Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:14 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận tại hội trường và tại tổ về nhiều nội dung quan trọng
Thứ 3, 30/05/2023 | 20:11:46 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 30/5, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và thảo luận tổ đối với một số nội dung quan trọng.
Tham gia phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu ý kiến của các ĐBQH trong việc xây dựng dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đại biểu cũng cho rằng văn bản luật còn có những khái niệm khó hiểu, những thuật ngữ chuyên môn cần được lý giải cụ thể, chi tiết hơn để đảm bảo tính rõ ràng của văn bản pháp luật.
Về đối tượng điều chỉnh, đại biểu tán thành việc mở rộng đối tượng điều chỉnh, tuy nhiên, với việc tiếp thu sau khi mở rộng, nội dung tại Điều 2 đã trùng với nội dung quy định tại Khoản 1, Điều 155, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ quy định này để dành dung lượng quy định chi tiết những vấn đề cần thiết.
Về nguyên tắc chung quy định tại Điều 4, đại biểu đề nghị giải thích việc gộp nguyên tắc áp dụng Luật vào nguyên tắc thực hiện giao dịch điện tử. Đại biểu nhấn mạnh, đây là sự khác biệt so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, gây trúc trắc, khó hiểu và tối nghĩa. Đại biểu đề nghị bỏ quy định “trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó”.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, đại biểu cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các bộ có liên quan. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng giao nhiệm vụ cho một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia, nhưng chưa có quy định gì về định dạng, cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động của tổ chức này. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ về nội dung này.
Tham gia thảo luận nội dung này, các ĐBQH cũng đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến chất lượng, xác đáng và sôi nổi. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ hơn nữa để hoàn thiện dự án Luật như phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử, chữ ký số chuyên dùng công vụ, tài khoản định danh điện tử.
Đối với nội dung thảo luận về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết đầu tư dự án. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu thêm về cơ chế ủy quyền đối với các dự án liên quan đến chuyển đổi rừng tương tự như hai dự án để tránh phải trình Quốc hội nhiều lần; nghiên cứu kỹ hướng tuyến để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; tính toán kỹ phương án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư để tránh vướng mắc khi thực hiện.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ để cho ý kiến về: Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng nên quy định trao quyền đối với các dự án thuộc ngân sách địa phương để thúc đẩy phát triển cũng như tạo các điều kiện thuận lợi trong công tác đầu tư công, giải quyết thủ tục hành chính. Cân nhắc tỉ lệ đầu tư nên phân cấp, giao quyền, để huy động nguồn lực xã hội, thực sự tạo ra cơ chế vượt trội.
Vấn đề quản lý đô thị, cần làm tốt công tác quy hoạch, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng có tầm nhìn dài hạn. Việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn, cần nghiên cứu kỹ các vấn đề về an toàn mạng lưới điện, an toàn cho nhân dân và yêu cầu về công nghệ, xử lý rác thải… Đồng chí nhấn mạnh, việc hoàn thiện các cơ chế đặc thù là rất cần thiết, qua đó, thực sự tạo ra động lực phát triển để TP Hồ Chí Minh thực sự trở thành một đầu tàu dẫn dắt phát triển kinh tế quốc gia
Cùng tham gia ý kiến vào nội dung này, đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cơ chế định hướng phát triển giao thông cho TP Hồ Chí Minh cần mở rộng hơn nữa. Việc triển khai thưc hiện các tuyến đường BOT trên địa bàn cần cân nhắc kỹ lưỡng để tạo đồng thuận trong nhân dân, tránh các trường hợp khiếu nại, tố cáo.
Cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, đối với Khoản 5 nội dung không lấy phiếu tín nhiệm, cần quy định đối với người hợp đồng 6 tháng và đối với người đang bị bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác 3 tháng liên tục. Nội dung Khoản 2 mục c, bổ sung nội dung số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể sản phẩm là sản phẩm công tác, các công việc cụ thể. Điều 8, đối với các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề xuất cần tiếp tục rà soát đối với các trường hợp khác như lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để vận động, lôi kéo, bôi nhọ, làm xấu hình ảnh, hạ thấp uy tín. Điều 12, đại biểu đề nghị cần giải thích cụ thể về nội dung người bị tín nhiệm thấp có thể xin từ chức, trường hợp không xin từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Nguyễn Thanh
- Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đãi ngộ ngành Y bằng chính sách đặc biệt
- Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19
- Quốc hội nghị sự nhiều nội dung quan trọng trong tuần họp thứ hai
- Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 và một số dự án luật
Liên kết website
Ý kiến ()