Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:38 (GMT +7)
Tăng trưởng xanh vì sự phát triển bền vững
Thứ 5, 02/05/2024 | 06:32:53 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu… Để sớm hiện thực hóa mục tiêu này, Quảng Ninh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Nhằm cụ thể hóa những mục tiêu trên, Quảng Ninh đã hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tỉnh sẽ duy trì tăng trưởng trong những lĩnh vực nền tảng hiện có, tuy nhiên sẽ đầu tư mạnh mẽ theo hướng xanh hóa, tăng năng suất, dịch chuyển sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và tập trung phát triển kinh tế biển. Trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới sẽ dựa trên các ngành: Chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; du lịch bền vững, đẳng cấp; sản xuất năng lượng sạch hơn; khai khoáng thân thiện hơn với môi trường; dịch vụ vận tải, logistics…
Hiện nay, tỉnh đang chuyển đổi từ quy hoạch phát triển khu công nghiệp theo tư duy truyền thống sang phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” với yêu cầu gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa và đô thị hóa, giữa công nghiệp hóa với bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn, giữa công nghiệp hóa, đô thị hóa với nâng cao chất lượng sống của người dân, nhất là dân nhập cư đô thị. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển theo đúng quy hoạch, bước đầu đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, cơ khí chế tạo, lắp ráp linh kiện, thiết bị điện, điện tử, ô tô, sản phẩm quang năng… Năm 2023, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghệ chế biến chế tạo đạt 19,19%; thu hút vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 115.149 tỷ đồng. Riêng quý I/2024, thu hút đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14.989 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực du lịch, đến nay tỉnh đã đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn để tạo ra những bước phát triển đột phá mang bản sắc riêng, như: Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, Công viên Đại Dương, Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Công viên hoa Hạ Long... Cùng với đó, tỉnh còn tăng cường mở rộng, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu, có tiềm lực kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, như Sun Group, Vingroup,... với nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế, giúp nâng tầm du lịch Quảng Ninh. Năm 2023, ngành du lịch tỉnh đạt kỷ lục mới khi thu hút trên 15,5 triệu lượt du khách. Riêng quý I/2024, Quảng Ninh đón gần 5,4 triệu lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Song song với việc phát triển kinh tế, tỉnh còn làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay, hầu hết các nhà máy trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải, làm tốt công tác xử lý chất thải rắn. Tất cả khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo đảm thu gom toàn bộ nước thải phát sinh, đã có phương án ứng phó và khắc phục sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung. Quảng Ninh là một trong số ít địa phương ban hành quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè, giàn có sử dụng phao nổi.
Hiện nay, tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, đồng thời giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường.
Với quyết tâm cao và triển khai đồng bộ các giải pháp đã và đang giúp Quảng Ninh có bước chuyển mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới mô hình tăng trưởng xanh, bền vững. Qua đó, giúp tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước các chỉ tiêu bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch, nhà đầu tư.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()