Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:15 (GMT +7)
Quảng Ninh trồng cây theo lời Bác dạy
Thứ 7, 27/01/2024 | 11:20:37 [GMT +7] A A
Chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh. Hàng loạt những giải pháp mang tầm chiến lược được Quảng Ninh xây dựng và triển khai, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển nông, lâm nghiệp, quyết tâm cải thiện môi trường thông qua việc tổ chức Tết trồng cây, trồng, bảo vệ và phát triển rừng bài bản, có hiệu quả.
Thấm nhuần tinh thần trồng cây gây rừng của Bác Hồ, nhiều năm qua, trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, các đơn vị ngành Than đều đồng loạt phát động Tết trồng cây, thi đua trồng cây xanh trên các bãi thải, các khai trường, công trường.
Tại bãi thải Nam Khe Tam, thuộc Công ty CP Than Đèo Nai, nếu trước đây là một quả núi đất đá thải khổng lồ hàng ngày phát tán bụi đất xuống đô thị Hạ Long thì nay là cánh rừng xanh mát.
Những bãi thải mỏ sừng sững đất đá bao vây các đô thị Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều nhờ chủ trương chú trọng phát triển rừng đã nhanh chóng được phủ màu xanh của rừng, nâng cao chất lượng môi trường. Công ty CP Than Đèo Nai đã tổ chức trồng rừng phủ xanh 4 bãi thải (Nam Khe Tam, Nam Đèo Nai, Đông Khe Sim và bãi thải Lộ Trí). Tổng diện tích khoảng 700ha. Cây xanh giúp cho các bãi thải ổn định nền địa chất, tạo thảm thực vật xanh mát, giảm tình trạng trôi, lở, xói mòn đất, giảm phát tán bụi, góp phần bảo vệ môi trường và cảnh quan.
Các bãi thải lớn của các công ty Than Núi Béo, Hà Lầm, Uông Bí, Mạo Khê… cũng được phủ xanh rừng. Quảng Ninh đã nhanh chóng chấm dứt ảnh hưởng của các bãi thải mỏ ra môi trường.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), tính đến hết năm 2023, đã trồng được 1.800ha cây xanh. Năm 2024 này, mục tiêu của TKV là trồng 130ha cây xanh, đảm bảo phủ kín các vị trí bãi thải đã dừng hoạt động và khu vực khai trường có lượng phát thải lớn.
Cùng với hoạt động trồng cây hoàn nguyên môi trường, phủ kín các bãi thải mỏ, tỉnh Quảng Ninh chủ trương trồng phát triển rừng gỗ lớn. Chủ trương này được hiện thực hoá từ các Tết trồng cây đầu năm đến những nghị quyết, chính sách dành cho cây bản địa, cây lim, giổi, lát. Đây là những loại cây, loại rừng được đánh giá phù hợp lập địa Quảng Ninh, có tính bền vững và giá trị kinh tế, giá trị về môi trường cao, có ưu thế để làm giàu rừng, nâng cao chất lượng của rừng.
Tết trồng cây năm 2021, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đưa ra mục tiêu đến năm 2025 trồng mới được 5.000ha lim, giổi, lát. Tỉnh cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp trồng rừng lim, giổi, lát trong diện tích rừng sản xuất.
Cánh rừng giổi tại lưu vực hồ Khe Táu do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên trồng trong dịp Tết trồng cây năm 2022. Do được chăm sóc đúng quy trình, cây giổi phát triển tốt, tăng trưởng nhanh, không bị sâu bệnh, góp phần tăng khả năng giữ đất, giữ nước, tạo nguồn sinh thuỷ.
Từ chủ trương trúng, đúng, đã nhanh chóng lan toả trong các tầng lớp nhân dân, đơn vị, doanh nghiệp, cùng chung tay trồng rừng lim, giổi, lát. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã trồng mới trên 3.500ha rừng lim, giổi, lát, đưa Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của toàn quốc trồng rừng lim tập trung và có rừng lim trong diện tích rừng sản xuất.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong giai đoạn 2021-2023, dịp Tết trồng cây đầu năm, toàn tỉnh đã trồng được hơn 6,3 triệu cây, gồm hơn 4,5 triệu cây trồng tập trung (tương đương 2.414ha) và 1,7 triệu cây trồng phân tán. Đến thời điểm này, cây trồng đều được chăm sóc, bảo vệ, sinh trưởng, phát triển tốt.
Việc Quảng Ninh triển khai tốt Tết trồng cây đã góp phần đẩy nhanh lộ trình thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” cũng như góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các Tết trồng cây cũng giúp Quảng Ninh nhanh chóng nhân lên những cánh rừng xanh. Hiện Quảng Ninh đang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên 434.700ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của tỉnh. Tỉ lệ che phủ rừng của Quảng Ninh là 55%. Kết quả này đưa Quảng Ninh trở thành địa phương đứng thứ 18 cả nước về diện tích rừng, đứng thứ 14 cả nước về tỷ lệ che phủ rừng.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()