Tất cả chuyên mục

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn trải dài trên 200km từ cửa ngõ miền Tây huyện Đông Triều của tỉnh đến mũi Sa Vĩ (TP Móng Cái), mỗi năm Quảng ninh đón trên 7 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Thế nhưng, thật đáng buồn, trên những cung đường du lịch của Quảng ninh vẫn thiếu những điểm dừng chân cho du khách đạt chuẩn.
![]() |
Nhà hàng 558, Hải Lạng, Tiên Yên là một trong những điểm dừng chân thu hút khá đông du khách trên địa bàn huyện Tiên Yên. |
Thực tế, hiện nay trên tuyến quốc lộ 18A đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh tập trung chủ yếu là những điểm mua sắm nhỏ lẻ gắn với điểm dừng chân cho du khách. Ngoài một số điểm mua sắm đã được Sở Du lịch cấp biển đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch ở trên địa bàn huyện Đông Triều, TP Hạ Long thì hầu hết các điểm, trạm dừng chân cho du khách trên tuyến quốc lộ 18A, đoạn đường đi qua các huyện miền Đông của tỉnh chưa có điểm mua sắm nào đạt chuẩn. Điều đáng nói, tuyến ven đường quốc lộ bắt đầu từ địa bàn huyện Tiên Yên trở ra Móng Cái, các điểm dừng chân cho xe tải, xe khách này đều mọc lên khá nhiều theo hướng tự phát. Trong số hàng chục điểm dừng chân, chỉ có một vài điểm được đầu tư để phục vụ cho khách đi tuyến xe đường dài và khách du lịch như các điểm nhà hàng 558, Hải Lạng, nhà hàng Minh Anh 279, Tiên Lãng... thuộc huyện Tiên Yên, còn lại phần lớn, các điểm, trạm dừng chân, dịch vụ chưa có gì, hàng hóa lèo tèo. Nhiều điểm có khi chỉ là một dãy nhà được xây dựng với một bãi đất trống để đỗ xe. Đặc biệt, điểm chung của những điểm dừng chân “bất đắc dĩ” này là chất lượng nhà vệ sinh công cộng không đảm bảo, làm “phiền lòng” du khách. Đây là một trong những điểm yếu của các điểm dừng chân tại tuyến đường miền Đông của tỉnh. Các nhà vệ sinh công cộng ở đây được xây dựng tạm bợ, không theo một tiêu chuẩn, quy định nào, trang thiết bị bên trong cũ nát, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, thẩm mỹ. Mặc dù, ở những nơi này, hàng ngày vẫn có người lau dọn, nhưng do lượng khách sử dụng nhiều, cộng thêm với việc xây dựng thiết kế thoát nước thải không đảm bảo theo quy định nên thường có mùi hôi nặng, rất khó chịu... Nhà vệ sinh công cộng tại các điểm dừng chân trở thành nỗi “kinh hoàng”, “ám ảnh” mỗi du khách khi đến đây. Nhiều du khách phàn nàn, “Biết là bẩn, nhếch nhác nhưng khi có nhu cầu vẫn phải vào giải quyết...”.
![]() |
Nhưng nhà vệ sinh phục vụ du khách được xây dựng ngay bên cạnh trước nhà hàng, nhìn rất thiếu mỹ quan. |
Anh Phạm Sỹ Tiến, hướng dẫn viên du lịch quốc tế chia sẻ: “Đối với khách nước ngoài họ không nặng về ăn uống mà quan tâm đến nơi nghỉ ngơi và vệ sinh. Mỗi khi dẫn đoàn khách du lịch quốc tế qua các điểm dừng chân này, tôi thật sự xấu hổ bởi nhà vệ sinh ở đây không đảm bảo. Chỉ bước vào cửa nhà vệ sinh thôi đã ngửi thấy mùi khai nồng nặc, nhiều du khách phải bịt mũi khi bước vào nhà vệ sinh. Chúng tôi cũng nhiều lần góp ý với các điểm dừng chân này nhưng tình hình không cải thiện là bao…”. Chưa nói đến giá cả, chất lượng dịch vụ ăn uống, mua sắm khác, nhà vệ sinh sạch sẽ, kín đáo là điều hết sức đối với một điểm dừng chân.
Thực tế, tại nhiều địa phương trong cả nước việc xây dựng điểm dừng chân du lịch đã được doanh nghiệp đầu tư khai thác từ rất lâu, mang lại kết quả tích cực. Chẳng nói đâu xa, tỉnh láng giềng lân cận Quảng Ninh là Hải Dương. Địa phương này đã có một số điểm dừng chân được đầu tư khá bài bản như trạm dừng chân Việt Tiên Sơn, Minh Anh, Minh Anh 77, nhà hàng 559… Tại những điểm dừng chân, du khách sẽ được cung ứng đầy đủ các dịch vụ từ ăn uống, thư giãn đến mua sắm hàng lưu niệm v.v..
Theo một số đơn vị lữ hành chuyên dẫn khách đến Quảng Ninh, thì việc xây dựng các điểm dừng chân là hoàn toàn cần thiết và là một trong những việc làm cần ưu tiên hàng đầu để xây dựng, quảng bá điểm đến, thu hút khách du lịch. Điểm dừng chân du lịch không chỉ đáp ứng những nhu cầu vệ sinh của khách, nghỉ ngơi, thư giãn sau một chặng đường dài, mà còn là địa chỉ để họ trải nghiệm văn hóa của một điểm đến và các sản phẩm đặc trưng của một vùng đất một cách thoải mái nhất. Cũng theo họ, không nên nhất thiết yêu cầu các điểm dừng chân phải có quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định như: Diện tích mặt bằng, bãi đỗ xe phải rộng, đỗ được vài chục chiếc xe du lịch lớn... Mà có thể xây dựng một điểm dừng chân chỉ cần một vài dịch vụ như phục vụ ăn uống nhẹ, trưng bày các sản phẩm địa phương, các tài liệu quảng bá, giới thiệu về tiềm năng du lịch địa phương. Nhưng một yêu cầu không thể
thiếu, phải đặc biệt chú trọng đó là việc xây dựng các nhà vệ sinh đạt chuẩn. Chuyện tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ. Đây là một trong những mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Trong nhiều cuộc trò chuyện với các vị khách du lịch trong và ngoài nước, một số công ty lữ hành lớn đưa khách đến với Quảng Ninh, hầu hết họ đều ái ngại, trăn trở về những cung đường du lịch còn thiếu các điểm dừng chân hợp lý, đạt tiêu chuẩn. Bởi trên thực tế, đối với bất cứ một du khách, việc được tham quan các danh lam thắng cảnh đẹp, người dân mến khách thôi là chưa đủ, mà quan trọng họ phải được trải nghiệm các dịch vụ du lịch tối ưu nhất. Với lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ngày càng tăng, việc nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất cũng như đào tạo đội ngũ nhân viên phục vụ, xây dựng tại các điểm dừng chân đạt chuẩn phục vụ cho khách du lịch là việc các địa phương cần làm ngay, đặc biệt tại các tuyến đường miền Đông của tỉnh.
Thu Nguyên
Một vài ý kiến góp ý
![]() |
* Anh Nguyễn Danh Năng, hướng dẫn viên Công ty du lịch S Việt Tour, TP Hải Phòng: “Cần có những sản phẩm đặc sắc của địa phương để du khách mua về làm quà...”
Là một hướng dẫn viên, tôi thường xuyên đưa các đoàn khách du lịch đi tham quan ở nhiều nơi. Theo tôi, đối với cung đường từ Hải Phòng ra Móng Cái, đặc biệt từ TP Hạ Long ra các huyện miền Đông của tỉnh chưa có điểm dừng chân nào đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Các đoàn khách của Công ty chúng tôi ra tham quan TP Móng Cái thường nghỉ chân ở khu vực thuộc địa phận huyện Tiên Yên. Tôi thấy các điểm dừng chân ở đây đều kinh doanh theo hướng tự phát. Mặc dù không gian, bãi đỗ xe rộng rãi, thoáng mát nhưng các mặt hàng, sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn địa phương ở đây chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Phần lớn các mặt hàng bày bán là đồ ăn uống phục vụ ngay tại chỗ, hàng lưu niệm khác chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Tôi nghĩ các điểm dừng chân nên có những gian hàng giới thiệu những sản vật đặc sắc của địa phương để quảng bá, giới thiệu đến du khách vùng đất mà họ đã đi qua. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân địa phương thúc đẩy sản xuất, tham gia mua bán, trao đổi hàng hoá. Bên cạnh đó, là một tỉnh phát triển mạnh về dịch vụ du lịch, Quảng Ninh nên quan tâm đến việc xây dựng các điểm dừng chân du lịch đạt chuẩn để phục vụ du khách.
![]() |
* Chị Phạm Ngọc Hoa, TP Hải Dương: “Điểm dừng chân gắn với việc giới thiệu các sản phẩm làng nghề”
Trên cung đường du lịch Quảng Ninh, tôi thực sự ấn tượng với một số điểm dừng chân du lịch trên địa bàn TX Đông Triều, với những cái tên như: Thành Đồng, cửa hàng gốm sứ Thái Sơn 88... Tôi được biết, các điểm mua sắm này đã được Sở Du lịch cấp biển hiệu cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Nhìn chung cơ sở vật chất tại các điểm mua sắm đã đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi của du khách. Điều đặc biệt ở các điểm dừng chân du lịch này đều gắn liền với các cơ sở sản xuất gốm sứ truyền thống thuộc các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Điều khá thú vị khi đến đây, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm sứ đã hoàn thiện được trưng bày tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm mà còn được tìm hiểu quy trình sản xuất làm ra các sản phẩm gốm. Tại đây, chúng tôi cũng có thể lựa chọn mua những món đồ lưu niệm làm bằng gốm hết sức tinh xảo với màu sắc bắt mắt và thể loại phong phú. Từ những sản phẩm con giống được làm bằng chất liệu gốm có giá trị chỉ vài chục ngàn đồng đến những sản phẩm gốm có giá trị cao lên đến hàng triệu đồng. Tôi nghĩ, đây cũng chính là yếu tố thu hút được sự quan tâm của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, để hấp dẫn được du khách hơn, doanh nghiệp cũng nên chú ý đến các dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi của du khách sau một chặng đường dài.
![]() |
* Chị Nguyễn Bích Hợp, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội: “Điều mà tôi quan tâm nhất đó là nhà vệ sinh ở các điểm dừng chân”
Trong mỗi chuyến đi du lịch, khi đến các điểm nghỉ dừng chân, điều mà tôi quan tâm nhất đó là nhà vệ sinh ở đó có sạch sẽ hay không. Tôi thấy, hiện nay ở một số nơi, nhất là các điểm nghỉ chân tại các huyện miền Đông của tỉnh, dường như các chủ nhà hàng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề nhà vệ sinh phục vụ du khách. Tình trạng nhà vệ sinh tại các điểm dừng chân trên các tuyến quốc lộ còn nhếch nhác, vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Trong chuyến đi vừa rồi, chúng tôi có dừng chân ở một điểm ở Tiên Yên. Thú thực, nhìn thấy nhà vệ sinh, tôi đã không muốn vào vì ngay cửa ra vào nước chảy lênh láng trên sàn nhà. Có lẽ do chị dọn vệ sinh vừa phun nước dọn xong nhưng quên mất công đoạn lau khô sàn. Bên trong nhà vệ sinh không có bồn cầu, không chỉ trẻ em mà cả người lớn chỉ sơ sểnh một chút là có thể tụt chân xuống cống. Cộng với đó là mùi hôi nồng nặc bốc lên từ dưới cống. Nói thật là đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi cái nhà vệ sinh đó mỗi khi đi qua đây.
Tôi nghĩ, nhà vệ sinh công cộng tại các điểm dừng chân, điều tưởng chừng không lớn nhưng rất quan trọng, nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch của địa phương trong mắt bạn bè và du khách.
Ý kiến (0)