Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:19 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận tại hội trường nhiều nội dung quan trọng
Thứ 2, 20/11/2023 | 19:24:42 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 20/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội dành ½ ngày để thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của ĐBQH và sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước, do đó, tại kỳ họp thứ 6 nội dung này đã được đưa vào vào chương trình kỳ họp để các ĐBQH thảo luận.
Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5%. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị.
Thống nhất với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cử tri đánh giá cao việc thảo luận nội dung này tại các kỳ họp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng tiếp nhận, giải đáp, giải quyết kiến nghị của cử tri tới các cơ quan có thẩm quyền. Quan tâm đến vấn đề thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đại biểu cho rằng, việc cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành còn chậm, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này còn chậm tiến độ. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa để giải quyết những kiến nghị của cử tri đối với Chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai hiệu quả hơn nữa Chương trình quan trọng này.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ cần có biện pháp rà soát các kiến nghị, việc trả lời những vấn đề đã, đang và sẽ giải quyết để trả lời và có lộ trình thực hiện theo hướng, Nghị định và hướng dẫn phải có phản ứng chính sách một cách kịp thời, vì vậy cần phải đảm bảo cụ thể. Chính phủ, các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, khẩn trương trả lời, chỉ đạo việc xem xét, giải quyết tổng hợp để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Trong phiên làm việc chiều nay, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, tất cả các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết phải sớm ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn tại một kỳ họp về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị phải có chính sách đầu tư ưu đãi song hành để giữ chân các nhà đầu tư, tiếp tục thu hút đầu tư. Các đại biểu cũng đề nghị đánh giá kỹ tác động để quy định phù hợp trong Nghị quyết và có giải pháp đảm bảo môi trường đầu tư. Các đại biểu cũng thống nhất cao trong việc đề nghị rà soát, đánh giá lại các chính sách ưu đãi để sửa đổi toàn diện các quy định có liên quan cho phù hợp với tình hình mới, có tính toán đến các ưu đãi với các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với tờ trình của Chính phủ về việc giảm thuế giá trị gia tăng, các đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết phải giảm thuế giá trị gia tăng để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm cho người lao động. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết ban hành chính sách, đánh giá kỹ hơn khả năng đạt được mục tiêu kích cầu tiêu dùng, đánh giá cơ sở tính toán dự báo tác động ngân sách và kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Đồng thời, thống nhất với phạm vi, đối tượng giảm thuế, thời gian áp dụng chính sách, hiệu lực thi hành; nhưng cũng có đại biểu đề nghị mở rộng thêm chính sách để áp dụng cho tất cả các nhóm hàng hóa dịch vụ đang chịu mức thuế suất 10%; có ý kiến đề nghị áp dụng chính sách cho cả năm 2024.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()