Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 20/12/2024 17:20 (GMT +7)
Quy định mới về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn
Thứ 6, 20/12/2024 | 10:39:29 [GMT +7] A A
Luật Công đoàn số 50/2024/QH15 đã quy định về nội dung miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.
Sáng 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước sẽ tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Các luật được công bố gồm: Luật Di sản văn hóa; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công chứng; Luật Công đoàn; Luật Phòng chống mua bán người; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Dữ liệu;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trong đó, Luật Công đoàn số 50/2024/QH15 đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 27/11/2024, trong đó quy định miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn như sau:
Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật được xem xét miễn số tiền chưa đóng kinh phí công đoàn.
Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng được xem xét giảm mức đóng kinh phí công đoàn.
Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn được xem xét tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong thời gian không quá 12 tháng.
Hết thời hạn tạm dừng đóng, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp tục đóng kinh phí công đoàn và đóng bù kinh phí công đoàn cho thời gian tạm dừng đóng. Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng.
Chính phủ thống nhất với Tổng LĐLĐVN quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn; quy định chi tiết các nội dung khác.
Việc lập và chấp hành dự toán, kế toán, quyết toán và công khai kinh phí ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và kế toán, thống kê.
Tổng LĐLĐVN thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn. Ở những nơi có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, số kinh phí công đoàn dành cho cấp cơ sở được phân phối cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo số thành viên của tổ chức này tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, số tiền đóng, tổng số người lao động tại doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng LĐLĐVN ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Công đoàn.
Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi chỉnh lý gồm 6 chương với 37 điều, tăng 4 điều so với luật hiện hành.
Luật Công đoàn mới quy định duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2% và sửa đổi, bổ sung các quy định làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()