Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 01:45 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội biểu quyết thông qua một số dự án luật
Thứ 2, 27/11/2023 | 18:37:29 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 27/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua một số dự án luật; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh; dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Mở đầu phiên làm việc sáng, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua luật này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,25%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước.
Tiếp đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và tiến hành biểu quyết thông qua một số nội dung cụ thể và toàn văn luật này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 423 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 85,63%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).
Sau khi biểu quyết, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Góp ý dự thảo luật, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, thống nhất với quy định về tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố, đại biểu chuyên trách, Phó Chủ tịch HĐND thành phố như quy định tại Điều 9 của dự thảo luật. Bởi, TP Hà Nội là đơn vị hành chính đặc biệt, HĐND phải thực hiện quyết định về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hiện nay, HĐND cấp tỉnh đã và đang được phân cấp thẩm quyền quyết định nhiều vấn đề; phải ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách và theo dự thảo của Luật Thủ đô, HĐND tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp, thẩm quyền thực hiện thêm các nhiệm vụ khối lượng công việc tăng lên nhiều. Do đó, cần phải bảo đảm về bộ máy nhân lực và tài chính để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Về phân cấp cho Thường trực HĐND tại khoản 4 Điều 9, đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung quy định tại dự thảo luật; đề nghị cần tiếp tục rà soát và cân nhắc thêm các nội dung: Việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của thành phố và cho phép cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức của Thủ đô không vượt quá 0,8 lần so với mức lương cơ bản. Đại biểu đề nghị quy định phù hợp với Nghị quyết 27 của Trung ương về lộ trình cải cách tiền lương, nghị quyết của Quốc hội về sử dụng nguồn cải cách tiền lương và thời hạn thực hiện chính sách tiền lương đặc thù tại các tỉnh, thành phố theo quy định chung. Đại biểu cho rằng, hiện nay chính sách cải cách tiền lương đang xây dựng nên cần có chính sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội được thực hiện ngay trong quá trình xây dựng chính sách này, để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp.
Thứ hai là quyết định sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ cho địa phương khác trong nước, nước khác trong trường hợp cần thiết, đại biểu đề nghị cần có quy định Thường trực HĐND được quyết định mức hỗ trợ tối đa phù hợp do HĐND thành phố quyết định. Thứ ba về quyết định chế độ tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn của Trung ương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, đại biểu cho rằng, trường hợp này cần thông qua HĐND, bảo đảm tính đại diện của Hội đồng quyết định các vấn đề cơ chế chính sách mới, không phân cấp cho Thường trực HĐND.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định trong dự thảo luật chính quyền thành phố phân cấp cho chính quyền cấp dưới, hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới thẩm quyền quyết định về việc thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, khả năng năng lực thực hiện, nhằm giảm áp lực công việc cho chính quyền thành phố và giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị để phát triển bền vững Thủ đô theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, tạo động lực lan tỏa cho cả nước cùng phát triển.
Về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu nhấn mạnh "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh". Do vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cần làm rõ một số cơ chế, chính sách đặc thù, thiết thực, áp dụng được ngay để xây dựng Thủ đô trở thành một trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đề cập nhiều vấn đề từ thực tiễn phong phú sinh động, từ cơ sở, từ yêu cầu kế thừa và phát huy các yếu tố truyền thống, kết hợp với hiện đại hóa, thực hiện có hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến đề xuất để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với nhiều quy định chi tiết, vừa bao quát, vừa cụ thể cả về nội dung quy định, cả về kỹ thuật lập pháp.
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan trình và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội, lấy thêm các ý kiến của chuyên gia, cơ quan, các nhà quản lý, các hội nghị, hội thảo để hoàn chỉnh dự thảo Luật, báo cáo tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.
Nguyễn Thanh
Ý kiến (0)