Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:21 (GMT +7)
Quốc hội yêu cầu xử lý dứt điểm các sai phạm, vụ việc liên quan đến Việt Á
Thứ 7, 24/06/2023 | 18:35:52 [GMT +7] A A
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu khẩn trương xử lý dứt điểm các sai phạm, vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á theo chủ trương của cấp có thẩm quyền về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, chiều 24/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Theo đó, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề nêu trên, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức bấm nút điện tử.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, với 475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 96,15%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết.
Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm 3 Điều. Điều 1: Đánh giá kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Điều 2: Nhiệm vụ, giải pháp và Điều 3: Tổ chức thực hiện.
Vinh danh những cá nhân, tập thể đóng cho cuộc phòng, chống dịch Covid-19
Nghị quyết nêu rõ, đến ngày 31/12/2022, cả nước đã huy động được khoảng 230 nghìn tỷ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh, xã hội.
Đến ngày 31/12/2022, kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 đã được sử dụng như sau: Hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên 87 nghìn tỷ đồng; chi chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch (quân đội, công an, y tế ...) 4.487 tỷ đồng.
Đã mua vaccine phòng Covid-19 là 15.134 tỷ đồng; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 là 4,6 tỷ đồng; mua sắm kit xét nghiệm 2.593 tỷ đồng; mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế 5.291 tỷ đồng...
Nghị quyết nêu rõ Quốc hội vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp trí tuệ, sức lực, của cải, vật chất cho công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuyến đầu của ngành y tế, lực lượng vũ trang và các lực lượng trực tiếp tại cơ sở trong phòng, chống dịch.
Về thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng, trong giai đoạn 2018-2022, tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch, bệnh, nhất là dịch Covid-19.
Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm y tế; 99,6% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; 97,3% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020.
Nhân lực y tế cơ sở từng bước được củng cố, 92,4% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 78,9% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc cơ hữu; số lượng nhân lực y tế có trình độ cao ngày càng tăng. Bên cạnh đó, có sự tham gia tích cực của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, y tế trường học, trạm y tế quân dân y, các cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang.
Khắc phục tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19
Bên cạnh những kết quả đạt được, nghị quyết cũng cho biết việc ban hành văn bản để cụ thể hóa một số biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 có nơi, có lúc chưa kịp thời, chưa đầy đủ, chưa thống nhất dẫn đến bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện.
Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kít xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch Covid-19; nhiều cán bộ ở Trung ương, địa phương và các cá nhân có liên quan bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Hệ thống pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đồng bộ, một số văn bản chậm được ban hành, sửa đổi; hệ thống tổ chức còn thiếu ổn định, nhiều bất cập, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; mô hình quản lý trung tâm y tế cấp huyện chưa thống nhất, chưa phát huy tốt vai trò, lợi thế của y tế tư nhân và y dược cổ truyền.
Nhân lực và năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước bối cảnh già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi cùng với sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm.
Tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế giảm từ 97,5% năm 2015 xuống 71% năm 2020, trong đó 28% chưa qua đào tạo. Chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với nhiệm vụ, trách nhiệm và tính chất công việc, chưa bao phủ hết đối tượng…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tương tự, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quán triệt các bài học kinh nghiệm, khẩn trương triển khai những đề xuất, kiến nghị của Đoàn Giám sát như: Khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật về thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng và tình trạng khẩn cấp.
Tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng theo hướng: Y tế cơ sở bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, bệnh và nâng cao sức khỏe nhằm bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.
Y tế dự phòng tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cộng đồng, vệ sinh sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe người lao động, người cao tuổi, bà mẹ và trẻ em, dân số, truyền thông giáo dục sức khỏe.
Quốc hội giao Chính phủ chậm nhất năm 2025 hoàn thành việc trình Quốc hội các dự án Luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn việc thanh toán, quyết toán các khoản huy động, thu, chi, đóng góp ngoài ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ đạo rà soát, hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng nguồn kinh phí còn dư được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các cơ sở y tế trong phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật…
Khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc trong quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các các sai phạm, các vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á theo chủ trương của cấp có thẩm quyền về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()