Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:36 (GMT +7)
Nỗ lực để thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá
Thứ 4, 19/01/2022 | 08:29:58 [GMT +7] A A
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh thứ lần thứ XV và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, đây cũng là năm mọi hoạt động KT-XH của tỉnh chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đã vượt qua khó khăn, "gồng mình" chiến thắng đại dịch, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép như kế hoạch đề ra. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ để Quảng Ninh bước vào năm 2022 với những thành công mới, xứng đáng là một trong những địa phương đầu tàu của cả nước về phát triển KT-XH, là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chống dịch vẫn đặt lên hàng đầu
Với nhiều kinh nghiệm trong triển khai phòng, chống dịch và thực hiện mục tiêu kép từ năm trước, cùng với kiên trì phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, trên tinh thần tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, năm 2021 Quảng Ninh đã thêm một lần nữa khẳng định được sự đúng đắn của mình trong cách tiếp cận, đối mặt, xử lý và vượt qua một thách thức an ninh phi truyền thống chưa từng có tiền lệ.
Điển hình như trong đợt bùng phát dịch lần thứ 3, Quảng Ninh là địa phương có số ca mắc trong cộng đồng đứng thứ 2 cả nước, nhưng chỉ trong vòng hơn một tuần, tỉnh đã nhanh chóng chặn đứng được đà lây lan nhanh của dịch bệnh, dập tắt ổ dịch Vân Đồn, khóa chặt ổ dịch Đông Triều.
Tiếp đến, từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4, dù đã xuất hiện hàng chục, hàng trăm ca mắc trong cộng đồng và ca bệnh xâm nhiễm, nhưng nhờ huy động tổng lực cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện chiến lược thần tốc xét nghiệm, truy vết, sử dụng tối đa CNTT hỗ trợ, tỉnh đã chặn đứng mọi nguồn lây, khóa chặt các ca bệnh, nhanh chóng “làm sạch” địa bàn. Thậm chí có thời điểm diễn biến dịch trên cả nước vô cùng phức tạp với biến thể Delta, Quảng Ninh vẫn kiên cường giữ vững địa bàn an toàn - ổn định, lập kỷ lục 114 ngày không ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 mới trong cộng đồng...
Bước vào năm 2022 với trạng thái mới là thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quảng Ninh đã có sẵn tâm thế vững vàng, chủ động điều chỉnh phương pháp và cách làm phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh. Theo đó, tỉnh vẫn kiên định thực hiện chiến lược nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước và “4 tại chỗ”. Trong đó, ngành y tế và các địa phương đã và đang nhanh chóng rà soát, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; chủ động giám sát, xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ hằng ngày, hằng tuần, nhằm kịp thời phát hiện sớm, truy vết sớm, cách ly sớm, điều trị sớm các trường hợp F0, không để bị động, bất ngờ về ca bệnh, ổ dịch.
Cùng với đó, hiện tỉnh đang quyết liệt triển khai việc tích hợp đồng bộ, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết hợp với dữ liệu khai báo y tế, tiêm chủng, xét nghiệm để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Đồng thời tích cực tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, ý thức, chủ động test nhanh tầm soát, tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; tiếp tục hoàn thiện, củng cố quy định phòng, chống dịch trong các quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư...
Nhờ đó, từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều ca mắc mới, nhưng tình hình diễn biến dịch vẫn cơ bản nằm trong tầm kiểm soát, không để lây lan thành đợt dịch, gây ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. Quảng Ninh vẫn cơ bản giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, sẵn sàng chinh phục các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022 và giai đoạn mới.
Quyết tâm bứt phá trên các lĩnh vực
Những thành tựu của năm 2021 đã khẳng định quyết tâm lớn, cách làm sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả của Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh phát triển KT-XH dù ở trạng thái “Zero Covid” hay “chung sống an toàn với dịch bệnh”. Đây cũng chính là động lực mạnh mẽ để Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022 cũng như cho cả giai đoạn 2021-2025.
Với chủ đề công tác năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, tỉnh đã đề ra nhiều chỉ tiêu phát triển KT-XH cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là quyết tâm tăng trưởng GRDP đạt trên 10%; tổng thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 52.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%; thu hút FDI đạt ít nhất 1,5 tỷ USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 11%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 68,5%; giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 85,85%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 47,5%...
Cùng với đó, tỉnh cũng đề ra hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm khác như đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; tập trung phát triển công nghiệp hóa - dịch vụ, du lịch - đô thị hóa và chuyển đổi số; phát huy vai trò của các KKT, KCN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm; xây dựng nông thôn mới, nông thôn văn minh...
Cũng trong năm 2022, Quảng Ninh sẽ dồn lực cho việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng, gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Đồng thời tích cực chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Song hành với đó là tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo...
Để hiện thực hoá những mục tiêu đặt ra, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện 15 đề án, chương trình trọng điểm đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chủ đề công tác năm 2022. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; thực hiện quyết liệt hơn 3 đột phá chiến lược...
Tín hiệu vui ngay ngày đầu năm mới, 2 công trình giao thông trọng điểm là đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và cầu Cửa Lục 1 đã chính thức được đưa vào sử dụng sau 100 ngày đêm nước rút thi công thần tốc; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng được thông xe kỹ thuật và sẽ nhanh chóng hoàn thiện, đưa vào khai thác sớm. Cũng trong năm 2022, tỉnh phấn đấu tiếp tục hoàn thành hàng loạt các công trình hạ tầng trọng điểm gồm: Cầu Cửa Lục 3; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến tỉnh lộ 338 (giai đoạn 1); đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc (Km20+050, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng); hoàn thành đường nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (Km6+700) đến tỉnh lộ 338 (giai đoạn 1).
Trong mũi đột phá về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh thể hiện rõ quyết tâm chính trị ở mức cao nhất khi đưa nhiệm vụ giữ vững, nâng cao vị trí và cải thiện điểm số của các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS thành một chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và trở thành nội dung có tính chất bắt buộc trong thực hiện nhiệm vụ hằng năm của các cấp chính quyền... Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực, công tác cải cách hành chính chắc chắn sẽ tiếp tục được tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện theo hướng đồng bộ hơn, thực chất hơn, với mục tiêu, yêu cầu cao hơn.
Đối với mũi đột phá về nguồn nhân lực, cũng là một trong những nội dung của chủ đề công tác năm 2022, tỉnh xác định sẽ cụ thể hóa hơn nữa 4 định hướng chiến lược của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập phù hợp với điều kiện địa phương. Đó là gắn phát triển nguồn nhân lực với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH; gắn việc phát triển nguồn nhân lực với quá trình dân chủ hóa, nhân văn hóa đời sống xã hội, khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại; nâng cao chất lượng sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ; có chiến lược phát triển con người trên cơ sở một hệ thống chính sách đồng bộ hướng tới con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
Tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng để đào tạo trong nước đối với gần 63.000 CBCCVC tương ứng 1.005 lớp học; đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy cho 750 lượt CBCCVC; tổ chức trên 50 lớp đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài cho trên 1.000 lượt CBCCVC. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, dự kiến khoảng 5.000 lao động ngành nông nghiệp, 10.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại và 5.000 lao động ngành xây dựng...
Với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, rõ ràng, cùng sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chắc chắn năm 2022, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục bứt phá về mọi mặt, xứng đáng là cực tăng trưởng kinh tế của cả vùng và khu vực phía Bắc.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()