Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 02:17 (GMT +7)
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với ngành Giáo dục và Đào tạo
Thứ 7, 20/05/2023 | 19:21:00 [GMT +7] A A
Chiều 20/5, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) về tình hình, kết quả thực hiện năm học 2022 – 2023; nghe và cho ý kiến về một số vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của ngành giáo dục. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh, tính đến năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 643 cơ sơ giáo dục, trong đó có 586 cơ cở giáo dục công lập và 57 cơ sở giáo dục tư thục, với tổng số cán bộ, giáo viên toàn ngành là trên 21.800 người. Trong năm học 2022 – 2023, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều thành tích quan trọng. Giáo dục mầm non duy trì vững chắc 100% tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày. Phổ cập giáo dục tiểu học duy trì đạt chuẩn mức độ 3. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hàng năm đều đạt cao, riêng năm 2022 điểm trung bình hthi tốt nghiệp THPT của Quảng Ninh xếp thứ 31/63 tỉnh thành cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2021, tăng 19 bậc so với năm 2020. Chất lượng học sinh giỏi các cấp tăng. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, Quảng Ninh đã có học sinh đạt giải học sinh giỏi khu vực, quốc tế các môn Sinh học, Vật lý, Tin học; nhiều học sinh đạt giải cuộc thi sáng chế khoa học kỹ thuật cấp quốc tế…
Sở GD&ĐT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc phê duyệt “ Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành Giáo dục giai đoạn 2022 – 2025”. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 92,1%. Đối với mục tiêu xây dựng 22 trường phổ thông chất lượng cao, đến nay đã có một số trường triển khai xây dựng cơ bản xong phần thô của công trình…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh và đại diện một số đơn vị ngành giáo dục cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc và có một số đề xuất, kiến nghị trong một số nội dung, như: Công tác quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp; đội ngũ cán bộ, giáo viên, người làm việc trong ngành giáo dục và chỉ tiêu công chức giáo dục thuộc Sở và các Phòng GD&ĐT; tình trạng thiếu cán bộ quản lý giáo dục cấp trưởng đơn vị trực thuộc Sở; vấn đề cơ sở vật chất, xây dựng trường chất lượng cao, cơ sở vật chất dạy học 2 buổi/ngày đối với trường tiểu học, việc sử dụng tài sản công thực hiện liên doanh, liêt kết; chính sách hỗ trợ cho giáo viên và học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục...
Qua nghe các ý kiến đề xuất, kiến nghị của Sở GD&ĐT và các đơn vị, đại diện một số sở, ngành liên quan đã trao đổi, chia sẻ, trực tiếp làm rõ một số vấn đề. Trong đó tập trung vào vấn đề chỉ tiêu biên chế trong ngành giáo dục; chủ trương giảm các đơn vị sự nghiệp công lập, khuyến khích tăng cường giáo dục ngoài công lập; đề án tự chủ của các đơn vị trong ngành giáo dục; chế độ chính sách đặc thù hỗ trợ cho giáo dục vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực và những thành tích rất đáng ghi nhận của ngành GD&ĐT, các cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo trong thời gian qua; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, vất vả của ngành GD&ĐT, của các thầy cô.
Đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, vấn đề xã hội hóa GD&ĐT là nội dung hết sức quan trọng, cần ngành GD&ĐT cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa; nhanh chóng gỡ những nút thắt, điểm nghẽn về tư duy, cơ chế chính sách, chất lượng hoạt động thực tế nhằm đối mới căn bản và toàn diện, nâng cao chất lượng công tác GD&ĐT. Trong đó cần tập trung trước hết cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục bậc học mầm non. Để làm tốt nội dung này, phòng GD&ĐT các địa phương cần sâu sát, trách nhiệm, nắm chắc tình hình thực tế, kịp thời báo cáo với các cấp những vấn đề tồn tại, hạn chế để tìm giải pháp khắc phục; các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chủ trương dành quỹ đất cho công tác xã hội hóa giáo dục; ngành GD&ĐT cần nhanh chóng tiếp thu, tổng hợp các ý kiến đề xuất, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới phù hợp với thực tế của tiến trình phát triển mới của tỉnh. Đối với một số vấn đề bất cập trong Luật giáo dục, các sở, ngành liên quan cần phối hợp rà soát, nghiên cứu kỹ để có đề xuất, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung cho hợp lý.
Ngành GD&ĐT cũng cần chủ động triển khai nhanh hơn việc lên kế hoạch dự toán đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh để tỉnh cân đối và phân bổ nguồn vốn hợp lý, kịp thời phục vụ hoạt động GD&ĐT của tỉnh.
Đối với một số vấn đề khó khăn, vướng mắc và ý kiến đề xuất, kiến nghị cụ thể, đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh phân công tác sở, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình để tìm phương hướng giải quyết.
Đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn ngành GD&ĐT cùng các trường học, cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo tiếp tục nỗ lực vượt khó, phấn đấu đạt được các thành tích cao hơn để tạo động lực cho sự phát triển toàn diện, chất lượng của hoạt động GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()