Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:49 (GMT +7)
Quảng Ninh tham gia thả gần 100 triệu giống thuỷ sản trong Vịnh Bắc Bộ tại Đông Hưng (Trung Quốc)
Chủ nhật, 07/05/2023 | 17:24:15 [GMT +7] A A
Tiếp tục triển khai Biên bản ghi nhớ về Hợp tác thả giống tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chiều ngày 6/5, trên bờ biển của thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc tổ chức lễ khởi động thả các loài thuỷ sản bố mẹ và các thuỷ sản giống nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ.
Tham gia đoàn công tác của Việt Nam có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Móng Cái.
Trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ về Hợp tác thả giống tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc được ký kết năm 2017, đến nay, hai bên đã tổ chức thành công 6 lần thả giống bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhấn mạnh: Chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa ngày càng sâu rộng. Tại Việt Nam hiện nay, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã và đang được quan tâm và đầu tư kinh phí cho việc nghiên cứu, phát triển. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhiều chương trình, đề án, dự án quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đã và đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.
Ông Mã Hữu Tường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc cho biết, việc thả giống tái tạo thuỷ sản là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng nhằm phục hồi, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khai thác hợp lý nguồn lợi thuỷ sản, góp phần tăng thu nhập cho ngư dân vùng biên biển. Từ đó giúp phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển của hai nước Việt – Trung.
Sau lễ khởi động, các đại biểu đã thả 120 cá thể bố mẹ gồm cá mú xanh (50 con, trọng lượng 10-25kg/con), cá hồng bạc (70 con, trọng lượng 5-10kg/con) và các loài cá giống có kích cỡ từ 3cm trở lên như cá tráp đen (2 triệu con), cá tráp vây vàng (1,5 triệu con), cá vược Nhật Bản (2,0 triệu con); các loài tôm như tôm sú (40 triệu con), tôm he Nhật Bản (50 triệu con). Đặc biệt đã thả 450.000 cá thể sam đuôi tam giác với chiều rộng mai từ 0,6m trở lên. Một số đối tượng cá bố mẹ, cá tráp vây vàng còn được gắn chíp vệ tinh với mục đích nghiên cứu khoa học, bổ sung nguồn gen quý cho vùng biển Vịnh Bắc Bộ.
Năm 2024, hoạt động hợp tác thả giống tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết sẽ báo cáo và đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND tỉnh Quảng Ninh lựa chọn thành phố Móng Cái là điểm tổ chức với nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để chào mừng 65 năm ngày truyền thống Ngành Thuỷ sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2024).
Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()