Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 02:20 (GMT +7)
Quảng Ninh tăng tốc về đích nông thôn mới
Thứ 7, 26/02/2022 | 08:13:28 [GMT +7] A A
Kết thúc năm 2021, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các vùng nông thôn của Quảng Ninh đã mang một diện mạo mới. Đời sống thu nhập của người dân từ chỗ còn thấp, nay đã được nâng lên 3 đến 4 lần.
Phát huy từ những kết quả đã đạt được, Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2022 hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Để đạt được điều này, điều kiện cần là các địa phương đã được công nhận NTM, NTM nâng cao trước năm 2021 phải nâng cấp các tiêu chí NTM theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025. Riêng 4/13 địa phương là Hạ Long, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu phải gấp rút hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu để được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm nay. Cùng với đó là huyện Đầm Hà, Tiên Yên cũng hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu để được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Bức tranh tổng thể NTM của Quảng Ninh với mục tiêu về đích trong năm 2022 là khả thi. Tuy nhiên, những tiêu chí, chỉ tiêu còn lại mà Quảng Ninh phải làm đều là những việc khó.
Có thể thấy, dự thảo bộ tiêu chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 có sự khác biệt so với bộ tiêu chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2010-2020. Cụ thể, là tăng lên về số lượng cũng như độ khó của mỗi chỉ tiêu, tiêu chí. Chính bởi vậy, nếu chiếu theo bộ tiêu chuẩn mới, 100% xã, huyện đã được công nhận NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trước năm 2021 đều phải bổ sung, làm mới và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí.
Đây là khối lượng công việc không hề nhỏ. Chẳng hạn như với huyện Bình Liêu, qua rà soát đối chiếu với bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 cho thấy cả 5 xã đã đạt chuẩn NTM trên địa bàn giờ đạt ở mức 15/19 tiêu chí và 45/55 chỉ tiêu. Riêng xã NTM nâng cao Hoành Mô được công nhận năm 2021, song hiện so với bộ tiêu chí mới thì mới đạt 4/19 tiêu chí, 37/77 chỉ tiêu.
Bên cạnh cái khó về sự thay đổi trong bộ tiêu chí đánh giá, rào cản lớn nhất vẫn là việc vào cuộc của người dân trong xây dựng NTM thời gian gần đây không cao. Nhất là ở những địa bàn miền núi, hải đảo, nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí và mức sống của người dân thấp, không đồng đều... thì sức dân thực sự chưa được phát huy và chưa được thể hiện rõ nét.
Trong khi đó, bộ tiêu chí NTM chuẩn giai đoạn 2021-2025 là "Đề cao bộ mặt nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn". Cụ thể, các tiêu chí số 7 và số 8 về môi trường và chất lượng môi trường sống được đặc biệt quan tâm. Đối với những tiêu chí này thì sự vào cuộc của người dân mới là chủ yếu, nguồn lực vật chất của tỉnh chỉ mang tính hỗ trợ. Đây có thể coi là một khó khăn của các địa phương trong lộ trình đưa Quảng Ninh, hoàn thành chương trình NTM trong năm nay.
Có thể thấy, qua báo cáo rà soát của 13/13 địa phương, bao gồm cả 4 địa phương Hạ Long, Vân Đồn, Ba Chẽ, Bình Liêu phấn đấu đạt chuẩn NTM và Đầm Hà, Tiên Yên phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao năm nay đều thiếu các tiêu chí liên quan đến trồng cây xanh, xử lý nước, rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn giao thông... Mà các tiêu chí này phần lớn do người dân đảm nhiệm, nhà nước chỉ đóng vai trò khích lệ, hỗ trợ.
Hiện nay, chưa địa phương nào của Quảng Ninh đạt thông số 70% số km đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện qua địa bàn được trồng cây xanh hai bên hay tỷ lệ đất cây xanh sử dụng cho công cộng tối thiểu 4m2/người, như bộ tiêu chí mới đưa ra.
Đối với các đơn vị phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, qua rà soát đều chưa đạt các tiêu chí tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý; tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng; tỷ lệ phân loại chất thải rắn tại nguồn; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý; có mô hình xử lý nước thải mặt...
Thực tế, đối với các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022, hoặc đã đạt chuẩn NTM trước đó gặp khó trong việc duy trì và phát triển mô hình sản xuất, qua đó ảnh hưởng trực tiếp việc giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập người dân. Trong khi, năm 2022 này, yêu cầu đặt ra về giảm nghèo, cận nghèo cho các đơn vị về đích NTM rất cao, ví như huyện Bình Liêu là trên 270 hộ. Riêng mức thu nhập của người dân, theo bộ chuẩn mới buộc phải đạt trên dưới 70 triệu đồng/người/năm với huyện NTM và trên 100 triệu đồng/người/năm đối với địa phương NTM là thành phố, thị xã.
Có thể thấy, Quảng Ninh đang rất quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra là về đích NTM năm 2022. Từ mục tiêu này, các địa phương cần nhận diện đúng thực tế, quyết liệt ngay từ đầu để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Tin rằng, từ kinh nghiệm đã có, “kim chỉ nam” đã đề ra và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp, Quảng Ninh sẽ hoàn thành thắng lợi mục tiêu về đích NTM năm 2022.
Việt Hoa
- Đông Triều là địa phương điển hình của Quảng Ninh về xây dựng NTM kiểu mẫu cấp huyện ở tầm quốc gia gắn với quá trình đô thị hóa
- Xây dựng Đầm Hà trở thành huyện NTM kiểu mẫu khu vực phía Đông của tỉnh
- Hải Hà: Tập trung xây dựng NTM nâng cao
- Ba Chẽ: Để cán đích huyện NTM
- Lan tỏa niềm vui từ nông thôn mới
Liên kết website
Ý kiến ()