấp TH-THCS thực hiện hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh.
Về đội ngũ nhân viên y tế: Hiện có 418/645 trường (đạt 64,8%) có nhân viên y tế chuyên trách, trong đó có 164 nhân viên y tế chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo; số trường chưa có nhân viên y tế chuyên trách (do trước đây thực hiện chủ trương chuyển nhiệm vụ y tế trường học về Trạm y tế cấp xã) đều bố trí nhân viên khác hoặc giáo viên kiêm nhiệm và thực hiện kí hợp đồng với Trạm Y tế cấp xã trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Đội ngũ nhân viên y tế trường học đóng vai trò quan trong trong công tác tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ y tế trường học, trong đó có việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú, nội trú cho học sinh.
II. Kết quả thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong các trường học trên địa bàn tỉnh
1. Công tác chỉ đạo, ban hành văn bản; tuyên truyền, giáo dục
Xác định được tầm quan trọng trong công tác đảm bảo ATTP trường học, trong những năm qua, Sở GDĐT đã luôn chú trọng đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ y tế trường học, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, Sở GDĐT đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công tác đảm bảo ATTP; tích cực chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị về việc quản lý an toàn thực phẩm tại cơ sở giáo dục; trong các đợt cao điểm có nguy cơ xảy ra mất ATTP như các dịp lễ tết, trung thu... Sở GDĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm ATTP, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học.
Chú trọng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, người lao động và cha mẹ học sinh, trẻ em, học sinh, học viên ngành Giáo dục về Luật ATTP, các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND Tỉnh và Sở GDĐT về công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.với nhiều hình thức tuyên truyền, phù hợp với các đối tượng như: hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa, phát thanh tuyên truyền, băng rôn, pano, áp phích, tờ rơi, website, truyền thông trực tiếp, dạy học lồng ghép, tích hợp vào một số môn học phù hợp với từng đối tượng học sinh...
Các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về vai trò quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đa số trẻ em, học sinh, học viên có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh ATTP như: rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; ăn chín, uống sôi; không sử dụng thực phẩm nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và thực phẩm, đồ ăn hết hạn sử dụng...
2. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức ATTP
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Sở Y tế và UBND các địa phương tăng cường công tác tập huấn nâng cao kiến thức quản lý và thực hành đảm bảo đảm ATTP và hướng dẫn các nhà trường, các đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học theo quy định. Trong năm 2022 đã phối hợp tổ chức 14 hội nghị, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho 650 người là lãnh đạo các trường học và chủ các cơ sở có cung cấp suất ăn cho các nhà trường.
3. Công tác kiểm tra, giám sát
Năm 2022, Sở GDĐT thành lập Đoàn kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở giáo dục của 03 địa phương (Đông Triều, Móng Cái, Tiên Yên).
Ngành Giáo dục đã phối hợp ngành Y tế kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các trường mầm non, phổ thông ở một số địa phương (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Vân Đồn, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên), trong đó chú trọng kiểm tra bếp ăn bán trú của các trường có tổ chức bán trú; kiểm tra công tác ATTP tại cơ sở cung cấp suất ăn An Phú (thành phố Hạ Long), Công ty Vân Long (thành phố Cẩm Phả).
Kết quả kiểm tra: Nhìn chung, các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành về công tác đảm bảo ATTP; 100% các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch kịp thời và thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học.
III. Công tác đảm bảo nguồn nhân lực y tế trường học
Sở GDĐT tham mưu cho UBND tỉnh các Kế hoạch chỉ đạo thực hiện công tác y tế trường học; Phối hợp Sở Y tế, Sở LĐTB&XH xây dựng quy chế phối hợp về việc đảm bảo nguồn nhân lực để triển khai hiệu quả công tác y tế trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các công văn chỉ đạo của Sở GDĐT.
Đề ra được các nhiệm vụ trọng tâm: (1) Bố trí nhân viên y tế chuyên trách chưa đạt chuẩn trình độ đi đào tạo đạt chuẩn trình độ chuyên môn (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ GDĐT quy định về công tác Y tế trường học (nhân viên y tế có trình độ chuyên môn từ Trung cấp y trở lên); phấn đấu 100% các trường mầm non, phổ thông (công lập và ngoài công lập) có nhân viên y tế đạt chuẩn trình độ chuyên môn đào tạo; (2) Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, thực hành.
IV. Các giải pháp trọng tâm trong việc đảm bảo ATTP trong trường học thời gian tới
1. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
2. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường bán trú, nội trú tăng cường triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe vật chất và tinh thần cho con em, tập trung một vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
(a). Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: Chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, lưu mẫu thực phẩm theo quy định.
(b) Tăng cường vệ sinh trường học để phòng chống các bệnh truyền nhiễm; giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chín, uống sôi.
(c) Đối với cơ sở giáo dục có bếp ăn (nấu ăn cho học sinh): (i1) Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất tại bếp ăn (Quy trình 1 chiều: khu tiếp nhận thực phẩm, khu sơ chế rửa thô thực phẩm, khu chế biến, khu nấu nướng, khu chia thức ăn riêng đảm bảo theo quy định); đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch an toàn (Đối với nguồn nước máy, phải có hợp đồng với đơn vị cung cấp nước máy; đối với nguồn nước tự tạo: khe suối, giếng khoan... bắt buộc xét nghiệm nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt tại cơ quan có thẩm quyền); (i2) Nhân viên cấp dưỡng phải được tập huấn về ATTP, phải đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, thực hiện nghiêm túc quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm theo quy định, có giấy khám sức khỏe (nhân viên cấp dưỡng đang mắc các bệnh truyền nhiễm: tiêu chảy, tả lỵ, thương hàn... tuyệt đối không được tham trực tiếp các khâu chế biến, phân chia thức ăn).
(d) Đối với cơ sở giáo dục có hợp đồng cung cấp suất ăn cho học sinh: Đảm bảo đơn vị cung cấp suất ăn phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác an toàn thực phẩm; nhà trường xây dựng cơ chế phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc kiểm tra, giám sát (định kỳ, đột xuất) về công tác ATTP của các đơn vị cung cấp suất ăn.
3. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; Phối hợp với Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến cung cấp suất ăn cho học sinh trên địa bàn tỉnh.
4. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường kiểm tra các cửa hàng, quán ăn gần trường học; kiểm tra các cơ sở sản xuất, các đơn vị cung cấp nguồn thực phẩm cho trường học; đảm bảo tuyệt đối không cung cấp, buôn bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
5. Tiếp tục triển khai thực hiện công tác đảm bảo nguồn nhân lực để triển khai hiệu quả công tác y tế trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Phấn đấu 100% các trường mầm non, phổ thông (công lập và ngoài công lập) có nhân viên y tế đạt chuẩn trình độ chuyên môn đào tạo để thực hiện tốt nhiệm vụ Y tế trường học.
Hà Thanh (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()