Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:57 (GMT +7)
Xếp hạng cải cách hành chính: Quảng Ninh xác lập vững chắc vị trí quán quân
Thứ 5, 24/06/2021 | 19:01:56 [GMT +7] A A
Theo kết quả công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu cả nước ở bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020. Như vậy, Quảng Ninh đã xuất sắc đoạt vị trí quán quân 4 năm liên tiếp chỉ số PAR-INDEX và 2 năm liên tiếp chỉ số SIPAS. Kết quả này minh chứng cho nỗ lực đổi mới không ngừng trong công tác cải cách hành chính, tư duy đột phá trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, qua đó củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.
Vượt qua chính mình
Ngày 24/6, tại Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020 do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức, Quảng Ninh đồng thời được vinh danh là quán quân của cả 2 chỉ số này.
Trong đó, chỉ số PAR INDEX của Quảng Ninh đạt 91,04 điểm trên thang điểm 100, tăng 0,95 điểm so với năm 2019, cao hơn 0.53% so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Hải Phòng (đạt 90.51) và là một trong 2 địa phương nằm trong nhóm A (trên 90 điểm). Nếu như đối với chỉ số PAR INDEX, Quảng Ninh đã giữ vững được thành quả ngôi vị đứng đầu liên tiếp 4 năm liền thì sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tiếp tục tăng lên khi chỉ số SIPAS lần thứ 2 xướng tên Quảng Ninh ở vị trí cao nhất, với điểm số 95,76%, tăng 0,5% điểm so với năm 2019.
Kết quả xếp hạng chỉ số PAR INDEX và SIPAS năm 2020 tiếp tục mang đến bức tranh toàn diện về chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, khẳng định niềm tin của nhân dân với chính quyền và đặc biệt là sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; phản ánh chính xác, khách quan hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước của tỉnh, nhất là trong bối cảnh đặc biệt khó khăn do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Điểm nổi bật trong chỉ số PAR INDEX của Quảng Ninh năm 2020 là các chỉ số thành phần có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2019. Đáng chú ý nhất là chỉ số thành phần Tác động của CCHC đến người dân, doanh nghiệp (đạt 90,98) và chỉ số thành phần Cải cách thủ tục hành chính các tỉnh, thành phố (đạt 99,98) vươn lên vị trí cao nhất toàn quốc. Ngoài ra, các chỉ số thành phần Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính các tỉnh, thành phố và Cải cách tài chính công các tỉnh, thành phố cũng vươn lên trong tốp đầu cả nước. Còn đối với chỉ số SIPAS, các nội dung đánh giá tỷ lệ hài lòng về tiếp cận dịch vụ; thủ tục hành chính; công chức; kết quả giải quyết; tiếp nhận, giải quyết góp ý, kiến nghị, kiến nghị đều đạt điểm số từ 92,69% đến 98,34%. Các chỉ số quan trọng phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về sự phục vụ hành chính, như: Việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc; vấn đề bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực... của tỉnh đều ở mức thấp.
Chia sẻ đánh giá của mình về Quảng Ninh, các chuyên gia đều cho rằng, Quảng Ninh đã nỗ lực mạnh mẽ và đạt kết quả tốt trong CCHC, nâng cao chất lượng dịch vụ công và đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin – yếu tố nền tảng để thúc đẩy các chỉ số cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công khác. Chất lượng dịch vụ công của tỉnh đồng đều ở tất cả khía cạnh, yếu tố của quá trình cung ứng và kết quả dịch vụ công, từ tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức, kết quả dịch vụ đến việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức. Quảng Ninh đã chứng tỏ được chất lượng cũng như vị thế của mình thông qua bảng xếp hạng chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI cùng nhiều chỉ số đo lường về hiệu quả, hiệu lực của chính quyền địa phương. Kết quả đó cho thấy công tác CCHC của tỉnh có sự tiến bộ mang tính bền vững cao, thể hiện sự nhất quán, đồng bộ trong CCHC, trong chỉ đạo điều hành. Đây cũng là minh chứng rõ nét, sống động khẳng định cách làm đúng, hướng đi mới của tỉnh đã được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.
Như vậy, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Quảng Ninh đã thực hiện tốt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 là phấn đấu hàng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính (PAR IINDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Thành quả từ sự đổi mới, cải cách không ngừng
Kết quả Quảng Ninh đạt được hôm nay là trái ngọt của sự đồng tâm, nhất quán từ tư duy cho đến hành động. Trong những năm qua, nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình, cách làm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt với tư duy đổi mới, chủ động, sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân. Các nghị quyết, chỉ thị về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Quảng Ninh về nâng cao chất lượng quản trị hành chính công trên địa bàn tỉnh đã được cụ thể hóa bằng các kế hoạch hành động của UBND từ cấp tỉnh tới các địa phương, sở, ngành với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ, ý thức kỷ luật, kỷ cương.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thực hiện chủ động, quyết liệt. Nhiều mô hình mới đột phá được mạnh dạn thí điểm đã góp phần xây dựng đội ngũ CBCC có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ. Hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh đã tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn – nguồn động lực đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển.
Đặc biệt, trong bối cảnh mới với sự vận động, phát triển mới, cải cách hành chính tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển của tỉnh. Trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 lần đầu tiên 4 Chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI được đưa vào thành một chỉ tiêu phấn đấu thực hiện, như một sự cam kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Hiện thực hóa quyết tâm này, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung thực hiện cải cách quyết liệt, hiệu quả TTHC; thực hiện có hiệu quả nguyên tắc “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện; cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đến nay, trung bình các TTHC đưa vào Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được cắt giảm tới 45% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương; 74% TTHC được giải quyết theo quy trình "5 tại chỗ" ở cấp tỉnh và có 90-100% ở cấp huyện.
Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất, tỉnh tăng cường đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tăng tỷ lệ người dùng. Hiện, trên Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Quảng Ninh đã cung ứng 1.600 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hoàn thành tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia 555 thủ tục. Thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn, tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, đạt 99,7% ở cấp tỉnh và 99,9% ở cấp huyện.
Tỉnh cũng tích cực chủ động vào cuộc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Điển hình đã ban hành 4 gói kích cầu du lịch trị giá hàng trăm tỷ đồng, duy trì các chính sách ưu tiên, miễn giảm vé tham quan, lưu trú Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, khu di tích danh thắng Yên Tử trong 2 năm 2020, 2021. Bên cạnh đó, tỉnh quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính và điển hình nhất là có 73/92 kiến nghị của doanh nghiệp đã được giải quyết liên quan đến việc hỗ trợ về thuế, phí; đầu tư; vốn; nguồn lao động; hoạt động du lịch; thương mại; xuất nhập khẩu; đất đai; GPMB; bảo hiểm; xây dựng...
Những nỗ lực về CCHC đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đóng góp quan trọng vào hoàn thành "mục tiêu kép" vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa ổn định kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng và củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp với chính quyền tỉnh.
Có thể khẳng định chưa bao giờ người dân và doanh nghiệp lại đặt niềm tin và sự kỳ vọng vào tỉnh lớn như hiện nay. Đây vừa là nguồn lực, động lực cũng là áp lực để thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện chính quyền địa phương liêm chính, phục vụ, thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Quảng Ninh luôn xác định tinh thần không ngủ quên trên chiến thắng và luôn phải vượt qua chính mình. Với quan điểm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ mệnh lệnh sang phục vụ, kiến tạo, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản, xuyên suốt, lâu dài trong chiến lược xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu tại hội nghị công bố các chỉ số PAR-INDEX và Chỉ số SIPAS năm 2020, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với thực hiện đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược; xây dựng chính quyền liêm chính, thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hiện đại. Cùng với đó, ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tạo bước đột phá hiện đại hóa nền hành chính, ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng, hướng tới các cơ quan nhà nước “không giấy tờ”.
Nâng cao mức độ hài lòng, niềm tin của người dân và doanh nghiệp
Theo kết quả công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu cả nước ở bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020. Như vậy, Quảng Ninh đã xuất sắc đoạt vị trí quán quân 4 năm liên tiếp chỉ số PAR-INDEX và 2 năm liên tiếp chỉ số SIPAS. Kết quả này minh chứng cho nỗ lực đổi mới không ngừng trong công tác cải cách hành chính, tư duy đột phá trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, qua đó củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Đoàn Duy Hào, Phó Chánh Văn phòng, Sở Công Thương: Công tác CCHC đã có những bước tiến vững chắc, hiệu quả và có trọng tâm, trọng điểm
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt và sâu rộng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc tích cực đổi mới, cải cách hành chính của tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân giải quyết TTHC, nhất là thông qua hình thức trực tuyến. Cùng chung tay với tỉnh, ngành Công Thương cũng đã thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính liên quan đến các lĩnh vực của ngành. Trong đó, tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn thời gian làm thủ tục... Đồng thời, chú trọng công tác cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện hiệu quả chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai công tác CCHC theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả nhất.
Chị Nguyễn Ngọc Mai, thư ký Giám đốc Siêu thị Go! Hạ Long: Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Mỗi năm, siêu thị Go! Hạ Long có khoảng hơn 20 chương trình khuyến mãi, chưa kể phát sinh nhiều TTHC cần giải quyết tại cơ quan chức năng, nhất là vào đợt cao điểm cuối năm hay những khi siêu thị có chương trình khuyến mãi lớn, tôi thường phải chuẩn bị hồ sơ thông báo hoạt động khuyến mãi để gửi Sở Công thương. Để giải quyết những thủ tục này, tôi chỉ mất từ 5-10 phút sử dụng cổng dịch vụ trực tuyến dichvucong.quangninh.gov.vn là hoàn thành. Qua đó đã tiết kiệm rất nhiều chi phí cũng như thời gian đi lại. Giải quyết TTHC trực tuyến nếu sai thông tin sẽ được cán bộ của Sở Công Thương gửi thông báo để bổ sung, chỉnh sửa. Mọi khâu giải quyết đều rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Tôi mong rằng thời gian tới tỉnh cũng như các sở, ngành đơn vị tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
Ông Đặng Văn Quảng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch và Thương mại nụ cười Hạ Long (TP Hạ Long): Hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong thực hiện các TTHC
Tôi rất phấn khởi khi biết thông tin tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu cả nước về các chỉ số cải cách hành chính. Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền tỉnh trong công tác cải cách hành chính, nhất là trong năm 2020 - năm đặc biệt khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong thời điểm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, tỉnh Quảng Ninh và các sở, ngành đã kịp thời tiếp nhận và giải quyết các góp ý, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và có giải pháp hỗ trợ rất kịp thời. Không những vậy, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, doanh nghiệp chúng tôi vẫn tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, dễ dàng thông qua môi trường mạng; thời gian giải quyết rất nhanh chóng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Cùng với giải quyết thủ tục hành chính, tôi thấy rằng tỉnh Quảng Ninh cũng luôn tạo điều kiện tốt nhất để người dân, doanh nghiệp được nắm bắt, tiếp nhận thông tin một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trên nhiều lĩnh vực...
Chị Chìu Nhì Múi, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu: Nỗ lực, cầu thị, và không ngừng đổi mới mang đến sự hài lòng cho người dân
Trong năm vừa qua, tôi thấy thời gian giải quyết các thủ tục hành chính càng ngày càng nhanh, chính xác. Các cấp ngành, địa phương đã rất nỗ lực, cầu thị, và không ngừng đổi mới trong cải cách hành chính để mang đến sự hài lòng cho người dân. Đặc biệt như trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bộ máy hành chính, công quyền vẫn hoạt động rất hiệu quả. Khi đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của xã, cũng như Trung tâm hành chính công của huyện để làm các thủ tục về đất đai, tôi được các cán bộ tận tình hướng dẫn việc gửi hồ sơ qua môi trường mạng. Nhờ đó, tôi đã tự mình thực hiện và có thể nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm được thời gian, chi phí.
Ông Nguyễn Ngọc Nhi, khu phố 7, phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả): Tiếp tục cắt giảm thủ tục, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư nguồn lực xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện điều hành, quản lý các công việc và giải quyết TTHC cho tổ chức công dân. Các TTHC thường xuyên được các cấp, các ngành rà soát, bãi bỏ hoặc thay thế, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết và được công bố công khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công các cấp và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, phường, thị trấn. Điều này đã tạo nên tính minh bạch, khách quan giúp cho tổ chức, công dân dễ dàng tiếp cận các TTHC và giá dịch vụ đi kèm. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, góp phần xây dựng thành công mô hình chính quyền số tỉnh Quảng Ninh.
Thu Chung - Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()