Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 23:19 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 17, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Thứ 3, 14/06/2022 | 18:00:48 [GMT +7] A A
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, ngày 14/6, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội dành thời gian thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phát biểu tại hội trường, các đại biểu Quốc hội nhất trí cao sự cần thiết phải ban hành dự án Luật quan trọng này và thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của dự án luật. Đồng thời các đại biểu cũng phân tích thêm những nội dung còn có ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nữa và tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật này nói riêng và các luật khác trong hệ thống pháp luật nói chung.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật, Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đối với khoản 1 Điều 2 quy định: Doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, đại biểu cho rằng giải thích từ ngữ như trên có thể dẫn tới mâu thuẫn với quy định của Luật Doanh nghiệp, cụ thể tại khoản 11 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị đơn vị soạn thảo xem xét, sửa đổi lại để đảm bảo sự thống nhất, phù hợp trong sử dụng các khái niệm thuật ngữ giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung trong phần giải thích khái niệm nội dung kiểm tra, giám sát của người lao động vì trong doanh nghiệp nhà nước, việc kiểm tra, giám sát thông qua Ban thanh tra nhân dân phải là người lao động. Cụ thể Thanh tra nhân dân là hình thức kiểm tra, giám sát của nhân dân, người lao động thông qua Ban Thanh tra nhân dân đối với việc thực hành chính sách, pháp luật việc giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, một số khái niệm như doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, tổ chức cấu thành được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong dự thảo luật. Đại biểu đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu bổ sung hoặc dẫn chiếu đến văn bản pháp luật khác để tiện quy định đối với đối tượng áp dụng
Qua ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, lấy thêm ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn chỉnh dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vào tháng 10/2022 theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.
Tại phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhất trí cao với một số ý kiến của cơ quan tham gia thẩm tra và của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về việc cần nhận diện và phân loại theo nhóm các hành vi bạo lực gia đình. Việc phân loại này là nhằm có cơ sở cho việc áp dụng phù hợp đối với từng loại đối tượng cũng như sử dụng từng loại biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình cho phù hợp và hiệu quả.
Về hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã cố gắng sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để thể chế hóa chủ trương trong Chỉ thị 06 của Ban Bí thư là phải chú trọng đến đối tượng trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế có loại hành vi khá phổ biến nhưng rất khó để nhận biết phân biệt đó chính là bạo lực tinh thần dưới dạng mắng chửi, đe dọa, chì chiết đối với trẻ em hay còn gọi là bạo lực ngôn ngữ, loại hành vi này dễ bị hiểu nhầm là một cách dạy dỗ con. Đại biểu cũng đưa ra dẫn chứng, theo số liệu gần đây của UNICEF, xét trong số các vụ bạo lực trẻ em thì có khoảng 11% các trường hợp sử dụng đòn roi, đánh đấm; 15,7% dưới hình thức đẩy ngã, ném đồ vật vào người con cái, còn khoảng 56,6 % bạo hành tinh thần dưới dạng đe dọa, mắng chửi, chì chiết. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị cần quy định cụ thể chỉ rõ để dễ nhận diện được những hành vi, những loại hành vi bạo lực tinh thần như nêu trên.
Về phạm vi áp dụng, đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo luật. Tuy nhiên, đề nghị hết sức cân nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng các hành vi bạo lực gia đình tại Khoản 1, Điều 4 với đối tượng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng với những lý do cơ bản như sau đây là những đối tượng không tồn tại trong quan hệ gia đình như quy định của Luật hôn nhân gia đình. Vì tại khoản 7, Điều 3 của Luật Hôn nhân gia đình giải thích từ ngữ chỉ quy định chung chung là chung sống với nhau, chung sống như vợ chồng làm việc nam nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng.
Qua ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()