Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 04:59 (GMT +7)
Trên quê hương cách mạng Hải Chi anh hùng
Thứ 4, 04/10/2023 | 13:21:33 [GMT +7] A A
Tô điểm thêm trang sử hào hùng của tỉnh Quảng Ninh, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ đã trải qua một thời đấu tranh anh dũng, kiên cường chống giặc ngoại xâm trước đây và cùng chung sức, đồng lòng đẩy lùi gian khó, phát huy tiềm năng thế mạnh từ kinh tế rừng để vươn mình trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Được bao bọc bởi những cánh rừng bạt ngàn, dòng sông, khe suối, địa thế hiểm trở, Ba Chẽ là vùng đất có vị trí quan trọng chiến lược giáp với cửa biển và nối liền với Hạ Long, Cẩm Phả thành một dải liên hoàn bao bọc lấy khu mỏ.
Những năm 1940-1945, trong lúc nhân dân cả nước đang tích cực chuẩn bị lực lượng để tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành độc lập thì nhân dân Ba Chẽ vừa chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, vừa phải đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân phong kiến. Ngày 2/9/1945, khi đồng bào cả nước hân hoan lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập thì đồng bào các dân tộc thuộc khu vực phía Bắc tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) trong đó có huyện Hải Chi (nay là huyện Ba Chẽ) vẫn tiếp tục đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.
Tháng 9/1945, ngoài ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Ba Chẽ chịu thêm áp lực của quân đội Tưởng tràn qua biên giới Việt - Trung kéo theo bọn Việt Cách do Vũ Kim Thành, Nguyễn Ái, Nghiêm Kế Tổ cầm đầu tràn vào Ba Chẽ và một số nơi trong tỉnh Hải Ninh.
Nằm trong khoảng giữa những trục đường giao thông huyết mạch của miền Đông Bắc, gồm: Đường số 4 phía Bắc, đường 18 phía Đông, đường số 13 ở phía Tây và Nam, Ba Chẽ vừa là cửa ngõ, là hành lang bảo vệ phía Đông Nam của chiến khu Việt Bắc. Chính vì vậy, thực dân Pháp đã tập trung một lực lượng khá đông, đồng thời kích động những cuộc tấn công của thổ phỉ và bọn phản động hoành hành chống phá cách mạng, lôi kéo nhân dân, mưu toan thiết lập chính quyền phản cách mạng.
Do đó, việc thành lập chính quyền cách mạng ở Ba Chẽ gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, chính quyền cách mạng ở huyện Hải Chi (nay là huyện Ba Chẽ) chính thức được thành lập ngày 4/10/1946. Chính quyền cách mạng Hải Chi đã vững vàng trước sóng to gió cả, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những thác ghềnh hiểm trở, gian nguy, lãnh đạo nhân dân Ba Chẽ tích cực kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hải Chi là bí danh của đồng chí Trần Ngôn Chi, còn gọi là Nguyễn Hải, sinh năm 1919, quê ở Hải Phòng, tham gia cách mạng từ khi mới 17 tuổi. Từ năm 1936 đến 1939, đồng chí làm công nhân Nhà máy Táp-bi Hàng Kênh và đã được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Đồng chí Hải Chi nhiều lần tham gia bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm.
Tháng 9/1939, đồng chí Hải Chi bị bắt và kết án 6 tháng tù giam tại Hoả Lò. Hết hạn tù, đồng chí không được Pháp thả tự do để về quê, mà bị đưa về quản chế tại Hưng Yên. Tại đây, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng cùng với các đồng chí Ban Cán sự Liên tỉnh B (gồm 6 tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An, Hải Phòng, Quảng Yên, Hải Ninh và khu mỏ Hồng Quảng). Đồng chí Hải Chi được đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, chỉ định tham gia Ban Cán sự Liên tỉnh B, đặc trách công tác Phật giáo yêu nước.
Đồng chí Hải Chi phát động tuyên truyền thanh niên xóm làng yêu nước căm thù đế quốc. Với công tác thực tế, đồng chí Hải Chi là một cán bộ tháo vát, luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng giao, bình tĩnh, sáng suốt, quả quyết.
Năm 1943, đồng chí Hải Chi bị Pháp bắt lần thứ hai ở Hải Dương và bị kết án 8 năm tù tại Hoả Lò. Trong thời gian ở tù, đồng chí vẫn tiếp tục đấu tranh tuyệt thực, chống chế độ hà khắc của thực dân. Ngày 9/3/1945, đồng chí Hải Chi vượt ngục về Kiến An tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau đó ít lâu, đồng chí được phân công ra làm Bí thư Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Quảng Yên.
Tháng 2/1946, đồng chí Hải Chi là trưởng Ban Cán sự tỉnh Quảng Yên lại được điều động làm Bí thư Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Hải Ninh phụ trách ra hoạt động ở địa bàn biên giới quan trọng này. Trên đường đi bằng thuyền trên Vịnh Hạ Long, do lộ bí mật, đoàn cán bộ đã bị bọn Việt Cách bắt giữ, chúng dùng mọi cực hình tra tấn dã man các đồng chí trong đoàn. Một số đồng chí đã hy sinh anh dũng. Đồng chí Hải Chi bị bọn Việt Cách giết hại. Theo lời kể của nhiều đồng đội, trước khi bị xử bắn, đồng chí Hải Chi không hề nao núng, vẫn động viên bạn tù và anh em quyết tâm làm cách mạng. Trước họng súng của kẻ thù, đồng chí vẫn hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!”.
Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Quảng Yên làm lễ truy điệu, đồng chí Hoàng Chính (tức Nguyễn Hồng Chương), Chủ tịch Uỷ ban Hành chính kháng chiến tỉnh Quảng Yên đã ra Hòn Gai tìm thi thể đồng chí Trần Ngôn Chi đưa về mai táng. Tháng 10/1946, chính quyền cách mạng của Ba Chẽ ra đời, đặt tên huyện là Hải Chi để tưởng nhớ người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Một năm sau đó, tháng 10/1947, Tỉnh ủy Hải Ninh đã quyết định thành lập Huyện ủy Hải Chi (Huyện ủy lâm thời) và phân công đồng chí Phạm Trí Dũng làm Bí thư, tổ chức Đảng chính thức được thành lập, các đồng chí Vi Đình Long, Vi Xuân Thịnh, Hoàng Tâm Chí là những người con trung kiên đầu tiên của đồng bào các dân tộc trong huyện được đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Đông Dương.
Xác định vị trí chiến lược quan trọng của Ba Chẽ cùng phẩm chất tốt đẹp, lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, kiên cường của nhân dân nơi đây, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Ninh lần thứ nhất (diễn ra vào ngày 6/5/1948) đã chủ trương củng cố, tăng cường xây dựng Hải Chi thành căn cứ địa cách mạng của tỉnh Hải Ninh, làm bàn đạp tiến ra các huyện miền Đông. Đầu tháng 10/1948, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chính Hải Ninh chuyển từ Lộc Bình (Lạng Sơn) về xây dựng căn cứ địa ở Hải Chi, trụ sở đóng tại các xã Lương Mông, Minh Cầm.
Với niềm tự hào của người dân vùng căn cứ địa cách mạng, niềm tin sắt son theo Đảng, ngay từ buổi đầu của cách mạng, trong gian khổ hy sinh, trong đau thương mất mát, nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ luôn thể hiện tinh thần quật cường, chiến đấu, hy sinh, góp phần làm vẻ vang trang sử hào hùng của dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Ba Chẽ phối hợp với du kích và bộ đội kiên cường bám trụ chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều tấm gương hy sinh quên mình như hình ảnh chị Hoàng Thị Vương (Nam Sơn) đã không tiếc chiếc thuyền đánh cá, tài sản duy nhất của gia đình xông pha vào lửa đạn cùng các chiến sĩ du kích đánh đắm tàu thuyền lương của địch tại đoạn sông Cổ Ngựa mùa xuân năm 1950. Hay như hành động dũng cảm quên mình của 20 thanh niên xã Minh Cầm, ngâm mình trong nước lũ vận chuyển vũ khí, đạn dược về căn cứ địa phục vụ chiến đấu, có người đã bị nước lũ cuốn trôi... Và bao bà mẹ ở Ba Chẽ đã không sợ nguy hiểm đã nuôi giấu, chăm sóc cán bộ, bộ đội như con đẻ của mình, ngày đêm vượt núi, trèo đèo tìm thuốc quý cứu sống nhiều chiến sĩ bị thương. Không thể kể hết việc làm, những hy sinh của đồng bào, đồng chí huyện Hải Chi cho sự nghiệp kháng chiến.
Tên huyện Hải Chi tồn tại cho đến năm 1951, sáp nhập với huyện Đình Lập (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn) thành huyện Đình Hải. Năm 1954, huyện Đình Hải tách làm hai, phần đất cũ của huyện Hải Chi lấy tên là huyện Ba Chẽ. Ngày 28/7/1954 đã đi vào lịch sử Đảng bộ huyện Ba Chẽ, là ngày thực dân Pháp phải rút quân trên mảnh đất Hải Chi anh hùng.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều đồng chí cán bộ, bộ đội xuống trực tiếp các thôn, khe, bản thực hiện "Ba cùng" với nhân dân, kiên trì tuyên truyền, giải thích, vạch rõ những âm mưu đen tối, bộ mặt phản động của bọn đế quốc để giúp nhân dân hiểu và tin vào cách mạng. Cuối năm 1965, trước tình hình đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang bắn phá miền Bắc, Ba Chẽ nằm trong tuyến đường bay để bắn phá các tỉnh phía Đông Bắc. Đại đội pháo cao xạ đóng quân ở Ba Chẽ đặt trận địa chiến đấu tại các đồi khu vực Thác Đắc, Làng Han (Đồn Đạc), do sườn đồi dốc, xe ô tô chuyên dụng không thể đưa pháo lên đã có sáng kiến dùng trâu kéo pháo. Đảng bộ huyện đã họp với cấp ủy chính quyền xã Nam Sơn, Đồn Đạc vận động nhân dân chọn những con trâu to khỏe nhất phối hợp giúp bộ đội kéo pháo vào trận địa, 6 khẩu pháo 14ly 5 đã được nhân dân dùng trâu kéo lên đỉnh đồi để bộ đội trực chiến.
Ngày 17/10/1965, lực lượng tự vệ Lâm trường Ba Chẽ, các chiến sĩ đại đội pháo cao xạ 14ly 5 đã bắn rơi một máy bay Mỹ khi chúng vừa xâm phạm vùng trời Ba Chẽ. Ngày 29/7/1967, Trung đội bộ đội địa phương Ba Chẽ đã chiến đấu ngoan cường bắn rơi máy bay Mỹ tại bến phà Cửa Cái. Với chiến thắng này, nhân dân Ba Chẽ và bộ đội địa phương đã vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng Cờ luân lưu, Huân chương chiến công hạng Nhất.
Căn cứ Đặc khu Quảng Ninh
Với vị trí chiến lược trong tuyến phòng thủ, Ba Chẽ là nơi đặt Sở chỉ huy của Đặc khu Quảng Ninh, góp phần xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới miền Đông Bắc của Tổ quốc.
Trước yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc trong tình hình mới, trong đó có tỉnh Quảng Ninh, ngày 9/3/1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Ninh. Trên cơ sở các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Ninh, tách tỉnh Quảng Ninh trong đội hình Quân khu 1 thành một cơ quan chỉ huy cấp chiến dịch ở một hướng chiến lược quan trọng do Bộ trực tiếp chỉ huy.
Ngày 20/4/1979, Bộ Chính trị ra Quyết định thành lập Đặc khu Quảng Ninh, cấp Chỉ huy tương đương Quân khu trực thuộc Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng. Lực lượng gồm 5 sư đoàn 323, 328, 395, 242 phòng thủ bờ biển thuộc Quân khu 3, trước đó là E242; có 4 Lữ đoàn: Pháo binh 454, Lữ đoàn tăng thiết giáp 405, lữ đoàn pháo cao xạ phòng không 214, Lữ đoàn công binh 539; có 4 trung đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Đặc khu: 609 Thông tin, 779 đặc công, 656 vận tải, E 284 công binh công trình; trường quân chính, trường hạ sĩ quan, trường kỹ thuật, Viện quân y 147, Đội Điều trị 51. Ở Quảng Ninh, trong đội hình chiến đấu của Đặc khu Quảng Ninh có lực lượng Bộ đội Biên phòng. Thiếu tướng Nguyễn Anh Đệ làm Tư lệnh Đặc khu, Đại tá Nguyễn Trọng Yên làm Chính ủy, đồng chí Nguyễn Ngọc Đàm, Chủ tịch UBND tỉnh, làm Phó Tư lệnh.
Đặc khu Quảng Ninh thành lập, có nhiệm vụ: Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu để bảo vệ hướng chiến lược quan trọng phía Đông Bắc của Tổ quốc, mà trực tiếp là tuyến biên giới và hải đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, xây dựng lực lượng, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, thực hiện vững chắc tuyến trước, vững mạnh tuyến sau. Đồng thời, sẵn sàng chi viện lực lượng cho các chiến trường và tham gia xây dựng cơ sở, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân nơi đóng quân.
Đến ngày 30/10/1987, đúng vào kỷ niệm 24 năm ngày thành lập tỉnh, Đặc khu Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ và hợp nhất với Quân khu Ba. Gần 10 năm gắn bó với địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với quan điểm Đặc khu với tỉnh là một, lực lượng vũ trang Đặc khu Quảng Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin yêu, giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Lực lượng vũ trang Đặc khu Quảng Ninh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.
Ba Chẽ vươn mình
Với niềm tự hào của người dân vùng căn cứ địa cách mạng, niềm tin sắt son theo Đảng, ngay từ buổi đầu của cách mạng, trong gian khổ hy sinh, trong đau thương mất mát, nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ luôn thể hiện tinh thần quật cường, chiến đấu, hy sinh, góp phần làm vẻ vang trang sử hào hùng của dân tộc. Trong thời bình lại vượt qua nhiều khó khăn của vùng đất hoang vu, lạc hậu, rừng núi heo hút, với địa hình đèo dốc hiểm trở, dân cư thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt, xơ xác tiêu điều bởi hậu quả của chiến tranh để lại mà kiên cường vươn lên xây dựng cuộc sống, phát triển quê hương, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của biết bao đồng bào, đồng chí.
Với những thành tích đạt được, cán bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện đã được tặng nhiều huân chương, huy chương và bằng khen. Năm 2016, huyện Ba Chẽ vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là mốc son lịch sử đánh dấu những nỗ lực phấn đấu, trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện ba Chẽ, là niềm tự hào, sức mạnh tinh thần to lớn khích lệ cán bộ, đảng viên, quân và dân Ba Chẽ vượt qua thử thách, vững bước đi lên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Nhớ về lịch sử quê hương gian lao và anh dũng, giàu truyền thống văn hóa, yêu nước, mỗi một người dân Ba Chẽ như được truyền thêm sức mạnh của truyền thống anh hùng cách mạng. Đó cũng chính là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn động viên mỗi người dân Ba Chẽ có thêm động lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()