Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 02:22 (GMT +7)
Xây dựng lực lượng sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời
Thứ 6, 21/07/2023 | 14:00:00 [GMT +7] A A
Hội nghị Trung ương năm 1941 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại biểu của Quốc tế cộng sản, chủ trì đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh thay cho Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Phong trào cách mạng ở Quảng Ninh sau đó đã có những hoạt động chuyển hướng theo phương châm chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, đưa đường lối của Đảng và chương trình cứu nước của Việt Minh đến với quần chúng ở một số nơi trong tỉnh.
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, sau hội nghị Trung ương năm 1941, toàn Đảng ta bắt tay vào việc triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết, xây dựng tổ chức Việt Minh, phát động phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Nghị quyết hội nghị Trung ương năm 1941 được phổ biến nhanh chóng tới các Đảng bộ địa phương, các đảng viên và quần chúng cách mạng.
Thời kỳ này, do chính sách khủng bố ác liệt của kẻ thù nên đại bộ phận cán bộ, đảng viên ở Khu mỏ và các nơi khác trong tỉnh đều bị bắt hoặc phải tạm lánh đi nơi khác. Trong khi phong trào công nhân ở Khu mỏ chưa được gây dựng lại thì từ cuối năm 1942 trở đi, do có những điều kiện thuận lợi, phong trào cách mạng ở một số nơi khác trong tỉnh đã có những bước chuyển biến mới.
Thị xã Quảng Yên bấy giờ là một trong những nơi có phong trào Việt Minh sớm nhất ở tỉnh ta. Tại đây, cuối năm 1942, đồng chí Nguyễn Văn Luận (tức Trần Danh Tuyên) đã liên hệ được với đồng chí Đoàn Quang Thìn đang bị quản thúc ở Quảng Yên để thống nhất chương trình hoạt động của Mặt trận Việt Minh ở vùng này, sau đó bí mật truyền đạt nghị quyết Trung ương Đảng tháng 5 năm 1941 cho các đồng chí trong tù, và phổ biến ra ngoài cho số đảng viên và quần chúng trung kiên đang hoạt động tại thị xã, gây cơ sở cách mạng trong quần chúng ở thị xã. Nhờ đó, phong trào Việt Minh ở thị xã Quảng Yên phát triển nhanh chóng. Đến đầu năm 1943, ta đã lập được các đoàn thể cứu quốc trong thợ thủ công, tiểu thương, thanh niên, học sinh và lập được Hội truyền bá quốc ngữ.
Cũng trong khoảng thời gian này, ở tỉnh Hải Ninh, đồng chí Đào Lộc là đảng viên bị địch quản thúc ở thị xã Móng Cái đã chọn được một số thanh niên hăng hái, nhiệt tình cách mạng, tổ chức vào đoàn thể Việt Minh. Nhóm Việt Minh ở nhà tù Quảng Yên gồm 7 người ở huyện Móng Cái, khi về địa phương đã làm nòng cốt cho phong trào Việt Minh ở huyện này.
Tại Uông Bí, đầu năm 1944, Ban công vận Xứ ủy Bắc kỳ đã cử một số đảng viên nữ ra hoạt động. Sau khi đến mỏ một thời gian ngắn, các đồng chí đảng viên nữ đã nhanh chóng, giác ngộ được một số anh chị em công nhân, xây dựng một tổ Việt Minh ở Uông Bí gồm 10 hội viên cứu quốc. Thông qua tờ báo Cờ giải phóng của Đảng, các đồng chí đã truyền đến anh chị em công nhân Uông Bí - Vàng Danh khí thế sôi nổi của phong trào cách mạng trong cả nước, giác ngộ ý thức cách mạng, tập hợp đội ngũ sẵn sàng đứng lên giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
Tháng 12 năm 1944, cơ sở Việt Minh ở Nhà máy cơ khí Uông Bí đã lãnh đạo công nhân đình công đòi bọn chủ tăng 60% lương và không được trừ lương của công nhân. Cuộc đấu tranh được các cơ sở sản xuất khác ở khu vực Uông Bí hưởng ứng. Số người tham gia đấu tranh lên tới gần 700 người. Tiếp sau đó, tháng 2 năm 1945, thợ mỏ Mạo Khê đình công 15 ngày, đòi tăng 30% lương, cũng giành thắng lợi.
Trước nhiều khó khăn, thử thách, từ tháng 5 năm 1941 đến giữa năm 1944, ở Khu mỏ cũng như trong toàn tỉnh không nơi nào phục hồi và xây dựng lại được chi bộ Đảng. Mãi đến tháng 8 năm 1944, một số đảng viên ở chi bộ xã Rãng Động, trước đây bị địch bắt (tháng 5 năm 1941) khi ra tù lại trở về quê tiếp tục hoạt động. Các đồng chí đó đã liên hệ với những đảng viên chưa bị lộ còn lại ở địa phương để phục hồi sự hoạt động của chi bộ Đảng và xây dựng Đoàn thanh niên cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc. Nhờ nắm được chương trình cứu nước của Việt Minh và phương thức hoạt động trong thời kỳ mới, chi bộ xã Rãng Động đã phát động đông đảo quần chúng trong xã tham gia phong trào Việt Minh. Quần chúng rất hăng hái góp tiền mua vũ khí, luyện tập quân sự, chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang. Nhiều người còn đứng lên đấu tranh chống địch thu thuế, thu thóc, tổ chức cứu đói, bảo vệ cán bộ cách mạng v.v... Phong trào Việt Minh ở vùng này đã có bước phát triển nhanh.
Tóm lại, giai đoạn này, phong trào cách mạng ở tỉnh ta đã có những hoạt động chuyển hướng theo phương châm chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, đưa đường lối của Đảng và chương trình cứu nước của Việt Minh đến với quần chúng ở một số nơi trong tỉnh, xây dựng được tổ chức Việt Minh - một lực lượng chính trị quan trọng. Những kết quả đã đạt được tuy chưa lớn, nhưng nó là bước chuyển biến về chất của phong trào cách ở một “vùng đất mang nhượng” với tất cả sự kìm kẹp tàn bạo của bọn chủ mỏ và chính quyền thực dân.
Phương Loan (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()