Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 16:23 (GMT +7)
Quảng Ninh trong giai đoạn từ 1946-1963
Chủ nhật, 01/10/2023 | 09:06:00 [GMT +7] A A
Giai đoạn 1946-1963, địa giới hành chính của tỉnh Quảng Yên, tỉnh Hải Ninh liên tục có sự sáp nhập, chia tách.
- Năm 1946 (Bính Tuất):
Ngày 19/7/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 269 NV-NĐ “...Tạm lập tại tỉnh Quảng Yên Khu đặc biệt Hòn Gai chịu sự điều khiển, kiểm soát trực tiếp của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ. Khu đặc biệt Hòn Gai gồm châu Cẩm Phả và 6 thị xã: Cẩm Phả Bến, Cẩm Phả Mỏ, Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gai, Bãi Cháy” (châu Cẩm Phả gồm cả đảo Cái Bầu, phố Ba Chẽ).
Ngày 21/9/1946, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Hải Ninh công bố thành lập châu Hải Chi. Ngày 4/10/1946, Ủy ban Kháng chiến châu Hải Chi ra mắt trong cuộc mít tinh ở làng Dạ, nay thuộc xã Thanh Lâm (chưa tìm được văn bản gốc).
Tháng 11/1946, cả nước chia thành 12 khu hành chính và quân sự (sau thường gọi là chiến khu). Tỉnh Hải Ninh thuộc Khu XII (Trong Khu XII còn có các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh). (Tỉnh Quảng Yên thuộc chiến khu III).
- Năm 1947 (Đinh Hợi):
Tháng 3/1947, Bộ Nội vụ ra nghị quyết sáp nhập Khu đặc biệt Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên thành liên tỉnh Quảng Hồng.
Ngày 9/7/1947, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng ra Quyết nghị số 99 NV/NĐ “Để các phủ, huyện Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh, Đông Triều (Tỉnh Hải Dương) Thủy Nguyên (tỉnh Kiến An) và Khu đặc biệt Hòn Gai thuộc quyền điều khiển của Ủy ban hành chính và Ủy ban Kháng chiến tỉnh Quảng Yên”.
Tháng 7/1947, Khu ủy XII ra nghị quyết chuyển huyện Lộc Bình từ tỉnh Lạng Sơn về tỉnh Hải Ninh.
Tháng 9/1947, Ủy ban Kháng chiến Hành chính (UBKC-HC) Liên khu I ra nghị định tách các xã phía tây huyện Sơn Động cùng các xã phía đông bắc phủ Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thành lập châu Lục - Sơn - Hải thuộc liên tỉnh Quảng Hồng.
Ngày 25/11/1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 265-SL sáp nhập tỉnh Quảng Yên vào Chiến khu XII.
- Năm 1948 (Mậu Tý):
Ngày 25/01/1948, hợp nhất các chiến khu thành các liên khu (Bắc Bộ có các liên khu I, III, X). Tỉnh Quảng Hồng và tỉnh Hải Ninh thuộc Liên khu I.
Ngày 25/8/1948, Chính phủ ra Sắc lệnh số 237-SL “chuyển huyện Thủy Nguyên (thuộc tỉnh Kiến An) và huyện Nam Sách (thuộc tỉnh Hải Dương) trước sáp nhập vào Liên khu I nay lại để thuộc Liên khu III và các tỉnh cũ”.
Ngày 16/12/1948, UBKC-HC Liên khu I ra Quyết định số 420PC/1 “tách khu Hòn Gai ra khỏi địa giới tỉnh Quảng Hồng và đặt thành một đơn vị kháng chiến hành chính đặc biệt, gọi là Khu đặc biệt Hòn Gai. Tỉnh Quảng Hồng nay lấy lại tên cũ là tỉnh Quảng Yên. Khu đặc biệt Hòn Gai đặt dưới quyền kiểm soát trực tiếp của UBKC-HC Liên khu I”.
Đến đây, tỉnh Quảng Yên có các huyện: Yên Hưng, Cát Hải, Hoành Bồ, Đông Triều, Chí Linh, Kinh Môn và Lục - Sơn - Hải.
Khu đặc biệt Hòn Gai (gọi tắt là Đặc khu Hòn Gai) gồm: thị xã Hòn Gai, thị xã Cẩm Phả và huyện Cẩm Phả.
- Năm 1949 (Kỷ Sửu):
Ngày 21/01/1949, UBKC-HC Liên khu I ra Quyết định số 46CP/1 công nhận huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên gồm các xã: Đoàn Kết, gồm 3 xã cũ (Yên Thổ, Vũ Oai, Lưỡng Kỳ); Cộng Hòa, gồm 3 xã cũ (Xính Thổ, Giang Võng, Đá Trắng); Lê Lợi, gồm 3 xã cũ (Yên Mỹ, Từa Xá, Trí Xuyên); Việt Hưng, gồm 6 xã cũ (Vạn Yên, Đồng Đăng, Nghĩa Lộ, Tiêu Dao, Đại Đán, An Tiêm); Tân Dân, gồm 2 thôn cũ (Ngọc Kệ, Tào Khê); Dân Chủ, gồm 1 xã cũ Tân Ốc; Sơn Dương; Quảng La; Bằng Cả; Dương Huy Động.
Ngày 12/3/1949, Chính phủ ra Sắc lệnh số 13-SL chuyển huyện Kinh Môn từ tỉnh Quảng Yên Liên khu I về tỉnh Hải Dương, Liên khu III.
Ngày 21/4/1949, UBKH-HC Liên khu I ra Quyết định số 217 PC/4 hợp nhất hai xã Ngọc Lâm và Hoàng Quế thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Yên thành một xã lấy tên là xã Phạm Hồng Thái.
Ngày 7/6/1949, Chính phủ ra Sắc lệnh số 48-SL “tạm thời tách huyện Lộc Bình khỏi tỉnh Hải Ninh, sáp nhập vào tỉnh Lạng Sơn”.
Ngày 19/7/1949, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng ra Nghị định số 142-NV-3 “Đặc khu Hòn Gai thành một đơn vị kháng chiến hành chính riêng thuộc Liên khu I”.
Ngày 16/8/1949, UBKC-HC Liên khu I ra Quyết định số 572PC/2 ấn định địa giới Đặc khu Hòn Gai gồm: 03 thị xã: Hòn Gai, Cẩm Phả Mỏ, Cẩm Phả Bến; 04 phố: Bãi Cháy, Hà Tu, Hà Lầm, Mông Dương; 01 huyện Cẩm Phả gồm 12 xã: Hồng Thanh, Vân Hải, Minh Châu, Tam Khê, Thi Đua, Thụy Hà, Tràng Xá, Đoàn Kết, Lương Hà, Hạ Long, Đông Hà, Xuyên Yên.
Ngày 5/10/1949, UBKH-HC Liên khu I ra Quyết định số 911PC/2 tách huyện Hoành Bồ ra khỏi tỉnh Quảng Yên để nhập vào Đặc khu Hòn Gai.
Ngày 4/11/1949, Chính phủ ra Sắc lệnh số 127-SL hợp nhất Liên khu I và Liên khu X thành Liên khu Việt Bắc.
Ngày 7/11/1949, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng ra Nghị định số 369-NV (trước đó Liên khu I đã ra quyết định “Sáp nhập huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên vào Đặc khu Hòn Gai”).
- Năm 1950 (Canh Dần)
Ngày 4/3/1950, Chính phủ ra Sắc lệnh số 31-SL “Trả lại tỉnh Kiến An (Liên khu III) huyện Thủy Nguyên hiện sáp nhập vào tỉnh Quảng Yên (Liên khu Việt Bắc)”.
Ngày 25/7/1950, Liên khu Việt Bắc ra Quyết định số 664-P3 “Sáp nhập các xã Hoa kiều thuộc tổng Bát Trang, huyện Móng Cái, các xã Hoa kiều ở huyện Đầm Hà và các xã Hoa kiều thuộc huyện Hà Cối thành một khu Hoa kiều thuộc tỉnh Hải Ninh”.
- Năm 1951 (Tân Mão)
Ngày 12/2/1951, UBKC-HC tỉnh Hải Ninh ra Quyết định số 255/PC-TC trả lại cho huyện Móng Cái các xã Hoa kiều thuộc tổng Bát Trang.
Hợp nhất 2 huyện Hải Chi và Định Lập thành huyện Định Hải (chưa tìm được văn bản quyết định).
- Năm 1952 (Quý Tỵ):
Ngày 13/4/1953, Chính phủ ra Sắc lệnh số 669-SL “Lập xã Tân Mộc huyện Sơn Động”.
- Năm 1954 (Giáp Ngọ):
Ngày 12/01/1954, Chính phủ ra nghị định số 115-NĐ chuyển huyện Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An về tỉnh Quảng Yên.
Chia huyện Định Hải thành 2 huyện: Ba Chẽ, Định Lập (chưa tìm thấy văn bản gốc).
- Năm 1955 (Ất Mùi):
Ngày 1/2/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 448-TTg tái lập thị xã Tiên Yên trực thuộc tỉnh Hải Ninh. Thị xã Tiên Yên gồm khu phố Tiên Yên và thôn Thác Đón.
Ngày 22/2/1955, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 221-SL “Thành lập khu Hồng Quảng đặt dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ trung ương”. Khu Hồng Quảng gồm Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên (trừ các huyện Sơn Động, Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh).
- Năm 1956 (Bính Thân):
Ngày 11/2/1956, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 257-SL chuyển huyện Thủy Nguyên thuộc khu Hồng Quảng về tỉnh Kiến An.
Ngày 2/3/1956, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 192-TCCB chia xã Song Huy huyện Hoành Bồ thành 4 xã: Đồng Quặng, Lưỡng Kỳ, Hòa Bình, Dương Huy.
Ngày 5/6/1956, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 647-TCCB cắt thôn Đại Đán thuộc xã Việt Hưng, huyện Hoành Bồ để nhập vào xã Minh Thành, huyện Yên Hưng.
- Năm 1957 (Đinh Dậu)
Ngày 16/1/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 84-TCCB sáp nhập 2 thị xã Cửa Ông, Cẩm Phả lấy tên là thị xã Cẩm Phả (bỏ tên Cẩm Cửa theo Quyết định số 24-TCCB ngày 03/1/1957 của UBHC khu Hồng Quảng).
Ngày 6/3/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 336-TCCB chia xã Vân Hải thuộc huyện Cẩm Phả thành 4 xã: Xã Quan Lạn gồm thôn Quan Lạn; Xã Bản Sen gồm 3 thôn: Động Linh, Điền Xá, Bản Sen; Xã Ngọc Vừng; Xã Minh Châu gồm 4 xóm (xóm Mương, xóm Trong, xóm Giữa, xóm Ngoài).
Ngày 8/4/1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 143-TTg đặt tỉnh Hải Ninh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ Trung ương (trước đó thuộc Liên khu Việt Bắc, từ 1/7/1956 là Khu tự trị Việt Bắc).
Ngày 6/7/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 965-TCCB sáp nhập thôn Bùi Xá, xã Hoàng Xá vào xã Tiền An cùng huyện Yên Hưng.
Ngày 17/8/1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 374-TTg đổi thị xã Tiên Yên thành thị trấn Tiên Yên (trực thuộc UBHC huyện Tiên Yên).
Ngày 2/10/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 2159-TCCB quy định địa dư các xã thuộc thị xã Cẩm Phả: Xã Quang Hanh gồm các thôn (Cái Hanh, Đá Hang, thôn Đình, thôn Áng); xã Tam Hợp gồm các thôn (Đá Chồng, Hòn Một, Rừng Thông); xã Cẩm Bình gồm các thôn (thôn Tây, thôn Đông, thôn Hòn Một); xã Thái Bình gồm các thôn (Cọc Sáu, Cọc Ba, Lán Công Nhân).
- Ngày 8/10/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 2193-TCCB chia xã Yên Thanh, huyện Yên Hưng thành 2 xã: Xã Yên Trung gồm các thôn (Bí Thượng, Bí Trung, Tân Lập, Cửa Ngăn); Xã Yên Thanh gồm các thôn, xóm (Thôn Điền Công, thôn Lạc Trung, thôn Lạc Thanh, thôn Đồng Lối, thôn Bí Giàng, xóm Khe Cát, xóm Dương Ca).
Ngày 5/11/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 2435-TCCB đổi tên xã Hoàng Xá, huyện Yên Hưng thành xã Hoàng Tân.
Ngày 12/12/1957, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 7622-TCCB thành lập xã Vạn Hoa thuộc huyện Cẩm Phả. Xã Vạn Hoa gồm phố Vạn Hoa và một số dân đánh cá thuộc xã Vạn Yên.
- Năm 1958 (Mậu Tuất)
Ngày 17/6/1958, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 302-TTg “Sáp nhập xã Thành Công, huyện Hoành Bồ vào thị xã Hòn Gai, khu Hồng Quảng".
Ngày 28/7/1958, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 240-NV đổi tên 7 xã thuộc huyện Móng Cái, tỉnh Hải Ninh: Xã Xuân Lạn Nam đổi thành xã Xuân Lan; xã Xuân Lạn Nùng đổi thành xã Xuân Hải; xã Xuân Lạn Nội đổi thành xã Xuân Hòa; xã Vĩnh Thực Nam đổi thành xã Vĩnh Thực; xã Vĩnh Thực Nùng đổi thành xã Vĩnh Trung; xã Quất Đông nam đổi thành xã Quất Đông; xã Quất Đông Nùng đổi thành xã Dân Tiến.
Ngày 2/10/1958, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định số 4532-TCCB chia xã Việt Dân huyện Đông Triều thành 2 xã: xã Việt Dân gồm các thôn: Đông Khê Thượng, Đông Khê Hạ, Đông An và các trại Đông Ý, Phúc Thị, Cửa Phúc; xã Tân Phúc gồm các thôn: Tân Lập, Phúc Đa, Hổ Lao, Cái Trai, Đồng Tranh.
- Năm 1959 (Kỷ Hợi):
Ngày 28/1/1959, Chủ tịch nước ra Sắc lệnh số 005-SL trả huyện Đông Triều thuộc khu Hồng Quảng về tỉnh Hải Dương.
Ngày 11/5/1959, UBHC khu Hồng Quảng ra Quyết định 423-TCCB chia xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ thành 2 xã: xã Bằng Cả gồm các thôn Đồng San, Đồng Cóc; xã Quảng La gồm thôn Quảng La.
- Năm 1961 (Tân Sửu):
Ngày 17/5/1961, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 69-CP tách các thôn Vạn Nho, Đại Đán, Yên Cư ra khỏi xã Minh Thành, huyện Yên Hưng lập thành xã Đại Yên thuộc huyện Hoành Bồ.
Ngày 27/10/1961, Quốc hội Khóa II Kỳ họp thứ 3 ra Quyết định “ Phê chuẩn việc sáp nhập huyện Đông Triều thuộc tỉnh Hải Dương vào khu Hồng Quảng".
Ngày 28/10/1961, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 181-CP: Thành lập thị xã Uông Bí trực thuộc khu Hồng Quảng. Thị xã Uông Bí gồm có xã Uông Bí cũ, cảng Điền Công và hai thôn Lạc Trung, Đồng Lối của xã Yên Thanh, huyện Yên Hưng; Tách thôn Điền Công của xã Yên Thanh lập thành một xã riêng là xã Điền Công trực thuộc huyện Yên Hưng.
- Năm 1963 (Quý Mão): Ngày 13/5/1963, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 105-NV phê chuẩn việc chia xã Hùng Thắng thuộc thị xã Hòn Gai thành hai xã: Xã Hùng Thắng có các thôn (Cửa Vạn, Cặp Dè, Cặp La, Lán Bè, Bến Than, Cọc Năm); xã Tân Hải có thôn Quảng Đông.
Liên kết website
Ý kiến ()