Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 20:23 (GMT +7)
Quảng Ninh trong bầu cử Quốc hội khoá đầu tiên
Chủ nhật, 27/08/2023 | 12:06:28 [GMT +7] A A
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời (2/9/1945), để tăng cường sức mạnh của nhà nước cách mạng, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân chống thù trong, giặc ngoài, đồng thời khẳng định ý chí độc lập, tự do của dân tộc, Chính phủ đã ban hành sắc lệnh tổng tuyển cử trong cả nước Việt Nam. Cùng với cả nước, Quảng Ninh bước vào một giai đoạn lịch sử mới.
Cuộc vận động bầu cử ở Quảng Ninh khi đó diễn ra rất quyết liệt trước sự phá hoại điên cuồng của bọn tay sai thân Tưởng là Việt Quốc, Việt Cách. Ở Quảng Yên, đặc khu Hòn Gai, chúng cũng đưa người ra tranh cử. Chúng rải truyền đơn, nói xấu Việt Minh. Ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên, Tiên Yên… cuộc bầu cử đã thực sự là cuộc biểu dương lực lượng của nhân dân đấu tranh chống lại các lực lượng thù địch, khuếch trương tính ưu việt của chế độ. Chính quyền và các đoàn thể ở địa phương vừa giới thiệu những đại biểu xứng đáng, có đức, có tài, đại diện cho mình ra ứng cử, vừa vạch trần bộ mặt phản dân, hại nước của bọn tay sai Tưởng.
6h ngày 6/1/1946 - ngày diễn ra tổng tuyển cử trong cả nước, khắp nơi trong tỉnh Quảng Yên, đặc khu Hòn Gai và nhiều vùng của tỉnh Hải Ninh (kể cả một số vùng còn bị kẻ thù kìm kẹp), nhân dân nô nức đến các khu vực bỏ phiếu để bầu cử. Đường phố, thôn xóm rợp cờ đỏ sao vàng.
Ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, số cử tri đi bầu đạt 80-90%.
Ở các huyện của tỉnh Hải Ninh, có tới 70% cử tri đi bỏ phiếu. Những người do Mặt trận Việt Minh giới thiệu ra ứng cử đã đạt số phiếu cao từ 80-90%.
Kết quả là nhân dân tỉnh Quảng Yên và tỉnh Hải Ninh đã bầu được 6 đại biểu vào Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, đó là Trần Danh Tuyên, Trịnh Tam Tỉnh, Lê Văn Cơ (tỉnh Quảng Yên), Nguyễn Hiền, Hoàng Mậu Thành, Hoàng Văn Hà (tỉnh Hải Ninh).
Hiện nay, bên cạnh trụ sở phường Quảng Yên (thị xã Quảng Yên) có một ngôi nhà cũ kỹ, bên trong còn nguyên dấu kiến trúc thời Pháp. Đó là nhà của bác sĩ Lê Văn Cơ, đại biểu Quốc hội khoá I tỉnh Quảng Yên. Đặc biệt, trong nhà còn lưu giữ được thẻ đại biểu Quốc hội của bác sĩ Cơ cùng nhiều vật dụng gắn liền với cuộc đời hoạt động trong vai trò Đại biểu Quốc hội của bác sĩ Lê Văn Cơ từ năm 1946-1960.
Sau bầu cử Quốc hội, giữa năm 1946, nhân dân các dân tộc tỉnh Hải Ninh, Quảng Yên, đặc khu Hòn Gai lại sôi nổi đi bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, huyện và hội đồng nhân dân tỉnh. Uy tín của Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh làm bọn tay sai Tưởng lo sợ. Chúng bí mật đưa hàng trăm tên về gây bạo loạn ở Hòn Gai. Theo Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 giữa Chính phủ ta và Pháp, quân đội Tưởng phải rút về nước khiến bọn tay sai phải cuốn gói theo.
Tại Hải Ninh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã đấu tranh với chính quyền Tưởng Giới Thạch buộc chúng phải trao trả chủ quyền ở Hải Ninh cho ta. Uỷ ban Hành chính lâm thời tỉnh Hải Ninh được củng cố nhưng công việc xây dựng và bảo vệ chính quyền ở đây còn nhiều khó khăn, chính quyền thực chất chỉ mang tính đối ngoại.
Ngày 6/8/1946, chi bộ Đảng đầu tiên của Hải Ninh gồm 5 đảng viên được thành lập và sau đó chi bộ được công nhận là Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Hải Ninh. Cùng thời gian này, Uỷ ban Hành chính tỉnh Hải Ninh được thành lập với chức năng được quy định đầy đủ của một cơ quan chỉ đạo hành chính cấp tỉnh. Như vậy lúc này ở Hải Ninh tồn tại song song hai Uỷ ban Hành chính cấp tỉnh, một đặt trụ sở tại Móng Cái, một đặt trụ sở tại huyện Đình Lập, trong đó, chính quyền ở huyện Đình Lập mới là cơ quan quyền lực thực sự của nhân dân. Đây là nét độc đáo của Hải Ninh những ngày đầu cách mạng.
Như vậy, đến hết tháng 8/1946, trừ hai huyện Hà Cối, Ba Chẽ và quần đảo Cô Tô còn bị tàn quân Pháp và phỉ chiếm đóng, tất cả các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh khi ấy đã được giải phóng và có chính quyền cách mạng của nhân dân bầu cử ra.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()