Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 14:26 (GMT +7)
Quốc hội thảo luận về một số nội dung quan trọng
Thứ 6, 29/10/2021 | 17:11:43 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến và thảo luận ở tổ về một số nội dung quan trọng.
Tại phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam và các đại biểu phân tích, Luật sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau nhiều năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng, thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, dự thảo Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác có các quy định về loại hình bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; thẩm quyền phê duyệt các chức danh lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp; mô hình tổ chức; trình tự, thủ tục đầu tư; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm; trách nhiệm của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát... Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa dự thảo Luật này với các luật khác có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Thanh tra…
Quan tâm đến các quy định về bảo hiểm vi mô, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, tán thành việc bổ sung thêm chương về bảo hiểm vi mô, khẳng định: Đây là loại hình bảo hiểm rất cần thiết, có tính xã hội cao, hướng tới đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ định 2 điều về bảo hiểm vi mô là chưa đầy đủ, gây khó khăn vướng mắc khi triển khai trên thực tế. Đại biểu đề nghị: Các quy định về mô hình tổ chức, điều kiện hoạt động, loại hình doanh nghiệp, tổ chức được phép thực hiện bảo hiểm vi mô phải rất đầy đủ, minh bạch. Đồng thời, bổ sung, cụ thể hóa các quy định về bảo hiểm vi mô, quy định rõ khung pháp lý, tổ chức điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm, bổ sung các cơ cấu khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025); Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) .
Tại phiên làm việc, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()