Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 12:23 (GMT +7)
Quảng Ninh tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo nhân dân đón Tết an toàn
Thứ 7, 18/12/2021 | 20:10:35 [GMT +7] A A
Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa ban hành văn bản số 467 - TB/TU thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, BCĐ cấp tỉnh về việc phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo cho người dân trên địa bàn tỉnh được vui Xuân, đón Tết Nhâm Dần thực sự vui tươi, hạnh phúc, an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Theo đó, từ ngày 11/10/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận gần 1.500 ca nhiễm SAR-CoV-2, song các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong toàn tỉnh đã chủ động, quyết liệt, linh hoạt triển khai các chủ trương, cơ chế, biện pháp, giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh cơ bản vẫn giữ được địa bàn an toàn, kiểm soát được các ổ dịch. Tuy nhiên, qua đánh giá, việc để số ca nhiễm SAR-CoV-2 đang có chiều hướng gia tăng, nhất là trong 5 ngày gần đây (324 ca mắc mới); nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chủ quan ở cấp cơ sở; việc thực hiện đánh giá mức độ nguy cơ tiềm ẩn và hiện hữu về dịch bệnh chưa thường xuyên, liên tục; việc vận dụng phương châm từ xa, từ sớm, từ cơ sở có nơi chưa tốt; chưa kịp thời phát hiện các ca F0 phát sinh trên địa bàn, chậm cô lập và dập dịch chưa triệt để. Nhiều người dân còn biểu hiện lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Để đảm bảo cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh được vui Xuân, đón Tết Nhâm Dần thực sự vui tươi, hạnh phúc, an toàn trong trạng thái bình thường mới, đòi hỏi các các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh phải thống nhất tư tưởng và hành động trong thực hiện mục tiêu: (1) Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; nâng cao hơn nữa năng lực thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; kiên quyết không để hình thành ổ dịch lớn, lan rộng thành đợt dịch bùng phát, kéo dài trong cộng đồng; giảm tối đa ca mắc mới, ca nhập viện và ca tử vong, gây tình trạng quá tải đối với hệ thống y tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và sức khỏe Nhân dân. (2) Đảm bảo tối đa học sinh được đến trường học tập trực tiếp an toàn; trẻ em dưới 12 tuổi, người cao tuổi, có bệnh nền không thể tiêm chủng khi mắc COVID-19 được thu dung, điều trị, hỗ trợ y tế tại các cơ sở y tế. (3) Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực sẵn sàng để người dân khi mắc COVID-19 được tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất với các dịch vụ y tế, thuốc điều trị ngay từ cơ sở.
Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cơ bản thống nhất với các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể:
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ đạo có liên quan của Trung ương, của Tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19; thường xuyên rà soát, hoàn thiện các kịch bản, phương án sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch COVID-19, nhất là chủng mới Omicron; thực hiện tốt hơn nữa phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở và tuân thủ nghiêm nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp huyện, cấp xã, năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Hằng ngày, hằng tuần, các cấp, các ngành, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, nguy cơ hiện hữu, xác định cấp độ dịch trên địa bàn, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý để áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch tương ứng, phù hợp; kết hợp hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội. Kiên trì thực hiện phương châm “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, thực hiện tầm soát chủ động, xét nghiệm sàng lọc định kỳ có trọng tâm, trọng điểm, tăng tần suất đối với các đối tượng “bảo vệ trọng điểm” và các đối tượng có nguy cơ theo kế hoạch hằng tuần của các cấp chính quyền, hướng dẫn của ngành y tế và tình hình thực tiễn; xác định xét nghiệm tầm soát khoa học, hợp lý là chìa khóa thành công nhằm chủ động, phát hiện sớm F0, truy vết, xử trí, cách ly, thu dung, điều trị sớm, bảo đảm hiệu quả.
2. Siết chặt quản lý dân cư, quản lý cư trú, lưu trú, tạm trú, tạm vắng, nhất là quản lý chặt chẽ người dân, người lao động ngoại tỉnh vào địa bàn, người Quảng Ninh đi, trở về từ các vùng có dịch; nhất là những ngày nghỉ Tết Dương lịch và giáp Tết nguyên đán. Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý nhân khẩu học với quản lý dịch tễ học một cách toàn diện; tăng cường cơ chế chia sẻ thông tin bảo đảm kịp thời, đầy đủ nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài vào địa bàn.
3. Nâng cao hơn nữa tính chủ động, năng lực truy vết, điều tra dịch tễ bảo đảm khoa học, kịp thời của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, từ quy mô nhỏ nhất nhằm bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, kiểm soát nhanh chóng với chi phí thấp. Khi phát hiện có trường hợp nhiễm hoặc nghi mắc COVID-19 phải quyết liệt, khẩn trương “thần tốc” truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng gọn nhất có thể, bóc tách ngay F0, cách ly F1, phân loại mức độ nguy cơ để có hướng xử trí, cách ly, thu dung, điều trị phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể bảo đảm hiệu quả, hạn chế tối đa các trường hợp nhập viện, trở nặng, tử vong; dập dịch triệt để, kiên quyết không để dịch lây lan, bùng phát.
4. Yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương có biện pháp tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Dương lịch đến Tết nguyên đán Nhâm Dần; động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ tỉnh không di chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh trong dịp nghỉ Tết Dương lịch để tích cực tham gia chiến dịch tiêm vắc xin mũi tăng cường nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cơ quan, đơn vị nơi công tác và cộng đồng trước dịch bệnh. Tiếp tục củng cố lực lượng y tế, bảo đảm sẵn sàng lực lượng y tế cấp cứu nhằm kịp thời xử trí tình huống xấu nảy sinh vào những ngày giáp Tết nguyên đán, trong tình huống có thể xuất hiện biến chủng Omicron trên địa bàn.
5. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, an toàn chiến dịch tiêm vắc xin mũi tăng cường (mũi 3) trên phạm vi toàn tỉnh cho người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm và phấn đấu cơ bản hoàn thành xong trong quý I/2022. Ngành y tế chủ động tiếp cận với các nguồn vắc xin để tiêm mũi tăng cường bằng vắc xin Pfizer và Astrazeneca; ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, lao động ngành than, lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố Hạ Long.
6. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra xử phạt nghiêm minh, công khai những người, những cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm quy trình, quy định phòng, chống dịch; đặc biệt là các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an, y tế chủ động, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, kinh doanh test kit xét nghiệm giả, kém chất lượng, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá tăng cao, gây sốt ảo, biến động thị trường…
7. Tăng cường truyền thông chủ động về diễn biến, tình hình dịch bệnh, nhất là nguy cơ tiềm ẩn, nguy cơ hiện hữu về dịch bệnh, về các biến chủng mới nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch bệnh; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc 5K, thường xuyên đeo khẩu trang ở mọi nơi, mọi lúc, quét mã QR, khai báo y tế điện tử hằng ngày, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
PV
Liên kết website
Ý kiến ()