Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:57 (GMT +7)
"Quốc hội nên thay đổi cách thảo luận về kinh tế, xã hội"
Thứ 3, 29/10/2013 | 14:35:15 [GMT +7] A A
Các ủy ban của Quốc hội phải thể hiện rõ vai trò dẫn dắt các phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về kinh tế - xã hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, TS. Nguyễn Đức Kiên trao đổi với báo giới.
Bắt đầu từ sáng 31/10, các phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội sẽ được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước cùng cảm nhận những thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế đất nước, dưới góc nhìn của các vị đại diện cho mình.
Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, ông Kiên đã nêu quan điểm đây phải là phiên làm việc của Quốc hội với Quốc hội và cần được đổi mới.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, TS. Nguyễn Đức Kiên. |
Tại đây các đại biểu phải thảo luận, tranh luận với nhau để tạo ra được sự thống nhất của gần 500 đại biểu trong nhận định, đánh giá chung về nền kinh tế cũng như công tác điều hành của Chính phủ – cơ quan được Quốc hội giao quyền điều hành nền kinh tế của đất nước. Còn phiên chất vấn mới là đối thoại với các thành viên Chính phủ để làm rõ các vấn đề còn có đánh giá khác nhau và làm rõ trách nhiệm liên quan, ông Kiên nói.
Nội dung thảo luận kỳ này không chỉ là vấn đề kinh tế xã hội của năm nay và kế hoạch 2014 mà còn nhìn lại cả kế hoạch 5 năm và đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Theo ông với thời gian chỉ có 1,5 ngày, Quốc hội nên thảo luận thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Tôi nghĩ một số ủy ban của Quốc hội cần phải có đề dẫn thảo luận. Đề dẫn này khác với báo cáo thẩm tra, không đề cập diện rộng mà chỉ tập trung vào một số vấn đề cơ bản nhất để có thể thực hiện được mục tiêu đặt ra.
Điều quan trọng là các đại biểu cần lên tiếng theo góc nhìn của người đại diện cho những nhóm người bị tác động bởi các chính sách điều hành. Như vậy mới có thể phân tích thật sát xem nếu với GDP thế này, lạm phát thế kia thì hai năm sau đời sống có cao hơn hay không. Và cần giải pháp gì cho từng khu vực cụ thể chứ không thể cứ nói chung chung là tôi cơ bản đồng tình tuy nhiên đề nghị lưu ý điểm này điểm khác.
Trong khi chưa thể có sự “định hướng”từ các ủy ban thì liệu Quốc hội có thể “ưu tiên” cho một số chuyên gia kinh tế phát biểu trước trong các phiên thảo luận được không, thưa ông?
Nếu vẫn theo cách bấm nút và mời phát biểu theo thứ tự, ưu tiên tỉnh thành nào cũng có ý kiến thì điều đó là không thực hiện được. Hơn nữa, nếu có được ưu tiên phát biểu trước thì trong thời gian 7 phút cũng khó mà nêu vấn đề nào đó cho đủ thuyết phục.
Vậy theo ông vấn đề nào Quốc hội cần quan tâm nhất trong tình hình kinh tế rất khó khăn, hụt thu nhưng vẫn phải tính đến nới bội chi và phát hành thêm trái phiếu với số lượng khổng lồ, như đề xuất của Chính phủ?
Ở kỳ họp này, cả báo cáo của Thủ tướng, thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và qua thảo luận tại tổ của Quốc hội đều ghi nhận bức tranh kinh tế có cả sáng và tối. Nhưng mà cả hai báo cáo đều không đi đến cót lõi của vấn đề.
Ví dụ lạm phát được kiềm chế là do chính sách vĩ mô, do giảm tổng cầu hay thực trạng nền kinh tế suy sụp đến mức độ không còn cầu nữa. Nói cách khác là đó là do chủ động làm hay do hậu quả không mong muốn.
Điều nữa là nhiều con số được đưa ra dựa trên cảm tính nhiều hơn là phản ánh thực tế xã hội. Nhưng các nhà kinh tế cũng không chỉ ra sự bất hợp lý trong chuỗi số liệu mà Chính phủ áp dụng.
Chỉ đơn cử con số thống kê về lao động việc làm với tăng trưởng kinh tế năm 2011 tăng 6,28% tạo ra 1,54 triệu việc làm mới. Sang 2012 GDP xuống 5,28% thì chỉ có 20 ngàn lao động mất việc, vẫn tạo việc làm 1,52 triệu người. Còn 2013GDP dự báo tăng 5,4% thì việc làm lại tăng 0,2% , lên 1,54 triệu người. Trong lúc đó lao động khu vực nông nghiệp giảm từ 48% xuống 47%.
Như vậy tạo việc làm không hề có sự liên quan mật thiết với các chỉ tiêu kinh tế khác. Ở đây có hai cách giải đáp, một là số liệu hoàn toàn không đáng tin. Hai là tái cơ cấu nền kinh tế đã dần đi vào hiệu quả nên đã giữ được việc làm dù tăng trưởng có giảm hơn.
Nếu theo cách một thì chính sách về an sinh xã hội, giảm nghèo từ trước đến này cần phải tính lại hiệu quả. Khi cùng một lúc có đến 16 chương trình mục tiêu trong ba năm gần đây đầu tư hơn 80 nghìn tỷ tiền ngân sách, chưa kể 12 nghìn tỷ huy động từ các thành phần khác và vốn vay. Và 92 nghìn tỷ đó chiếm 40% tổng mức huy động trái phiếu của cả 5 năm. Nguy cơ nằm chính ở đó, rủi ro tiềm ẩn cũng ở chỗ đó, thể hiện rất rõ qua việc ngân sách ngày càng đuối.
Nếu lý giải theo cách thứ hai, hiệu quả đầu tư công đang phát huy thì giải thích thế nào về đánh giá rằng dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ đã có thời kỳ mở ra quá mức, dàn trải, kém hiệu quả thậm chí còn gây thất thoát.
Tóm lại dù có giải thích thế nào thì cũng cho thấy cách xử lý không tốt trong đầu tư phát triển.
Trong bối cảnh đó đề xuất phát hành thêm trái phiếu của Chính phủ đã khiến một số ý kiến lo ngại khi nhớ đến gói kích cầu năm 2009 và hệ lụy của nó. Ông có chia sẻ lo ngại này?
Nếu đề xuất đó được chấp nhận thì như vậy đây là lần thứ hai trong vòng 5 năm chúng ta đã sử dụng gói kích cầu. Lần trước khoảng 8 tỷ USD, lần này cũng tầm đó. Hai gói này được tung ra trong vòng có 5 năm thì liệu một nền kinh tế có thể phát triển bền vững được không, dùng đến 18% GDP để kích cầu, trần nợ công sẽ đi đến đâu, ai sẽ trả nợ được, theo tôi là những vấn đề Quốc hội cần thảo luận.
Vậy đặt vấn đề việc phát hành thêm trái phiếu để tăng đầu tư phát triển có cần thiết không? trong bối cảnh này của nền kinh tế cũng giống như hoàn cảnh đã mổ con bệnh ra rồi mà không tiếp máu thì nó chết nhưng tiếp máu rồi có cầm được máu không hay tiếp tục chảy máu?
Để giải bài toán này thì theo tôi mọi chỉ tiêu và chính sách đừng lệ thuộc vào kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 nữa. Mà phải dũng cảm nói thẳng với nhân dân là nhiều chỉ tiêu không đạt trong đó quan trọng nhất là tăng GDP và giảm bội chi ngân sách. Các chỉ tiêu khác được tính là đạt và vượt thì đều có thể “chế biến” được hết.
Tình thế này theo tôi cần phải đưa ra giải pháp là thực hiện kế hoạch đệm để khôi phục lại kinh tế đã rồi mới tính đến tăng trưởng. Cần phải đặt mục tiêu trong 3 năm (2014 – 2016) phục hồi nền kinh tế. Vì vậy tiếp tục phát hành bổ sung trái phiếu nhưng mà phải có địa chỉ và tiến độ giải ngân cụ thể. Trong rất nhiều công trình dự án cấp bách thì Chính phủ phải chọn ra được những công trình với các tiêu chí đã được Quốc hội phê duyệt để điều hành, có thể mất lòng địa phương này, ngành kia nhưng vì đất nước phải chấp nhận. Hết 2016 thì sẽ tính đủ như thông lệ quốc tế về bội chi ngân sách nhà nước thì mới điều hành nền kinh tế theo quy luật nền kinh tế thị trường được.
Đã đến lúc đòi hỏi đổi mới tư duy toàn diện lần hai, cái gì có lợi cho dân lâu dài thì làm.
Như vậy thì ở phiên thảo luận toàn thể, Quốc hội cần bàn chính sách để giải quyết khó khăn của nền kinh tế, không phải của riêng 2014 mà cho 3 năm tiếp theo.
Tình hình của nền kinh tế hiện nay nếu cứ xử lý ngắn hạn thì sẽ lại cứ luẩn quẩn hàng năm hết lo lạm phát lại sốt ruột vì tăng trưởng, sẽ làm mất niềm tin của cả doanh nghiệp và nhân dân. Điều đó thực sự đáng lo ngại.
Theo Thời báo kinh tế VN
Liên kết website
Ý kiến ()