Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 16/12/2024 22:08 (GMT +7)
Thu hẹp chênh lệch khoảng cách phát triển vùng, miền Bài 1: Hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối
Thứ 2, 28/08/2023 | 12:40:37 [GMT +7] A A
Thực hiện chiến lược phát triển KT-XH, những năm qua, Quảng Ninh không chỉ tập trung khai thác, phát huy tốt yếu tố nội lực mà còn tăng cường thúc đẩy, khai thác hiệu quả hợp tác liên kết vùng, kết nối miền núi với miền xuôi... Điều này đã góp phần hình thành hệ thống hạ tầng liên thông, tổng thể, đồng bộ, góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí, dàn trải.
Giao thông đi trước mở đường
Giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế, có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… luôn cho thấy lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, ổn định và bền vững. Đó là quan điểm kế thừa, xuyên suốt của Quảng Ninh trong nhiều năm qua, kể từ khi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng năm 2011 đã đề ra Chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm là tập trung thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng), chìa khóa quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Với quan điểm "3 không" (không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm), Quảng Ninh đã sớm nhận định được những mâu thuẫn, thách thức, “nút thắt” do hạ tầng giao thông… để tìm cách gỡ bỏ. Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh được trung ương xác định là một đỉnh của tam giác kinh tế phía Bắc. Tuy nhiên, với những người đã từng đến, sống ở Quảng Ninh thời kỳ đầu thế kỷ 21 đều biết rằng, hạ tầng giao thông Quảng Ninh khá đơn điệu và sơ sài, ngăn cách và tốn nhiều thời gian trong mỗi hành trình di chuyển giữa các khu vực.
Để cởi bỏ “nút thắt” về hạ tầng giao thông, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp Quảng Ninh đã tìm tòi con đường đi riêng cho mình bằng những ý tưởng táo bạo, riêng có, dùng đầu tư công như vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội hướng tới mục tiêu phát triển. Tư duy "có đại lộ là có đại phú", năm 2012, tỉnh đề xuất và mạnh dạn thể nghiệm về thể chế bằng việc đề xuất với Chính phủ tự làm đường cao tốc, sân bay quốc tế và cảng biển chuyên dụng với những lý lẽ thuyết phục, chứng minh nguồn tài chính và đã được Chính phủ chấp thuận. Một tiền lệ chưa từng có trong ngành GT-VT Việt Nam khi đây là hạng mục công trình do Chính phủ đầu tư. Năm 2014 khởi động cho chuỗi các dự án giao thông động lực, trọng điểm được bắt đầu khi cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc đường bộ đầu tiên của tỉnh được khởi công xây dựng.
Chỉ sau chưa đầy 10 năm, lần lượt là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách chuyên biệt Hạ Long đại diện cho cánh cửa bầu trời và cánh cửa đại dương nối thẳng với thế giới cũng được đầu tư đồng bộ, đi kèm là những giá trị cảnh quan hiện đại, đẳng cấp, kết nối liên thông tổng thể cùng trục cao tốc đường bộ. Quảng Ninh cũng đã hoàn thành trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km, trở thành cửa ngõ cao tốc đường bộ đầu tiên nối thẳng Việt Nam, ASEAN với thị trường hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc. Trục cao tốc được ví như mạch máu của sự phát triển khi kết nối đến hầu khắp các trung tâm kinh tế, du lịch, khu công nghiệp và đô thị của tỉnh trong tổng thể liên thông, đồng bộ, rút ngắn về khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển. Quảng Ninh đã trở thành tỉnh sở hữu đa dạng, đồng bộ và nhanh nhất cả nước về phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông ở cả 3 loại hình là đường bộ, đường hàng không và đường biển.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông và thúc đẩy liên kết vùng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Quảng Ninh. Đây chính là động lực quan trọng để tăng trưởng, hình thành chuỗi kết nối kinh tế. Do vậy, với vai trò "đi trước, mở đường" của giao thông, để khai thác lợi thế về vị trí chiến lược của tỉnh, rút ngắn thời gian đi lại giữa các khu vực, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền… Quan điểm của tỉnh là tiếp tục tạo đột phá bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tại tất cả các địa phương trong và ngoài tỉnh. Điều này sẽ hình thành chuỗi giá trị liên kết, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Khẳng định trung tâm kết nối vùng
Với hạ tầng đồng bộ ở cả 3 lĩnh vực là đường hàng không, đường biển và đường bộ, có lẽ chưa bao giờ việc đi lại, kết nối giữa các khu vực và quốc tế đến với Quảng Ninh và ngược lại lại thuận lợi và nhanh như hiện nay. Chỉ cần 4 giờ bay, các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản có thể đến Hạ Long bằng những chuyến bay charter thông qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Nhìn lại 3 năm đại dịch Covid-19 sân bay là một trong 3 địa điểm quan trọng được Chính phủ lựa chọn để thực hiện trọng trách quốc gia, đón trên 5 vạn chuyên gia, lao động quốc tế và người Việt Nam từ nước ngoài về nước. Trong đó đã có những chuyến bay thẳng, lần đầu tiên có từ Mỹ - đất nước cách chúng ta nửa vòng trái đất đến với Vân Đồn. Trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo do dịch bệnh và khẩn trương đó, Vân Đồn đối với người Việt là sân bay của “nghĩa đồng bào”. Trong giai đoạn bình thường mới, sân bay là cửa ngõ quốc tế quan trọng, gắn kết với chuỗi các dự án giao thông trọng điểm, các sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Cùng với sân bay, việc Quảng Ninh đưa trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km vào khai thác đã trở thành công trình giao thông quan trọng nhất hiện nay ở tỉnh. Thay vì 3,5 giờ để đi từ Thủ đô Hà Nội đến Hạ Long và 6 giờ để đến TP Móng Cái trước đây, thì nay thời gian di chuyển chỉ bằng 1/2. Tuyến đường được ví như trục xương sống quan trọng góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực trong tỉnh (thời gian - tài sản quý giá nhất của con người) mà còn là tuyến giao thông trọng điểm của cả vùng. Cũng bởi vậy, ngay trong giai đoạn hiện nay, các tỉnh liền kề như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng đều đang tích cực triển khai công trình cầu, đường kết nối với Quảng Ninh để cùng khai thác tuyến cao tốc. Đây cũng là động lực để hình thành trục cao tốc phía Đông kéo dài từ Hà Nội đến Móng Cái với sự tham gia của Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Chuỗi liên kết này sẽ giúp các khu vực trong và ngoài tỉnh phá được rào cản bất lợi trong phát triển, nâng cao vị thế trong khu vực và cả nước, tác động mạnh tới giao thương, vận tải hàng hoá, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân... Rút ngắn khoảng cách giao thông góp phần làm giảm cước phí vận tải, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển. Quảng Ninh đã đưa biển đến gần hơn với Lạng Sơn để giao lưu du lịch; đưa cửa khẩu quốc tế gần hơn với Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương để phát triển các ngành công nghiệp và trở thành vùng hậu cần logistics bền vững cho công nghiệp cảng biển Hải Phòng vốn đang rất chật hẹp.
Những công trình liên kết vùng của Quảng Ninh đang rất phù hợp, trở thành yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết giữa các vùng kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Điều này đang đúng với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng, góp phần tháo dỡ rào cản cho các địa phương trong khu vực cùng phát triển, kết nối miền núi với miền xuôi. Để từ đó liên kết kinh tế vùng sẽ giúp nhiều địa phương, nhất là vùng có điều kiện khó khăn, phát huy được tiềm năng, lợi thế và thu hẹp khoảng cách với những vùng phát triển hơn của đất nước, Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối liên vùng.
Bài 2: Động lực phát triển cho vùng khó
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()