Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 01:09 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khoá XIV: Quyết nghị nhiều nội dung quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH
Thứ 3, 05/11/2024 | 20:27:00 [GMT +7] A A
Với tinh thần làm việc khẩn trương, khoa học, hiệu quả, Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề năm 2024) HĐND tỉnh khoá XIV đã thành công tốt đẹp. 11 nghị quyết được các đại biểu HĐND tỉnh nhất trí cao thông qua đều là những vấn đề cấp thiết, trực tiếp phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH năm 2024 và những năm tiếp theo của Quảng Ninh.
Tháo “điểm nghẽn” trong điều hành KT-XH
Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, Quảng Ninh đã khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão, nhanh chóng ổn định tình hình, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng GRDP của tỉnh 9 tháng năm 2024 đạt 8,02%, tổng thu NSNN đạt 40.479 tỷ đồng, bằng 73% dự toán, thu hút FDI đạt 1.817 triệu USD, đứng thứ ba cả nước.
Quỹ thời gian của năm 2024 không còn nhiều, để hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH của năm, tại Kỳ họp thứ 22, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung trí tuệ, nghiên cứu tài liệu, tham gia thảo luận, tranh luận, quyết nghị thông qua các nghị quyết có tính khả thi cao, nhằm đảm bảo thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024 của tỉnh.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý đất đai, đầu tư công, tài chính, ngân sách... của một số địa phương, sở, ngành hiện nay còn hạn chế; công tác giao khu vực biển theo quy hoạch còn chậm. Tính đến nay, 5/16 khoản thu ngân sách nội địa dự kiến không đạt tốc độ bình quân, trong đó thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 23% kế hoạch năm, ảnh hưởng lớn đến nguồn lực bố trí cho các dự án đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, chỉ đạt 32,2% kế hoạch vốn, giải ngân vốn kéo dài chỉ đạt 20%; công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB, tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, bao gồm một số dự án trọng điểm tại một số địa phương còn chậm, chưa đạt yêu cầu…
Lý giải rõ hơn về vấn đề này, đại biểu Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, Tổ trưởng Tổ đại biểu TP Móng Cái, cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là những khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý về đất đai, cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất phục vụ các dự án đầu tư công. Đây là thách thức lớn đặt ra cho tỉnh trong những tháng còn lại của năm, khi mà Quảng Ninh xác định đầu tư công là lĩnh vực bù đắp cho một số ngành, lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 2 con số.
Với sự đồng tình, nhất trí cao, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đây là những nội dung có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, nhằm quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn NSNN; đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu về ngân sách theo dự toán đã được HĐND tỉnh giao. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ở các cấp ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương, các cơ quan giai đoạn 2021-2025, đảm bảo sử dụng nguồn lực đúng mục đích, thủ tục theo Luật Đầu tư công và tiến độ hoàn thành dự án.
Đại biểu Tô Văn Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vân Đồn (Tổ đại biểu Vân Đồn - Cô Tô), cho biết: Phát huy vai trò, trách nhiệm đại biểu dân cử, đại biểu HĐND tỉnh đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận các giải pháp phấn đấu đến 31/12/2024 hoàn thành thu NSNN theo dự toán giao ở mức cao nhất và giữ vững mục tiêu thu ngân sách năm 2024 không thấp hơn 55.600 tỷ đồng. Đồng thời, thảo luận, thống nhất cách thức hỗ trợ các địa phương bị mất cân đối ngân sách đảm bảo đúng quy định.
Đơn cử như Vân Đồn là địa phương được giao tự cân đối ngân sách, huyện đã rất tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành thu ngân sách, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan, đến nay thu ngân sách trên địa bàn huyện mới đạt 28% dự toán. Hiện nay, huyện chủ động rà soát cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp thiết, sử dụng nguồn kết dư ngân sách và các nguồn hợp pháp để bù hụt thu theo quy định. Tuy nhiên, vẫn rất khó khăn trong việc chi ngân sách, trong đó có chi thường xuyên. Chính vì vậy, việc hỗ trợ chi thường xuyên từ ngân sách tỉnh trên cơ sở xác định chính xác số hụt thu ngân sách theo thẩm định của các cơ quan chuyên môn là hết sức cần thiết.
Để bảo đảm mục tiêu giải ngân hết nguồn vốn đã được phân bổ năm 2024, đại biểu Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho rằng: Nội dung điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 tại kỳ họp lần này là rất cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực, trong đó có việc xem xét điều chỉnh giảm kế hoạch vốn gần 1.200 tỷ đồng của 26 dự án không có khả năng giải ngân trong năm 2024 cho các dự án có khả năng giải ngân trong năm 2024. Nguồn vốn này sẽ được điều chỉnh để phân bổ kế hoạch vốn cho 17 dự án có nhu cầu và cam kết giải ngân trong năm 2024, cũng như bù đắp hụt thu tiền sử dụng đất của 6 dự án và bổ sung có mục tiêu hỗ trợ 2 dự án thuộc nhiệm vụ chi của cấp huyện. Trong 2 dự án thuộc nhiệm vụ chi cấp huyện có dự án tuyến đường An Tiêm qua KCN Việt Hưng đến ngã tư Vạn Yên của TP Hạ Long. Đây là quyết sách rất kịp thời để tạo hệ thống giao thông đô thị đồng bộ cho thành phố và cho KCN Việt Hưng.
Hướng đến sự phát triển bền vững
Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh đã thông qua 11 nghị quyết với sự đồng thuận của 100% đại biểu HĐND tỉnh. Các chính sách được đưa ra đều là những cơ chế, biện pháp quan trọng liên quan trực tiếp đến công tác điều hành phát triển KT-XH của tỉnh trong thời điểm những tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở đánh giá tổng thể, đầy đủ và sát đúng tình hình, kết quả triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, HĐND tỉnh đã thông qua Dự kiến lần thứ nhất Kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2026-2030 để xác định các mục tiêu, nhiệm vụ cần triển khai trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH quan trọng, tạo sức lan tỏa, tác động lớn tới phát triển kinh tế; lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt mọi nguồn lực của xã hội để khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá mới trong phát triển KT-XH giai đoạn 2026-2030 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh đã quyết nghị một số nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật, như: Nghị quyết quy định về việc tặng quà, thăm hỏi, động viên người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và người thờ cúng liệt sĩ nhân dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Tết Nguyên đán hằng năm; Nghị quyết về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đã nhận được sự tán thành, nhất trí cao của các đại biểu HĐND tỉnh. Đây đều là các chủ trương, chính sách lớn có ý nghĩa quan trọng, có ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến đời sống của nhân dân, an sinh xã hội trên địa bàn.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT (Tổ đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ) khẳng định: Những nghị quyết được thông qua tại kỳ họp chuyên đề lần này là những nội dung quan trọng, là căn cứ tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong đó nghị quyết về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng. Chính sách sẽ góp phần khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp; giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cũng như cảnh quan đô thị. Từ đó có chiến lược, kế hoạch phát triên chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, sau khi nghị quyết được ban hành, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phổ biến đến các cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, rà soát, ưu tiên bố trí quỹ đất chăn nuôi, nguồn lực đầu tư hạ tầng dùng chung… đáp ứng các quy định theo Luật Chăn nuôi và đảm bảo các mục tiêu, định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã bàn thảo, thông qua phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 327 và đường tỉnh 330, đoạn từ thị trấn Ba Chẽ đến đường tỉnh 342; thông qua việc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; quy định thẩm quyền quyết định quản lý, sử dụng tài sản công; phân cấp thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Quảng Ninh...
Nhấn mạnh các nhiệm vụ sau kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vi Ngọc Bích đề nghị: Quỹ thời gian còn lại của năm 2024 rất ngắn, trong khi áp lực giải ngân rất lớn dồn về các tháng cuối năm, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình; chủ động phòng, chống lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm, nhất là mục tiêu giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, nhất là lãnh đạo quản lý, người đứng đầu càng phải tập trung rà soát kỹ lưỡng từng chỉ tiêu, nhiệm vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương và làm gương; nắm chắc địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu cả năm 2024 và của cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Hoàng Nga-Trúc Linh
- Đại biểu HĐND tỉnh nghe các báo cáo, tờ trình và tiến hành thảo luận tại tổ
- Khai mạc Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khóa XIV
- HĐND tỉnh: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động
- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra tờ trình dự thảo nghị quyết
- Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Trạm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa (Sở GTVT)
- Thường trực HĐND tỉnh họp thường kỳ tháng 10
Liên kết website
Ý kiến ()